Huyện Ý Yên có 4 từ đường được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: từ đường họ Trần, xã Yên Chính; từ đường họ Lã, xã Yên Tiến; từ đường Khiếu Năng Tĩnh, xã Yên Cường; từ đường Phạm Văn Nghị, xã Yên Thắng. Hiện các di tích lịch sử - văn hóa này còn lưu giữ được khối kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và niềm tự hào truyền thống của con cháu trong dòng họ.
Theo các tài liệu cổ lưu giữ ở từ đường Khiếu Năng Tĩnh, xã Yên Cường, Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh là một học giả uyên thâm, một nhà giáo lỗi lạc làm tới chức quan Tế tửu Quốc tử giám. Ông là tác giả của các tác phẩm: Địa chí Hà Nội, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Đại An mạt khảo... Sau khi Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh qua đời (1915), con cháu dòng họ và học trò đã tu sửa ngôi nhà của ông thành nơi thờ tự. Trải qua bao biến động của lịch sử và thiên nhiên, từ đường đã bị xuống cấp, con cháu dòng họ Nguyễn đã 5 lần tu sửa, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nguyên trạng kiến trúc công trình. Từ đường có 2 tòa, gồm tiền đường 3 gian và hậu cung 1 gian. Cổng từ đường được xây theo kiểu cổ đẳng 8 mái, đao góc uốn cong có đắp rồng, phía trước nhà có sân lát gạch, mái nhà lợp ngói nam. Bên trong, bộ khung bằng gỗ lim được liên kết bởi 4 vì kèo mê cốn chạm lá lật, chữ Thọ. Hàng bẩy tiền được chạm khắc họa tiết trúc hóa long, phượng hàm thư mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ba gian tiền đường làm theo kiểu tường gạch xây bít đốc, phía trên bờ chảy xây bờ bảng, hai đầu đại bờ xây trụ đấu. Hệ thống ra vào bằng gỗ lim gồm 18 cánh được đặt trên xà ngưỡng bằng gỗ. Sáu cánh cửa ở gian giữa làm theo kiểu “thượng song hạ bản”, mười hai cánh cửa hai bên làm theo kiểu “bức bàn”. Tòa hậu cung có hai bộ vì bằng gỗ lim được thiết kế theo kiểu “vì kèo giá chiêng”, tất cả các cấu kiện được sử dụng bằng gỗ lim bào trơn đóng bén. Bộ khung từ đường đều được ghép mộng, tạo sự vững chắc mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hằng năm tại từ đường còn diễn ra lễ kỵ Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh vào ngày mùng 6 tháng tư âm lịch và nhiều sinh hoạt văn hoá của con, cháu trong họ.
Từ đường Khiếu Năng Tĩnh, xã Yên Cường là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005. |
Từ đường họ Lã, xã Yên Tiến thờ cụ Phó bảng Lã Xuân Oai và các vị tổ của dòng họ. Phó bảng Lã Xuân Oai là người có công trong việc tổ chức khai khẩn lập nên tổng Tam Đồng tại vùng đất Nho Quan (Ninh Bình) và là một sĩ phu yêu nước theo phái chủ chiến, chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và triều đình nhu nhược nhà Nguyễn. Từ đường họ Lã được làm từ đầu thế kỷ XX, có tứ trụ, mê cốn, lợp ngói nam, có bờ bảng, đấu nóc kiểu truyền thống. Từ đường gồm 3 gian chính và 3 gian nhà khách. Hệ thống các vì được làm bằng gỗ theo thiết kế kiểu tứ trụ. Các cột lim cùng các cấu kiện xà, bẩy hài hòa. Hệ thống xà nách ngoài việc tạo dáng còn có chỉ nổi viền mép và chạy triện tàu lá dắt, góp phần làm tăng giá trị nghệ thuật của công trình. Cửa giữa làm theo lối “thượng song hạ bản”, hai cửa bên chạm cuốn thư, triện gấm, cẩn quy. Gian chính giữa từ đường có khám thờ lớn, thờ các vị tổ của dòng họ. Khám thờ được tạo rồng chầu mặt nguyệt ở phần chương. Phần cổ khám chạm lan đằng theo kiểu “thông phong” mang tính nghệ thuật cao; riềm khám chạm triện tàu lá dắt cầu kỳ, cùng với đố ngang, đố dọc, dây cù làm tăng vẻ uy nghi cho bàn thờ ở khu chính cung. Từ đường có một đại tự khắc gỗ, sơn son thếp vàng với 4 chữ “Lã thị từ đường” là hiện vật kỷ niệm lúc sinh thời Lã Xuân Oai đã kính cẩn khắc. Đôi câu đối sơn son từ thế kỷ XIX có nội dung ca ngợi công đức, nền nếp của tông tộc dòng họ Lã ở địa phương. Hai bài chế của Vua Tự Đức ban khen với nội dung: “Biết mưu toan, biết hành sự, biết giữ gìn việc chính trị thật nên khen ngợi. Sự trong sáng, sự cẩn trọng, sự siêng năng đáng bậc quang sang”. Phía trước từ đường còn có 3 nhà khách, kiến trúc theo lối cổ. Đây là công trình ở mặt tiền được làm theo lối tám mái kiểu “chồng diêm”, hệ thống đao guột trên mái, hệ thống trụ, cột với đấu trên, đế dưới với những dòng chữ câu đối đắp nổi góp phần tăng thêm giá trị di tích. Hằng năm, vào ngày 23 tháng 10 (âm lịch) con cháu họ Lã tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm ngày kỵ của Lã Xuân Oai với các nghi lễ trang trọng.
Các dòng họ có di tích lịch sử - văn hóa từ đường ở huyện Ý Yên đều có những đóng góp to lớn cho đất nước ở các thời kỳ. Dòng họ Trần, làng Đại Lộc, xã Yên Chính có 18 vị Quận công gồm: 1 Đại tướng quân và 17 Thượng tướng quân đã lập được nhiều chiến công trong phò Lê dẹp Mạc và được vua ban cho quốc tính. Dòng họ Lã, xã Yên Tiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược đã có hơn 100 con em lên đường nhập ngũ, trong đó có trên 30 người đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường. Dòng họ Phạm, hậu duệ của Tiến sĩ Phạm Văn Nghị, xã Yên Thắng là dòng họ có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt và có ý chí, tinh thần dân tộc, truyền thống đó đến nay vẫn được nối tiếp.
Nhằm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá từ đường, những năm gần đây, con cháu của 4 dòng họ thường xuyên đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc trông coi bảo vệ các từ đường được thực hiện tốt, các quy chế bảo vệ cổ vật, quản lý, phát huy tác dụng của di tích luôn được con cháu và chính quyền các cấp quan tâm, góp phần gìn giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống./.
Bài và ảnh: Viết Dư