[links()]
Trước những chuyển biến mới của cuộc kháng chiến, nhất là sau thắng lợi Việt Bắc, Trung ương Đảng tổ chức liên tiếp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng (1-1948), Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ tư (5-1948), lần thứ năm (8-1948), ra Nghị quyết về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội cho giai đoạn mới.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng chủ trương phải ra sức củng cố và phát triển Đảng thực sự có tính chất quần chúng mạnh mẽ và quyết định thành lập các Liên khu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.
Tháng 3-1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào Thi đua ái quốc nhằm động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nâng cao nhiệt tình cách mạng và tính sáng tạo, ra sức thi đua hoàn thành mọi nhiệm vụ trước mắt, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số vị trong Chính phủ kháng chiến ở Việt Bắc năm 1948. |
Từ sau thất bại ở Việt Bắc, thực dân Pháp phải từ bỏ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, đưa quân về càn quét bình định vùng đồng bằng. Ở Nam Định, chúng mở nhiều cuộc hành quân càn quét nhỏ nhằm phá cơ sở, cướp bóc của cải, phá hoại kinh tế của ta; ra sức củng cố ngụy quyền, tăng cường ngụy quân, mở rộng chiếm đóng theo kiểu vết dầu loang. Tháng 4-1948, địch chiếm đóng vị trí Báo Đáp, Gia Hoà, Vô Hoạn, Thượng Hữu, Quy Phú, Cổ Ra, Giáp Tư (Nam Trực), An Duyên, Lập Thành, Quả Linh, Trung Phu, Trình Xuyên (Vụ Bản). Đến tháng 10-1949, chúng đã chiếm được vùng nông thôn xung quanh thành phố với diện tích gần 200 km2, thiết lập một vành đai từ đường Vàng (Nam Trực) qua Trình Xuyên (Vụ Bản), Lê Xá, Tân Đệ (Mỹ Lộc) nhằm bảo vệ thành phố Nam Định. Song song với việc lấn chiếm lập vành đai, địch còn ra sức tuyển mộ ngụy quân làm lực lượng chiếm đóng, tích cực thực hiện chính sách dùng người Việt trị người Việt, xúc tiến lập tề, dõng để bình định khu vực chiếm đóng.
Chúng còn bất ngờ tổ chức các cuộc hành quân thọc sâu ra vùng tự do gây hoang mang trong nhân dân, kích động bọn phản động địa phương chống lại lực lượng vũ trang của ta. Điển hình là cuộc hành quân ngày 25-4-1948, địch cho tàu chở một tiểu đoàn quân, đưa tên Tỉnh trưởng Nguyễn Lập Lễ từ thành phố Nam Định theo sông Đào ra sông Hồng, đổ bộ lên Ngô Đồng (Giao Thuỷ), xuyên qua các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng rồi lại xuống tàu trở về thành phố.
Trước tình hình trên, để đẩy mạnh mọi mặt hoạt động tiến lên trong giai đoạn mới, chấp hành Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ đã phát động một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trong Đảng bộ và quân dân trong toàn tỉnh. Các tổ chức Đảng từ chi bộ đến Đảng bộ hăng hái thi đua xây dựng chi bộ tự động công tác, khi địch chiếm đóng chi bộ phải hoạt động trong lòng địch hoặc khi chiến tranh ác liệt xảy ra chi bộ không liên lạc được với cấp trên. Nội dung xây dựng chi bộ tự động công tác gồm:
Tự động đề ra chương trình, kế hoạch công tác.
Tự động giải quyết được về đời sống, tương trợ lẫn nhau để hoạt động.
Tự động mở lớp huấn luyện đảng viên và người cảm tình Đảng.
Học tập thông suốt các nghị quyết, sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác.
Các cơ quan, đoàn thể thi đua kiện toàn củng cố cơ quan vững mạnh, đoàn kết nội bộ, liên hệ chặt chẽ và thương yêu giúp đỡ nhân dân, vận động nhân dân hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, bộ đội du kích; tích cực rào làng kháng chiến, luyện tập quân sự và canh gác; tích cực lao động sản xuất, tiết kiệm, học tập và xây dựng đời sống mới.
Phong trào thi đua thực tế đã đem lại sức sống mới cho kháng chiến. Qua các phong trào thi đua học tập, rèn luyện và chiến đấu, mỗi cán bộ, đảng viên đều có chuyển biến tích cực về tinh thần trách nhiệm, ý thức và tác phong sinh hoạt, lề lối làm việc. Nhiều sáng kiến và thành tích trong chiến đấu, công tác và lao động sản xuất được nảy nở, góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt công tác kháng chiến.
Được sự dìu dắt của các Đại đội độc lập 36, 37 và Đội Tuyên truyền vũ trang, phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh đã hạn chế những hoạt động sục sạo của địch, ngăn chặn bọn phản động lập tề, lập dõng, lập vị trí. Trong nửa đầu năm 1948, dân quân du kích Nam Định đã đánh 306 trận, phối hợp với bộ đội đánh 56 trận, diệt 173 tên, làm bị thương 50 tên. Cùng với nhân dân vùng bị địch tạm chiếm tổ chức 10 cuộc tuyên truyền vũ trang, phá 15 ban tề, tạo điều kiện cho các cơ sở chính trị phục hồi và phát triển, Hội Liên Việt huyện Mỹ Lộc đã vận động được 114 người trong ban tề trở về với Tổ quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.
(Còn nữa)