[links()]
Hoạt động của bọn phản động ngày càng táo tợn hơn. Ngày 21-5-1947, chúng tổ chức cướp tiền của Ty thuế quan Văn Lý, rải truyền đơn kích động giáo dân nổi dậy chống thuế, chống Chính phủ ở La Châu (Giao Thuỷ), Thiên Thiện (Xuân Trường), Liễu Đề (Nghĩa Hưng). Tháng 7-1947, chúng kích động một số dân ở Xương Điền và Văn Lý (Hải Hậu) biểu tình chống thu thuế muối; tổ chức bắt cóc, thủ tiêu một số cán bộ cơ sở của ta; định lật đổ chính quyền cách mạng ở vùng Thiên Chúa giáo dọc theo ven biển từ Tiền Hải (Thái Bình) qua Nam Định sang Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), chọn Nam Định làm nơi thí điểm thực hiện âm mưu đó. Ngày 31-8-1947, chúng đã bắt giáo dân ở Tang Điền, Xuân Hà (Hải Hậu) rào làng canh gác, công khai bắt giết hại cán bộ công an huyện Hải Hậu về công tác ở địa phương. Ngày 1-9- 1947, địch lại bắt và giết một số cán bộ của phái đoàn dân, chính huyện về giải quyết vụ phạm pháp trên. Ngay sau đó, một số cán bộ công an huyện, Huyện đội cùng với du kích vào tiếp tục giải quyết, chúng lại bắt giữ và thủ tiêu một số người; đồng thời thúc ép một số giáo dân ở tám xã xung quanh biểu tình, rào làng, lùng bắt cán bộ.
Tại Đông Biên (Hải Hậu), bọn phản động đã giết một em bé liên lạc của công an. Ở Ngoại Đê (Nam Trực), chúng giết một bộ đội về phép và một chủ tịch xã. Ở xứ Gia Hoà và Báo Đáp chúng giết ông già 67 tuổi ngoan đạo rồi vu cho nhân dân bên lương giết, hòng chia rẽ đoàn kết lương giáo. Do chưa lường hết được tình hình phức tạp ở vùng Thiên Chúa giáo cũng như tính chất, mức độ của bọn phản động đội lốt tôn giáo nên công tác vận động tranh thủ giáo dân chặn âm mưu phá hoại của địch lúc đầu chưa được đặc biệt chú ý. Khi một số vụ xảy ra cũng chưa tập trung cao độ để ngăn chặn, giải quyết kịp thời, thường bị động đối phó. Mặt khác bản thân phong trào nơi Thiên Chúa giáo cũng quá non yếu, bọn phản động đầu sỏ đội lốt tôn giáo đã dựa vào đó để mê hoặc, kích động quần chúng giáo dân chống đối lại ta.
Được sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh uỷ đã có chủ trương và biện pháp tích cực nhằm dập tắt bạo loạn. Ngày 5-9-1947, tỉnh đã điều động hai trung đội bộ đội địa phương và một số đại đội du kích cùng một số cán bộ vào Tang Điền, Xuân Hà làm nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của ta, vận động giáo dân, trấn áp bọn phản động với phương châm hết sức tránh gây tiếng nổ, không sa vào âm mưu khiêu khích của địch, giải tán các cuộc biểu tình, giải tán các cuộc tập trung canh gác, tranh thủ quần chúng, bắt những tên đầu sỏ gian ác; đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghi binh ở vùng địch tạm chiếm, phá âm mưu phối hợp nội, ngoại tuyến của địch.
Mặc dù bọn phản động kéo chuông thúc ép giáo dân chống lại, nhưng cán bộ và bộ đội vẫn kiên trì giải thích cho đồng bào thấy rõ âm mưu địch, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ; đồng thời kiên quyết trừng trị một vài tên hung hãn nhất, tước khí giới của chúng, vạch trần bộ mặt gian ác, phản nước hại dân của bọn phản động trước nhân dân.
Thành công lớn của ta trong việc đối phó với bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa là đã nhanh chóng dập tắt được vụ phiến loạn Tang Điền - Xuân Hà và không mắc mưu khiêu khích của địch, tranh thủ được sự đồng tình của giáo dân, trừng trị đích đáng bọn đầu sỏ gian ác. Các tổ chức phản động bị suy yếu, có bộ phận tan rã. Một số tên có tội ác bỏ chạy vào vùng địch tạm chiếm. Số còn lại nằm im không dám phá hoại trắng trợn như trước. Tình hình địa phương mau chóng ổn định, phong trào dần dần được phục hồi.
Yêu cầu cuộc kháng chiến đòi hỏi phải động viên nhân lực, vật lực ngày càng nhiều. Tháng 6-1947, Tỉnh uỷ đã phát động phong trào thi đua sản xuất để ổn định đời sống nhân dân và góp phần nuôi quân đánh giặc. Khắp nơi trong tỉnh nông dân hăng hái tăng gia sản xuất và đạt được kết quả khả quan. Vụ chiêm năm 1947, tổng diện tích cấy được 238.000 mẫu, thu hoạch 110.000 tấn thóc, hơn vụ chiêm năm 1946 là 5000 tấn. Vụ mùa năm 1947 cũng cấy được 142.000 mẫu, sản lượng thu hoạch đạt khá. Việc trồng màu, rau và chăn nuôi lợn, gà tăng nhiều. Đặc biệt là sản xuất muối, trong 6 tháng đầu năm 1947 ta đã thu hoạch được 2.543,456 tấn và vận chuyển đi hơn 10 tấn muối, góp phần giải quyết yêu cầu về muối ăn cho nhân dân các nơi thuộc Thái Bình, Bạch Hạc (Việt Trì), Vân Đình, Đồng Quan (Hà Đông), Nho Quan (Ninh Bình).
Việc thực hiện chính sách giảm tô của Đảng tuy có đề ra nhưng do lập trường giai cấp của cán bộ, đảng viên còn hữu khuynh, đoàn kết một chiều nên việc chấp hành thiếu triệt để. Nhiều địa chủ chưa giảm hoặc giảm chưa đúng thông tư đã quy định (ở Nghĩa Hưng trong số 4.346 mẫu địa chủ phát canh thu tô thì 3.425 mẫu chưa giảm). Chủ trương tản cư, hồi cư để kéo dài đến hết năm 1947 đã ảnh hưỏng tới công việc sản xuất và đời sống nhân dân. Đến cuối năm, Tỉnh uỷ có chủ trương uốn nắn sự lệch lạc trên. Các địa phương đã tổ chức cho nhân dân hồi cư kết hợp với việc xây dựng cơ sở vùng địch tạm chiếm. Mặt khác, ta đã vận động các huyện vùng tự do đỡ đầu các huyện vùng địch hậu để giúp đỡ giống vốn mau chóng ổn định đời sống cho đồng bào.
(Còn nữa)