[links()]
Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Trung đoàn 34 sau khi rút khỏi thành phố Nam Định để lại Đại đội 11- đại đội độc lập hoạt động vũ trang tuyên truyền gây cơ sở ở vùng tạm chiếm Mỹ Lộc, ngoại thành Nam Định. Tiếp đó tỉnh điều động Đại đội 77 và 36 về hoạt động ở vùng tạm chiếm huyện Nam Trực và Vụ Bản. Các đơn vị, đại đội độc lập đã dìu dắt lực lượng dân quân du kích từ chỗ chỉ làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ xóm làng tiến tới tự động đánh địch. Do đó năm 1947 bộ đội chủ lực đánh 75 trận thì bộ đội địa phương đánh 24 trận, dân quân du kích đánh 40 trận. Tiêu biểu cho thành tích chiến đấu là đội du kích Mai Mỹ (Thành Mỹ) đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh biểu dương.
Chiến tranh du kích phát triển đã ngăn chặn một phần hoạt động của địch, tạo điều kiện cho cán bộ của ta đi vào tuyên truyền giáo dục quần chúng, phục hồi cơ sở. Nhân dân vùng tạm chiếm, trước sự khủng bố của giặc, mặc dầu có một bộ phận nhỏ dao động, hoang mang nhưng tuyệt đại bộ phận quần chúng rất tin tưởng vào kháng chiến, tin tưởng vào Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhiều người đã tích cực giúp đỡ, bảo vệ bộ đội, cán bộ hoạt động. Vì vậy, phong trào quần chúng ở những vùng địch chiếm đóng dần dần phục hồi. Năm 1947 ta đã phá được 15 ban tề. Trong một đêm tháng 10-1947, du kích xã Mỹ Tân (ngoại thành Nam Định) đã đột nhập bắt sống cả Ban hội tề của hai làng Phù Long và Hữu Long, thu 5 súng trường; tiếp đó lại đột nhập làng Trung Trang bắt sống tên phó lý và thuyết phục được lý trưởng làng Tân Đệ ra thú tội tại Công an quận 2.
Sử dụng bom ba càng tiêu diệt xe tăng địch (Ảnh: Tư liệu) |
Nhân dân các vùng bị địch uy hiếp đều triệt phá cầu đường, đắp ụ ngăn cơ giới của địch, thực hiện khẩu hiệu Vườn không nhà trống khi địch tới. Các xã Liên Minh, Liên Phương, Lê Lợi, Bảo Xuyên, Cốc Thành, Thanh Côi (Vụ Bản) phá sập 6 cầu, đánh đổ 70 cột điện, bóc 3.500m đưòng sắt. Trên đường 12, đường 10, cứ cách 50m lại đắp một ụ đất để ngăn cản xe cơ giới của địch. Toàn tỉnh đã làm được 9.954 ụ đất, 35.768 hố hoả mai và hố tránh máy bay, 55 km giao thông hào. Việc rào làng kháng chiến cũng được tiến hành ở một số địa phương như Đại An, Phú Hào (Nam Trực); Dịch Diệp, Cát Trung (Trực Ninh); Thượng Đồng, An Lạc (Ý Yên); Lạc Châu, Hành Thiện (Xuân Trường); Quả Linh, Hào Kiệt (Vụ Bản); Nghĩa Lễ, Quang Sán, Nhân Nhuế, Tiểu Liêm (Thành Mỹ). Nhân dân trong tỉnh còn đào được 3.481 hầm bí mật.
Để phát triển chiến tranh nhân dân, Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ hai (4-1947) đã quyết định cấp tốc tiến hành việc tổ chức, huấn luyện, vũ trang và lãnh đạo dân quân, yêu cầu mỗi làng, mỗi địa phương phải phái ngay đồng chí hoặc cán bộ cứu quốc có năng lực đảm nhiệm việc phát triển dân quân. Thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 5-1947, tỉnh Nam Định đã chuyển uỷ ban dân quân thành Tỉnh đội dân quân và tiến hành tổ chức các huyện đội, xã đội dân quân, chuyên trách xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang địa phương. Do đó, các đội du kích tập trung huyện và dân quân du kích xã được tích cực xây dựng. Đến cuối năm 1947, lực lượng du kích tập trung đã phát triển được 525 người, xây dựng được hai đại đội thoát ly (C195 Nam Trực, C115 Mỹ Lộc), hai tiểu đội nữ binh. Tại sáu huyện phía nam tỉnh, mỗi huyện có một trung đội thường trực khoảng trên dưới 30 người. Tỉnh uỷ còn chú trọng chỉ đạo công tác huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân du kích, phát động phong trào Quân sự hoá toàn dân sâu rộng trong tỉnh.
Để mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi lực lượng nhân dân tham gia kháng chiến, Mặt trận Liên Việt được củng cố và phát triển, thu hút những người còn ở ngoài các tổ chức cứu quốc. Đồng thời, Tỉnh uỷ đã quyết định rút số cán bộ ngành, giới được trưng tập phục vụ nhiệm vụ quân sự trở về chăm lo củng cố và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức quần chúng. Từ đó, các đoàn thể cứu quốc vừa được phát triển mạnh mẽ, vừa được kiện toàn hệ thống các Ban chấp hành chính thức các cấp.
Một trong những thủ đoạn quen thuộc rất thâm độc, xảo quyệt của thực dân Pháp là chính sách chia để trị, dùng người bản xứ trị người bản xứ. Chúng đã triệt để lợi dụng lòng tin của giáo dân, hà hơi, tiếp sức cho bọn phản động trong giáo hội Thiên Chúa cùng những tên cường hào, phản động quấy rối hậu phương, gây mối hiềm khích trong nhân dân. Tháng 4-1947, chúng đã phái Hoàng Quỳnh - một trong những tên phản động khét tiếng đội lốt thầy tu từ Phát Diệm sang Bùi Chu để thực hiện âm mưu này. Hoàng Quỳnh đã đi rất nhiều xứ đạo để tập hợp lực lượng, tổ chức lớp huấn luyện Thanh niên công giáo diệt cộng, đào tạo bọn đầu sỏ phản động; dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, gây tâm lý sợ cộng sản phá đạo, ngăn cấm giáo dân tham gia các đoàn thể cứu quốc; bí mật lập các đảng phái phản động như Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt duy dân, Mặt trận liên tôn chống cộng; tổ chức bán Tín phiếu chống cộng trong giáo dân lấy tiền mua sắm vũ khí, thúc ép thanh niên tham gia lực lượng Tự vệ công giáo, vũ trang canh gác nhà xứ; dùng thần quyền giáo lý để mê hoặc giáo dân cuồng tín tham gia chống chính quyền địa phương.
(Còn nữa)