Chùa Cự Trữ

04:12, 03/12/2013

Chùa Cự Trữ có tên chữ là Thanh Quang tự nằm trên địa bàn thôn Cự Trữ xã Phương Định huyện Trực Ninh. Từ thành phố Nam Định qua cầu Đò Quan theo đường 21 khoảng 18 km, rẽ trái khoảng 300m là đến chùa Cự Trữ.

Cùng với các vùng đất khác thuộc xã Phương Định như: Cổ Chất, Nhự Nương, Phú Ninh thì vùng đất Cự Trữ được hình thành khá sớm do sự bồi đắp của sông Ninh Cơ ngày càng lấn ra biển. Dấu ấn lịch sử còn lưu tại đây là quanh khu vực chùa Cự Trữ có khá nhiều di tích thờ tướng thời Hai Bà Trưng, thời Đinh...

Gia phả dòng họ Vũ tại thôn Cự Trữ cho biết vào thời Trần, ông tổ họ Vũ từ La Xá, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay là Nam Sách - Hải Dương) đã về đây kiếm kế sinh nhai, lúc bấy giờ vùng này còn là ven biển. Trải qua thời gian, các dòng họ khác tiếp tục về đây sinh sống, tạo lập nên làng xóm. Tên gọi Cự Trữ nghĩa là tích trữ nhiều đã thể hiện mong ước của các cư dân nơi đây về một cuộc sống phát đạt, sung túc.

Làng Cự Trữ gồm hai dải đất đẹp, chạy song song với một con sông nhỏ ở giữa. Trải qua thời gian, làng Cự Trữ vẫn giữ được những nét cổ truyền của một làng quê Bắc Bộ, đó là những công trình kiến trúc như đình, đền, miếu, phủ, hệ thống các cây cầu đá bắc qua sông cùng nghề ươm tơ dệt vải truyền thống.

Chùa Cự Trữ, Xã Phương Định, huyện Trực Ninh.
Chùa Cự Trữ, Xã Phương Định, huyện Trực Ninh.

Theo truyền thuyết nhân dân địa phương, vào niên hiệu Mạc Vĩnh Định thứ 11 (1556) có ông Bùi Bà Tụy làm quan dưới triều Mạc đã về đây hưng công xây dựng chùa, lấy tên là Thanh Quang tự. Sang thế kỷ XVII - XVIII ngôi chùa Thanh Quang được chuyển về vị trí ngày nay. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã được tu sửa nhiều lần. Chính vì vậy, các hạng mục kiến trúc ngôi chùa có sự kết hợp đan xen của các giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVII -XVIII cho đến thời Nguyễn, thế kỷ XIX.

Tam quan chùa Cự Trữ được xây theo kiểu phương đình, kích thước mặt tiền rộng 7,3 m; cao 4m. Mặt trước, mặt sau thông phong, không tạo cửa, hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tam quan gồm 3 gian với 4 bộ vì gỗ lim được làm theo kết cấu vì ba hàng chân, kèo cầu, bẩy tiền, bẩy hậu. Tại tam quan còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn các lớp hoa văn họa tiết mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Trên các trụ, kèo, xà dọc, câu đầu vẫn là các đề tài quen thuộc như rồng chầu, lá hỏa, tiên nữ cưỡi rồng xen lẫn cảnh dân gian, mang dáng dấp của một cuộc sống thôn dã bình dị như hình tượng người mẹ vừa cho con bú vừa cho lợn ăn, người nông dân chăn trâu, cò bắt mồi, cua ẩn mình dưới lá... Những đề tài chạm khắc này không chỉ bổ trợ, tôn thêm vẻ đẹp cho công trình mà còn thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Tổng thể chùa Cự Trữ được xây theo bình đồ kiến trúc hình chữ sơn. Giữa là ngôi chùa với kích thước sâu và rộng nhất, hai bên là đền thờ Đức Ông và phủ Mẫu.

Tiền đường chùa Cự Trữ được xây cao 8,6 m theo kiểu tam sơn, chồng diêm hai tầng. Tiền đường gồm có 4 gian xây dọc, tạo 3 cửa ra vào cuốn vành mai. Toàn bộ công trình này được làm bằng gạch vữa, xây cuốn vòm, đổ trụ vuông.

Tam bảo chùa được làm nối liền tiền đường, ngăn cách bởi một máng nước. Tam bảo gồm 6 gian xây dọc với 8 bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ mỗi bộ vì là 4 cây cột gỗ lim, đường kính cột cái là 0,4m; đường kính cột quân là 0,3m. Tất cả các cột lim đều được đặt trên chân tảng đá thắt cổ bồng cao 0,3m. Đề tài chạm khắc tại các cấu kiện gỗ ở đây là rồng, hoa lá, mặt hổ phù mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.

Ngôi đền thờ Đức Ông và phủ Mẫu được làm với kiểu dáng giống nhau, kích thước thấp nhỏ hơn chùa tạo thế đăng đối. Cả hai công trình này đều được làm bằng vật liệu gạch vữa, xây cuốn vòm, lợp ngói nam.

Trong tâm thức người dân Cự Trữ, ngôi chùa là nơi bảo tổn, lưu giữ những thuần phong mỹ tục, những đường nét kiến trúc mang đậm phong cách cổ truyền. Trải qua thời gian, toàn bộ khu di tích vẫn được nhân dân quan tâm, thường xuyên tôn tạo nên vẫn giữ được sự bền vững cùng tính nguyên bản của các sắc thái hoa văn. Tất cả thể hiện lòng thành kính, giữ gìn di sản văn hóa cha ông đồng thời góp phần hun đúc, bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho các thế hệ người dân.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com