[links()]
(Tiếp theo)
Mở đầu phong trào đấu tranh liên tục, sôi nổi thời kỳ này là cuộc bãi công của 44 nữ công nhân Nhà máy chiếu thuộc Công ty Thương mại Á Châu ngày 15-3-1930 đòi chủ bỏ đánh đập, tăng lương, bớt giờ làm, không được đối xử tàn nhẫn với chị em. Tuy cuộc bãi công chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng đã làm cho chủ nhà máy và các tầng lớp cai, ký lo ngại trước khí thế đấu tranh dũng cảm của nữ công nhân nhà máy.
Không khí đấu tranh của công nhân Nhà máy chiếu vẫn chưa lắng thì 10 ngày sau, tại thành phố Nam Định đã nổ ra cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân Nhà máy sợi với tầm cỡ và quy mô đặc biệt.
Cuộc tổng bãi công xảy ra trong không khí sôi sục chuẩn bị hoạt động mạnh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và chào mừng Đảng ra đời. Ngay từ giữa tháng 3, Tỉnh uỷ Nam Định đã triệu tập cuộc họp có đại diện của công nhân Nhà máy sợi, Nhà máy tơ, Nhà máy chiếu, Nhà máy đèn, Nhà máy cưa. Sau khi thông báo tình hình các nhà máy và ở địa phương, Tỉnh uỷ đã đi đến quyết định phát động công nhân đấu tranh vào dịp Quốc tế Lao động.
Công việc chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương thì một sự việc bất ngờ diễn ra tại Nhà máy sợi. Đêm 25-3, tên đốc công Rine vô cớ hành hung thợ, làm mọi người rất căm phẫn và đó chính là sự kiện châm ngòi cho cuộc đấu tranh. Các đảng viên trong Xưởng dệt A kịp thời kêu gọi công nhân đóng máy phản đối, đồng thời cử người báo cáo ngay với Tỉnh uỷ... Đảng bộ chủ trương kịp thời nắm lấy sự kiện này để nhân tinh thần đấu tranh của quần chúng dâng cao mà phát động phong trào. Đồng chí Khuất Duy Tiến - Tỉnh uỷ viên (đã vô sản hoá ở nhà máy) được cử vào trực tiếp chỉ đạo.
Chủ nhà máy là Mắcxăng thấy tình hình không ổn phải đến đối chất. Đại diện công nhân tố cáo các hành động tàn bạo của đốc công và nêu yêu sách:
- Phải bỏ hẳn đánh đập,
- Không được phạt lương thợ,
- Tăng lương cho thợ.
Tên chủ chỉ hứa hẹn qua loa mà không chịu giải quyết cụ thể. Một số thợ bỏ ra về. Ngay đêm đó, được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, tổ chức Đảng và Công hội của Nhà máy được thành lập. Ban lãnh đạo đấu tranh gồm các tiểu ban tự vệ, tuyên truyền, tài chính và ban đối chất.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của uỷ ban đình công, sáng ngày 26-3, tất cả thợ của ba xưởng dệt cũng nhất loạt bãi công hưởng ứng. Công nhân rầm rộ kéo đến làm áp lực cho Ban lãnh đạo đòi trực tiếp gặp chủ nhà máy. Hòng dập tắt bãi công, chủ tư bản cấp báo với nhà cầm quyền bắt một số người chúng nghi là cầm đầu và dùng tiền mua chuộc công nhân đi làm, công bố tăng lương cho thợ nhưng loại trừ tăng lương cho xưởng dệt, nhằm cô lập thợ dệt - nơi châm ngòi nổ của cuộc bãi công. Các yêu sách khác chúng vẫn chưa chịu chấp nhận rõ ràng.
Để giáng đòn quyết định và đập tan âm mưu chia rẽ phong trào của địch, Tỉnh uỷ đã tập trung chỉ đạo, củng cố Ban lãnh đạo bãi công, đồng thời phát động nhân dân toàn tỉnh hỗ trợ cho đấu tranh của công nhân. Ngày 28-3, toàn thể công nhân Nhà máy sợi nhất loạt đóng máy, rầm rầm kéo đến đòi gặp chủ nhà máy đưa thêm yêu sách:
- Đuổi thợ phải rõ lý do,
- Thợ ốm nghỉ một ngày không bị sa thải và không bị phạt,
- Cho hãm máy nửa giờ ăn cơm trưa,
- Đuổi hai tên cai tàn ác ở xưởng sợi.
Chủ nhà máy một mặt khất lần, một mặt cầu cứu bọn thống trị điều lực lượng vũ trang đến uy hiếp và giải tán công nhân. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban lãnh đạo, công nhân càng xiết chặt đội ngũ, không nao núng. Khi địch xông vào bắt ba người, tức thì ba nghìn thợ bất chấp lưỡi lê, súng ống của mật thám và lính khố xanh, ào ạt xông tới, giành giật người bị bắt. Cả thành phố náo động. Địch phải huy động một lực lượng lớn đến mới giải tán được.
(Còn nữa)