Đền An Cư xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là di tích được nhân dân địa phương xây dựng để ghi dấu công lao khai hoang lấn biển do vị thủy tổ Phúc Diễn khởi xướng vào những năm cuối thế kỷ XIV.
Theo cuốn thần phả hiện lưu giữ tại di tích thì vị thủy tổ Phúc Diễn thuộc dòng dõi Vũ Hồn quê gốc ở Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Ông là con trai cụ Phúc Điền, người có công khai sáng ra mảnh đất Bình Cư nay là xã Xuân Ngọc huyện Xuân Trường. Thủy tổ Phúc Diễn là người thuộc dòng dõi trâm anh được học hành lại có trí thông minh hơn người. Ông nhận thấy mảnh đất Bình Cư khó có thể làm ăn khá giả nên cần phải khai phá xuống vùng biển phía nam. Trong nhiều năm liền, dưới sự chỉ đạo của thủy tổ Phúc Diễn cùng với sự cố gắng của nhân dân nên đã khai khẩn được một vùng đất rộng lớn. Dân làng đặt tên cho vùng đất mới là An Cư với hàm ý ăn ở ổn định. Công lao của thủy tổ Phúc Diễn đối với nhân dân nơi đây vô cùng to lớn, bởi vậy sau khi mất ông được suy tôn là "Khai cơ tổ" ( ông tổ mở mang miền đất mới). Nhân dân thờ phụng ông như một vị thần ở trong đền. Hiện nay tại đền còn lưu giữ được đôi câu đối ghi lại công trạng của ông:
"Linh địa khởi lâu đài, lễ nhạc y quan kim cổ thịnh
An Cư hưng miếu vũ thanh danh phong vật địa nhân long ".
(Dựng lâu đài ở đất linh thiêng, lễ nhạc áo mũ xưa nay đều hưng thịnh.
Chấn hưng miếu vũ tại An Cư, thanh danh phong vật, đất người đều phồn thịnh).
Đền An Cư hiện nay được làm quay về hướng đông nam gồm nhiều hạng mục xây dựng đăng đối. Trước đền là hệ thống nghi môn tạo thành ba cổng ra vào. Cổng giữa tạo dáng bởi hai đồng trụ cao trên 7 mét, hai cổng bên xây đối xứng kiểu chồng diêm tám mái lợp giả ngói ống.
Công trình chính của đền xây thành ba lớp tạo thành mặt bằng hình chữ tam bao gồm: tiền đường, trung đường và hậu cung. Tòa tiền đường có 5 gian cao rộng, tất cả các cấu kiện gồm: xà, vì kèo, câu đầu đều làm bằng gỗ lim. Nâng đỡ bộ mái là tường xây và hệ thống cột xây gạch chắc chắn. Tại gian chính giữa tiền đường đắp nổi bức cuốn thư trên viết ba chữ Hán "Khai cơ tổ"(ông tổ mở mang miền đất mới). Tiếp đến là 5 gian trung đường được xây liền với tiền đường. Bộ mái trung đường làm kiểu cuốn vòm gắn ngói nam. Gian giữa trung đường treo bức cửa võng sơn son thếp vàng chạm đề tài long, ly, quy, phượng cùng hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Cung cấm đền An Cư thiết kế kiểu chồng diêm tám mái có ba gian. Đây là nơi thờ tự trang nghiêm của di tích. Ngay tại bệ thờ gian giữa của đền đặt ngai cùng bài vị thờ thủy tổ Phúc Diễn và hai vị thần: Nam Hải Đại vương, Linh Lang Đại vương.
Bên cạnh các giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc, hàng năm vào các ngày 6, 7 tháng giêng nhân dân thôn An Cư lại tưng bừng tổ chức lễ hội. Để tỏ lòng biết ơn đối với các liệt tổ khai sáng và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, hội làng An Cư ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu, làng còn tổ chức nhiều trò chơi như: đấu vật, bơi chải, cờ tướng, tổ tôm điếm... Đặc biệt trong hội làng An Cư trò chơi đấu vật và bơi chải thì không năm nào thiếu. Đây là hình thức để dân làng rèn luyện sức khỏe, hăng say lao động sản xuất. Từ xa xưa sới vật An Cư đã rất nổi tiếng, vào ngày hội làng có nhiều đô vật từ nhiều địa phương về đăng ký tham gia thi đấu như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tây, Hải Phòng... Do đó hội làng An Cư luôn luôn náo nhiệt mang tinh thần thượng võ của một làng quê ven biển. Đến với xới vật An Cư, các đô vật ở mọi miền đất nước đều biết đến miếng "đánh gồng". Đó là miếng võ hiểm duy chỉ có An Cư mới áp dụng thành công. Trước đó vào thời Nguyễn, An Cư có đô vật Kình đã dùng miếng đánh gồng để thi đấu ở Thanh Hóa và hạ đo ván nhiều đối thủ, giành được chức quán quân khiến cho các đô vật khác phải nể phục. Hiện nay tinh thần thượng võ trong dân làng vẫn luôn được địa phương duy trì và phát triển. Toàn thôn An Cư hiện có trên 30 đô vật, trong đó xới vật xóm 4, xóm 16 là nổi tiếng nhất, hàng năm đóng góp cho thể thao tỉnh Nam Định nhiều vận động viên tiêu biểu.
Lễ hội truyền thống tại đền An Cư là một nét sinh hoạt văn hóa rất thiết thực, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, động viên quần chúng nhân dân hăng say lao động sản xuất. Chắc chắn lễ hội truyền thống tại đền An Cư sẽ lôi cuốn được sự quan tâm của đông đảo nhân dân xa gần góp phần phát huy tốt giá trị của một di tích đã được Nhà nước công nhận.
Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định