Đền Xuân Hy còn có tên gọi là đền Hạ thuộc xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Căn cứ vào các nguồn tư liệu hiện lưu giữ tại di tích cùng truyền thuyết tại địa phương, đền Xuân Hy là nơi ghi dấu công lao khai hoang lấn biển của tướng quân Ngô Miễn diễn ra vào cuối thời Trần.
Tướng quân Ngô Miễn hiệu là Đại Đức, sinh năm 1371 tại xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà nay là xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngô Miễn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Năm 1391, ông thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Sau khi đỗ đạt Ngô Miễn không ra làm quan mà trở về quê nhà mở trường dạy học. Với đức độ cùng tài năng của mình, học trò khắp nơi tìm đến theo học ông ngày một đông. Trong thời gian mở trường dạy học tại quê nhà, ông đã nhiều lần đặt chân đến vùng đất Sơn Nam (Nam Định) và Nhật Nam (Hà Tĩnh). Ông nhận thấy vùng biển Sơn Nam có nhiều bãi bồi rộng lớn thuận tiện cho công việc khai hoang. Trong giai đoạn này, nhà Trần vẫn duy trì chính sách cho những người có thế lực đưa dân đi khẩn hoang. Sau khi được triều đình cho phép, Ngô Miễn cùng 10 ông tổ của các dòng họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Đinh, Đào, Bùi tìm xuống vùng đất ven biển thuộc phủ Thiên Trường.
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Đền Xuân Hy. |
Trong khoảng thời gian từ năm 1392 đến năm 1396, Ngô Miễn cùng các vị tổ của nhiều dòng họ đã khai khẩn trên 2.000 mẫu ruộng. Để khẳng định công lao và thành quả của mình, dân làng cùng Ngô Miễn liền đặt tên cho miền đất mới là Nhất Thi theo tên gọi tại quê cũ.
Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua đã cho mời ông ra làm quan. Ông được phong chức "Nội thái giám quân thiên vương" chỉ huy đội quân của triều đình đóng tại Tây Đô (Thanh Hóa). Năm 1406, ông được phong chức "Hữu tham tri chính tự, kiến tri các lăng phủ Thiên Xương". Trong 6 năm làm quan dưới triều Hồ, ông luôn tỏ rõ là người có tài năng, đức độ, liêm khiết và đóng góp nhiều công sức vào việc cải cách xã hội. Năm 1407, quân Minh sang xâm lược nước ta, vua quan nhà Hồ lãnh đạo nhân dân kháng chiến bị thất bại. Tướng quân Ngô Miễn vẫn tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Sau biết không thể chống cự được, ông bèn nhảy xuống biển Kỳ La (Hà Tĩnh) tuẫn tiết vào năm 1407. Trước công lao to lớn của ông đối với đất nước, quê hương với nhân dân nhiều xã ở huyện Xuân Trường đều tôn Ngô Miễn là ông tổ khai sáng. Sau khi ông tuẫn tiết nhân dân đã lập đền thờ tri ân công đức, bày tỏ lòng thành kính ngưỡng vọng. Hiện nay tại chính tẩm đền Xuân Hy còn bức đại tự ghi dòng chữ "Triệu tư ấp" có nghĩa là xây dựng nên ấp này.
Đền Xuân Hy hiện nay được xây trên một khu đất rộng hơn 2 mẫu Bắc bộ, xung quanh là cánh đồng lúa. Ngôi đền làm theo kiểu: Tiền chữ nhất hậu chữ đinh gồm Tiền đường 7 gian, trung đường 3 gian, cung cấm 1 gian. Toàn bộ hệ thống kèo, xà, bẩy tiền, bẩy hậu gia công theo kiểu "bào trơn đóng bén" theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn chạm khắc đơn giản nhưng hài hòa thanh thoát.
Hàng năm vào các ngày từ 20 đến 22 tháng 8 âm lịch, nhân dân làng Xuân Hy lại vui mừng tổ chức lễ hội để bày tỏ lòng biết ơn các vị thủy tổ có công khai sáng. Trong ngày hội ngoài nghi thức tế lễ, rước kiệu thánh đi xung quanh làng, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như thi đấu cờ người, tổ tôm điếm. Nét đặc trưng trong hội làng Xuân Hy là trò chơi thổi cơm thi. Đây là trò chơi nhằm tái diễn cảnh lao động khó khăn vất vả của các vị thủy tổ ở miền đất mới. Trò chơi "thổi cơm thi" diễn ra vào sáng ngày 21 tháng 8. Tham dự trò này là 8 thanh niên của 8 giáp với trang phục đầu đội khăn đỏ, lưng thắt đai lụa xanh, mình để trần. Đồ dùng mang theo gồm bó đuốc, cần trúc treo một niêu đồng. Mở đầu cuộc thi là nghi thức lấy lửa được thực hiện theo kiểu xiết hai thanh tre vào bùi nhùi. Khi đã có lửa các giáp tiến hành thổi cơm. Quy định của cuộc thi là vừa đi vừa nấu cơm. Sau khi cơm chín các đội tiến hành mang lên lễ thánh.
Trong những năm gần đây, hội làng còn tổ chức thêm nhiều trò chơi mới như múa sư tử, chạy thi, đấu gậy... Tất cả nhằm mục đích khơi dậy truyền thống thượng võ và văn hiến của quê hương. Lễ hội truyền thống tại đền Xuân Hy là một nét đẹp văn hóa, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người dân xã Xuân Thủy huyện Xuân Trường với công lao của tiên tổ.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định