Khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932-1939) - kỳ 1

08:10, 02/10/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Sau khi dập tắt ngọn lửa Xô viết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp quyết tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản và dìm phong trào cách mạng Việt Nam trong biển máu. Để đạt được mục đích ấy, thực dân Pháp sử dụng chính sách hai mặt: khủng bố, tàn sát đi đôi với lừa bịp, mị dân.

    Chính sách hai mặt ấy được thi hành ở Nam Định trong một bối cảnh kinh tế, xã hội hết sức khó khăn càng làm cho tình hình mọi mặt ở địa phương ngày càng căng thẳng, ngột ngạt.

    Hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) và sự bóc lột của thực dân Pháp, đời sống của nhân dân Nam Định sa sút nghiêm trọng. Giá một thùng thóc 12 kg chỉ có 12 xu, bằng 2/5 giá thóc trước đây nhưng thuế đinh một người dân phải nộp 2đ50 một năm. Một tạ muối chúng chỉ trả cho diêm dân 0đ60 nhưng chúng bán ra thị trường với giá 3đ20. Chúng khuyến khích mở sòng bạc, bán rượu cồn Phôngten, thuốc phiện ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, chúng bắt tất cả những người nấu rượu lậu, bán muối lậu, buộc mọi người phải tập trung mua các mặt hàng do chúng độc quyền, thậm chí còn bắt buộc dân phải mua rượu Phôngten theo chỉ tiêu hằng tháng. Bọn quan lại cường hào được thực dân Pháp dung dưỡng, tha hồ vơ vét bóc lột (phù thu lạm bổ, thuế má, chiếm đoạt công điền), tìm cớ đục khoét nhân dân. Có khi chúng còn bỏ nồi nấu rượu, bã thuốc phiện vào ruộng vườn, thổ cư của dân rồi vào khám xét bắt đưa về huyện khảo tra kiếm chác. Thủ đoạn "bốc lửa bỏ tay người" này gọi là tiêu xưng, có lợi cho chính sách độc quyền của thực dân Pháp. Bọn quan lại cũng nhờ đó móc tận đáy hầu bao của quần chúng nghèo khổ. Nông dân hết đường sinh sống phải tha phương kiếm việc làm. Trong điều kiện ấy, những công ty cao su bỏ tiền cho vay, ký hợp đồng mộ phu vào các đồn điền cao su ở miền Nam và Campuchia. Nhiều người Nam Định rời bỏ quê hương ra đi theo các hợp đồng mộ phu mà không có hy vọng ngày về.

    Cuộc sống ở thành thị cũng trở nên tiêu điều, xơ xác. Chủ tư bản Pháp sa thải hàng loạt công nhân, nhất là ở Nhà máy sợi. Chúng hạ 30-40% mức lương, tăng giờ làm từ 12 lên 15 giờ một ngày. Nhiều nhà máy chỉ còn hoạt động thoi thóp. Nhà máy chăn Macôlô trước chạy 22 máy, nay chỉ chạy 6 máy và chỉ làm việc 5 ngày/ tuần. Cuộc khủng hoảng ở chính quốc kéo theo sự đình đốn của công nghiệp thuộc địa từ năm 1932 đến năm 1935.

    Giữa lúc nền kinh tế địa phương sa sút, đời sống nhân dân bần hàn, thực dân Pháp lại thẳng tay khủng bố đẫm máu hòng tiêu diệt tận gốc phong trào cách mạng. Tại Nam Định, chúng lập các trạm kiểm soát, bắt tất cả những người bị tình nghi là có hoạt động cách mạng hoặc liên quan tới cách mạng. Hàng trăm người bị giam cầm. Không khí khủng bố bao trùm cả thành thị và nông thôn. Các cán bộ may mắn thoát khởi sự vây bắt của kẻ thù thì mất liên lạc với Đảng. Nhiều đồng chí phải tạm lánh đi nơi khác hoặc nằm im để giữ bí mật.

    Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt hầu hết giữ vững khí tiết cách mạng, thà chết chứ không chịu đầu hàng khai báo. Đồng chí Trần Quang Tặng, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ bị chúng tra điện và dùng dùi nung đỏ làm cho cháy thịt da nhưng vẫn kiên trung bất khuất. Nhiều chiến sĩ cách mạng Nam Định bị địch đày đi các nhà tù Côn Đảo, Hoả Lò, Sơn La, Bắc Mê. Ở bất cứ nơi đâu, các đồng chí cũng cùng tập thể tù nhân biến nhà tù thành Trường học rèn luyện ý chí chiến đấu, nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc. Nhờ đó, thời gian trong tù cũng là lúc các chiến sĩ cách mạng trưởng thành về mọi mặt. Nhiều đồng chí thoát khỏi nhà tù đế quốc trở về đã trở thành những cán bộ dày dạn kinh nghiệm, làm lực lượng nòng cốt để phục vụ phong trào sau khủng bố trắng.

    Tuy chưa khôi phục được cơ quan lãnh đạo của tỉnh nhưng số đảng viên còn lại vẫn được quần chúng nuôi giấu, chờ dịp tiếp tục hoạt động. Một số đảng viên phải tạm lánh sang tỉnh bạn đã bắt liên lạc với các tổ chức đảng ở đó để hoạt động rồi bí mật liên lạc với các đồng chí ở trong tỉnh góp phần nối sự liên lạc giữa hai địa phương với nhau để phối hợp hoạt động. Trên địa bàn Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, các đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (nguyên tỉnh uỷ viên), Nguyễn Văn Ry (nguyên Bí thư chi bộ huyện), Vũ Khế Bật (nguyên cán bộ Tỉnh uỷ Nam Định) và một số đồng chí khác đã liên lạc được với nhau đi về ba huyện xây dựng cơ sở cách mạng ở các thôn Hương Nghĩa (Minh Thuận, Vụ Bản), Phúc Chỉ, Lương Xá, Tống Xá, Thức Vụ, Vụ Sài, Chanh Cầu, Đống Cao (nay thuộc các xã Yên Thắng, Yên Cường, Yên Phúc, Yên Lộc huyện Ý Yên).

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com