Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 2

07:12, 30/12/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Sau Cách mạng Tháng Tám vẫn còn một bộ phận lính Nhật ở thành phố Nam Định chờ ngày giải giáp. Cuối tháng 9-1945 hai trung đoàn và một sư đoàn bộ của quân Tưởng Giới Thạch kéo vào đóng ở thành phố Nam Định, bám gót chúng là bọn Việt Quốc, đóng trụ sở ở số nhà 41 phố Lê Quý Đôn (gần trại Carô). Lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh đến tước vũ khí quân Nhật, chúng sách nhiễu ta đủ điều, vơ vét hàng hoá, lương thực, thực phẩm bằng loại tiền Quan kim, Quốc tệ đã mất giá trị; che chở, giúp đỡ bọn Việt Quốc gây rối khiêu khích, vu cáo chính quyền cách mạng. Trắng trợn hơn chúng còn cho quân lính ra đường phố gây rối trật tự trị an, cướp đoạt tài sản của nhân dân. Những phần tử cơ hội, phản cách mạng, nhất là bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa cũng ra sức tuyên truyền gây khó khăn cho ta trong việc phát triển các đoàn thể cứu quốc cũng như xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng.

    Mặt khác, Đảng bộ còn ít kinh nghiệm chỉ đạo công tác chính quyền; các tổ chức quần chúng nói chung mới được xây dựng, lực lượng vũ trang của địa phương đang hình thành, trang bị còn nghèo nàn. Tổ chức Đảng ở cơ sở, nhất là ở xã còn ít và chưa thật đáp ứng kịp thời với những đòi hỏi cấp bách của phong trào cách mạng trong giai đoạn mới.

    Bên cạnh những khó khăn to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Nam Định cũng có nhiều thuận lợi cơ bản.

    Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Dân chủ Cộng hoà ra đời, đem lại cho Việt Nam thế và lực mạnh gấp bội phần. Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh có đường lối cách mạng đúng đắn, biết quy tụ và phát huy sức mạnh đoàn kết nhân dân, kiên quyết đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc. Nhân dân ta luôn biểu thị tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững lời thề của Tuyên ngôn độc lập: "Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập".

    Chính quyền nhân dân tuy còn non trẻ nhưng đã được xây dựng thành hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã, lại có Mặt trận dân tộc thống nhất xây dựng trên cơ sở liên minh công nông, đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước làm hậu thuẫn. Lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, được nhân dân hết lòng che chở giúp đỡ, có thanh thế lớn, có lòng yêu nước và chí căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.

    Qua chiến tranh, tiềm lực của kẻ thù có phần bị suy giảm và cũng nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi trong hàng ngũ của chúng. Tuy quân đội Tưởng Giới Thạch và một vài đảng phái phản động có gây cho ta một số khó khăn, nhưng hoạt động của chúng chủ yếu vẫn ở phạm vi thành phố, thị xã. Chính quyền ta vẫn ngày một vững mạnh ở toàn bộ vùng nông thôn rộng lớn, có điều kiện tập trung giải quyết những vấn đề hệ trọng về xã hội và đời sống nhân dân. Uy thế chính trị và tinh thần to lớn cùng với những điều kiện thuận lợi khách quan tạo nên sức mạnh bảo đảm cho chính quyền nhân dân đứng vững trong vòng vây của bọn đế quốc.

Lớp học Bình dân học vụ.
Lớp học Bình dân học vụ.

    Nam Định là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là thành phố lớn sau Hà Nội, Hải Phòng với đội ngũ công nhân tập trung, lại được Trung ương Đảng, Xứ uỷ thường xuyên quan tâm theo dõi, chỉ đạo. Đảng bộ Nam Định ra đời sớm, được rèn luyện thử thách qua nhiều cuộc vận động đấu tranh. Nhân dân có truyền thống yêu nước và cách mạng. Đây là những thuận lợi cơ bản, đồng thời là nguồn sức mạnh vô địch tạo điều kiện cho Đảng bộ và nhân dân vươn lên giành nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở địa phương.

    Đứng trước những nguy cơ, thách thức to lớn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt và mưu trí lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi trở ngại, từng bước đưa cách mạng tiến lên.

    Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách

    Cần phải làm ngay nhằm phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, mở một phong trào chống nạn mù chữ; tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính và bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

    Sau đó, trong bức thư gửi nông dân, Hồ Chủ tịch lại chỉ rõ: "Hiện nay chúng ta có hai việc vụ quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam".

    Trên cơ sở phương hướng đó, ngày 25-11-1945 Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, khẳng định: "Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước ta chưa được hoàn toàn độc lập". Khẩu hiệu vẫn là "Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết". Đảng ta còn chỉ rõ: "Kẻ thù chính của chúng ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng".

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com