[links()]
(Tiếp theo)
Hành động khủng bố của bọn thống trị không ngăn cản nổi khí thế đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, trái lại như lửa đổ thêm dầu. Hơn 400 công nhân Nhà máy sợi, dệt kiên quyết tiếp tục bãi công, làm tê liệt sản xuất từ ngày 29-3-1930 đến trung tuần tháng 4-1930.
Suốt thời gian đó, không ít người lâm vào cảnh thiếu thốn, đói khổ; "phải là ngòi bút của nhà văn hay kỳ tài mới có thể tả được cảnh khốn khổ của hàng ngàn gia đình không đồng xu dính túi trong ba tuần bãi công, mới nói lên một tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí đấu tranh không những của những người chồng mà luôn cả tinh thần của người vợ, không những của người mẹ mà luôn cả ý chí của đám trẻ con...". Bọn chủ nhà máy cấu kết với bọn thống trị vừa khủng bố doạ nạt, vừa dụ dỗ, mua chuộc bằng cách cho tay chân về tận quê hương hoặc nơi ở của công nhân để lôi kéo công nhân đi làm. Để chống lại thủ đoạn thâm độc của kẻ thù và kiên quyết duy trì, lãnh đạo cuộc đấu tranh thắng lợi, Tỉnh uỷ phân công cán bộ, đảng viên bám sát, đi sâu giáo dục, củng cố tinh thần, tư tưởng cho quần chúng; đồng thời tổ chức một cuộc lạc quyên rộng rãi để lấy tiền, gạo ủng hộ thợ bãi công. Thợ các nhà máy, một số tầng lớp nhân dân ở thành phố, một số chi bộ ở nông thôn như Xuất Cốt, An Cừ, Tiêu Bảng (Ý Yên), Lạc Nghiệp (Xuân Trường) và thôn Chanh (Nghĩa Hưng) cùng Công hội một số tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương quyên tiền gửi tặng.
Số tiền quyên được tuy ít nhưng đó là tấm lòng, niềm tin, là sự ủng hộ chí tình của quần chúng nhân dân cổ vũ công cuộc đấu tranh thắng lợi. Đến ngày 12-4, chủ yết thị nhận giải quyết một số yêu sách cơ bản và gọi thợ đi làm. Thấy cuộc đình công đạt được mục tiêu chủ yếu, ngày 16-4, ban lãnh đạo bãi công quyết định để công nhân trở lại làm việc bình thường.
Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và quyết tâm đúng đắn của Tỉnh uỷ, sau 21 ngày gian khổ đấu tranh, với tinh thần đoàn kết, đấu tranh không lùi bước, không khoan nhựợng của công nhân, được sự ủng hộ đầy tình nghĩa của các tầng lớp nhân dân, cuộc bãi công đã vượt qua được những khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi cơ bản.
Về kinh tế, thợ được tăng lương 10%, được rút nửa giờ làm việc một ngày. Cuộc tổng đình công này đã làm cho Nhà máy sợi trong năm 1930 bị lỗ vốn lớn nhất tới 1 triệu 47 phơrăng. Nhưng thắng lợi chính trị do cuộc bãi công đem lại còn quan trọng hơn. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn nhất ở Nam Định thời kỳ đó, khẳng định uy tín lớn lao của Đảng, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, trình độ tổ chức của công nhân, cổ vũ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân trong tỉnh. Không những thế, cuộc bãi công đã làm chấn động dư luận trong nước và cả nước Pháp. Tờ Ngọ báo số ra ngày 5-4-1930 đăng hẳn một bài điều tra trong đó có đoạn viết: "Nhà máy vốn là nơi làm ăn rất náo nhiệt bỗng dưng chỉ còn hàng nghìn cỗ máy đứng trơ ra ở trong mấy cửa kính...
Những con đường trống trải bị nước mưa giội xuống nhẵn lì đi mà không có lốt chân người qua lại. Thợ đình công, đó không chỉ là một điều thiệt riêng cho nhà máy mà còn quan hệ chung cho cả nền kinh tế ở trong xứ. Tại Pari, các nghị sĩ cộng sản chất vấn Chính phủ Pháp về hai cuộc bãi công ở Phú Riềng và Nam Định khiến cho toàn quyền Varen phải biện bạch một cách lúng túng.
Cuộc đấu tranh của gần bốn nghìn công nhân Nhà máy sợi chính thức mở đầu cao trào cách mạng 1930-1931 của toàn tỉnh và cũng góp phần mở đầu cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng ta lãnh đạo.
Tuy phải thoả hiệp với phong trào công nhân nhưng ngay sau đó, nhận thấy tính chất chính trị của cuộc đấu tranh, bọn thống trị ở Nam Định cho lính tăng cường tuần phong ráo riết. Ngày 6-5-1930, mật thám và tay sai phát hiện và vây ráp cơ quan Tỉnh uỷ ở ngõ Hàng Kẹo, phố Nguyễn Hữu Độ, thành phố Nam Định, đúng lúc đồng chí Nguyễn Hới đang bàn giao phong trào cho đồng chí Trần Văn Sửu - Bí thư Tỉnh uỷ mới do Trung ương cử về thì bị bắt. Cùng bị bắt trong vụ này còn có hai cán bộ của Đảng trong đó nữ đồng chí Xuân làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan.
Chúng đưa tất cả các đồng chí về sở mật thám tra tấn lấy cung. Trước tình hình đó, các cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy Nam Định đã chủ động kiện toàn Tỉnh uỷ. Ban Tỉnh uỷ mới gồm các đồng chí Khuất Duy Tiến, Lê Mạnh Hiến, Ngô Huy Ngụ, do đồng chí Khuất Duy Tiến làm Bí thư.
Phong trào vẫn giữ vững, truyền đơn được phát tán ở nhiều đường phố. Tuy vậy, phong trào chưa phát triển mạnh và toàn diện ở các vùng nông thôn.
(Còn nữa)