"Đảng ca", "Quốc ca" đồng hành cùng lịch sử dân tộc

06:02, 18/02/2015

Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), tác giả của “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Minh (1926-2008) tác giả “Đảng ca” (Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam) đều là những người con quê hương Nam Định. Nhạc sĩ Văn Cao quê ở xã Liên Minh (Vụ Bản), còn nhạc sĩ Đỗ Minh quê xã Hải Triều (Hải Hậu). Ngay từ nhỏ họ đã rời quê hương bôn ba khắp nơi, lấy nghệ thuật làm phương tiện để kiếm sống, nhưng tài năng, lòng yêu nước và nhạy cảm chính trị đã thôi thúc họ trở thành những nghệ sĩ - chiến sĩ có những cống hiến quan trọng cho nền nghệ thuật cách mạng nước nhà. Điểm “hội tụ” của hai nghệ sĩ lớn, không chỉ là đồng hương, mà còn là hai tác phẩm “để đời”: “Quốc ca” và “Đảng ca” đều gắn liền với những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc.

Khởi nguồn dòng cảm xúc

Vào một ngày cuối đông, đầu xuân, tại căn nhà riêng của cố nhạc sĩ Văn Cao ở số nhà 108 Yết Kiêu (Hà Nội), bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của cố nhạc sĩ đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý về nhạc sĩ và về hoàn cảnh ra đời “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ca khúc này trên căn gác nhỏ ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Trước đó, năm 1942, Văn Cao từ Hải Phòng lên Hà Nội học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương, làm thơ và viết truyện ngắn. Trong suốt 2 năm, những hy vọng về sự nghiệp hội họa vẫn không thể thực hiện được. Hằng ngày, ông nhờ mấy người bạn họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Trong cuốn hồi ký “Tại sao tôi viết Tiến quân ca” còn lưu giữ tại gia đình nhạc sĩ, ông viết: Năm 1944, mẹ cùng các em, các cháu dắt díu nhau từ Nam Định ra Hải Phòng, dọc đường đã để lạc mất đứa cháu gái con anh cả tôi. Nó mới lên ba. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Có thể nó nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy. Bản thân Văn Cao cũng chẳng khá gì hơn. Năm ấy rét hơn mọi năm, trên căn gác 171 phố Mongrant (nay là số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) ông ngủ với cả quần áo, có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi… Và rồi ông gặp lại Vũ Quý, một chiến sĩ Việt Minh, vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao từ nhiều năm trước. Vũ Quý đặt vấn đề mời Văn Cao tham gia lực lượng Việt Minh và sáng tác một hành khúc cho quân đội cách mạng. Nhạc sĩ Văn Cao đồng ý. Đây chính là chất “xúc tác” đầu tiên để Tiến quân ca ra đời. Trong dòng hồi ký, nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại: “Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen tôi cố tìm một cái gì để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên. Những đường phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hằng ngày… Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh, chứ không chuẩn bị để quay lại làm bài hát, thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ, trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một cái ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc, cũng không phải là cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định - Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy, về căn gác tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca…”.

“Tiến quân ca” đã ra đời như thế, trong hoàn cảnh bi tráng, từ chính hoàn cảnh đói khổ của người thân, của những sinh mạng leo lắt mà ông từng chứng kiến, cứ miên man như thế, giai điệu trong ông bỗng dâng trào và hòa quyện cùng lời ca như bật ra: “Đoàn quân Việt Minh đi (sau này đổi là Đoàn quân Việt Nam đi). Chung lòng cứu quốc…”.

Cũng thuộc lớp nhạc sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhạc sĩ Đỗ Minh, quê xã Hải Triều (Hải Hậu) đã tham gia trong các Chiến dịch Biên giới, Trung du, Điện Biên Phủ. Năm 1951, đơn vị của ông đóng quân tại huyện Đại Từ, thủ đô kháng chiến của Chiến khu Việt Bắc. Lúc này, Đảng ta chuẩn bị ra hoạt động công khai, nhạc sĩ Đỗ Minh đã sáng tác ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” (sau này đổi tên thành ca khúc “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam”). “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” là tiếng hát âm vang từ nhịp đập trái tim bày tỏ những tình cảm dạt dào tha thiết của người thanh niên yêu nước với Đảng, với cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám, từ khi còn rất trẻ, nhạc sĩ Đỗ Minh đã tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than khổ cực với thảm cảnh hàng trăm người chết vì đói, dưới ách thống trị của giặc ngoại xâm và phong kiến. Nhạc sĩ Đỗ Minh tâm sự: “Trong quá trình sáng tác, tôi không nghĩ nhiều đến nghệ thuật thể hiện. Trước khi hình thành những giai điệu đầu tiên của bài hát, không hiểu sao tâm trí tôi cứ luôn hiện lại cảnh chết đói đầy đường, đầy chợ của người dân xứ đạo vùng Hải Triều (Hải Hậu) quê tôi. Những cảnh tượng đau thương ấy cứ ám ảnh tôi không dứt”. Chứng kiến những điều đó, khát vọng giải phóng quê hương khỏi áp bức, bóc lột đã thôi thúc Đỗ Minh tình nguyện lên Việt Bắc, gia nhập đoàn quân cứu quốc. Sự nhạy cảm chính trị đã khiến nhạc sĩ có một niềm tin sắt son rằng: Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đem lại tự do, hòa bình cho Tổ quốc, cho nhân dân… Những suy nghĩ đó đã được nhạc sĩ ấp ủ qua năm tháng, thời gian và một ngày, trong một ngôi nhà đơn sơ ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), những xúc cảm của người nghệ sĩ đã cho ra đời bài hát ca ngợi Đảng. Nhạc sĩ Đỗ Minh tâm sự: Tôi viết “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” là tôi sáng tác cho chính mình, là để nói với chính mình, với đồng bào về những tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ cách mạng, của mọi người với Đảng. Đó cũng chính là niềm tin với Đảng, đi theo Đảng. Mọi người dân xứ đạo quê tôi được đổi đời, đó là thành quả của cách mạng đem lại. Nguyện vọng ca ngợi công ơn của Đảng luôn gợi cho tôi hình ảnh về sự hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào từng cực khổ trong kiếp nô lệ, lầm than, nay hướng theo ánh sáng ấy: “Vừng trời đông ánh hồng tươi sáng bừng lên, đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới…”.

Đồng hành cùng lịch sử dân tộc

Ngay sau khi ra đời, “Tiến quân ca”“Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam” được đón nhận nồng nhiệt và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi. Ngày 16-8-1945 Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Bác đã quyết định chọn Quốc ca cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữa 3 ca khúc: “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Minh” (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam) của nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi. Bởi theo Bác, đưa “Tiến quân ca” trở thành Quốc ca là phù hợp nhất. Ca khúc thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lại ngắn gọn, dễ thuộc lời, đầy đủ về ý nghĩa, giai điệu lại hùng tráng. Ngày 17-8-1945 tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Khi lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà hát lớn xuống, thời khắc đó, bài “Tiến quân ca” lần đầu tiên được hát chính thức. Sau này nhạc sĩ Văn Cao đã xúc động ghi lại khoảnh khắc đó: “Bài Tiến quân ca đã nổ ra như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi hàng nghìn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi. Những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng, đã thay những băng vàng của Chính phủ Trần Trọng Kim”. Ngày 19-8-1945, đó là một buổi sáng mùa Thu nắng vàng rực rỡ, một cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát lớn, hàng nghìn đồng bào và các em thiếu nhi cùng hát “Tiến quân ca”, chào lá cờ đỏ sao vàng. Ngày 2-9-1945, “Tiến quân ca” đã chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy.

Sau Cách mạng Tháng Tám, do hoàn cảnh đặc biệt, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật, bởi vậy, những tác phẩm âm nhạc viết về Đảng chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 1951. Ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” ra đời năm 1951, chào mừng Đảng trong Đại hội toàn quốc lần thứ 2 - Đại hội chính thức tuyên bố Đảng ra công khai, tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến cứu nước. Bài hát ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng được phổ biến khắp Chiến khu Việt Bắc. Tổng cục Chính trị ra chỉ thị in, sao lại để phổ biến cho tất cả các đơn vị trong toàn quân nhằm cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Như vậy, mấy chục năm qua kể từ khi ra đời, “Quốc ca” của nhạc sĩ Văn Cao và “Đảng ca” của nhạc sĩ Đỗ Minh luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc, vang vọng khắp non sông đất nước, in dấu son chói lọi trong lịch sử các ca khúc cách mạng. Các ca khúc ấy đã làm rung động trái tim bao thế hệ người Việt Nam nguyện đi theo Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng hành cùng đời sống chính trị, xã hội của nhân dân cả nước suốt nhiều năm qua và trở thành Quốc ca của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Đảng ca của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015) và 70 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2015), “Tiến quân ca” “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam” lại được hát vang những lời ca bất hủ./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com