Đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực) là công trình đền thờ được xây dựng bằng đá. Với những giá trị độc đáo theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII), năm 1992 Bộ VH-TT, nay là Bộ VH, TT và DL đã công nhận Đền Đá là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Nét đẹp độc đáo của Đền Đá, thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh. |
Ông Đoàn Văn Thê, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Đá cho biết: Theo cuốn ngọc phả lưu giữ tại đền, Đền Đá thờ ngài Vũ Uy Công thời Hùng Vương thứ 18. Cha của Vũ Uy Công quê ở vùng Ái Châu, Thanh Hóa, làm nghề bốc thuốc, dạy học, vì gia cảnh nghèo nên đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Trên đường đi, ông nghỉ lại ở một ngôi chùa và nằm mộng thấy có người bảo tìm về nơi có bãi mía, nương dâu với long chầu, hổ phục thì sẽ phát đạt. Khi đến vùng đất Kim Âu (nay thuộc các làng Tân Thành, Nam Hà, Võ Lao của xã Tân Thịnh) thấy đúng như lời trong giấc mộng nên ông đã định cư tại đây. Sau đó, ông lập gia thất với bà Trần Thị Loan, người làng Tân Thành. Cưới nhau 3 năm vẫn chưa có con, một đêm ông và bà đều nằm mộng thấy một con trâu xanh, một con ngựa vào sân nhà, sau đó bà mang thai và sinh được 2 người con đặt tên là Gia Sửu, Chính Ngọ. Khi bà Loan mất, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Thịnh, người làng Võ Lao. Lấy nhau nhiều năm nhưng bà Thịnh cũng chưa có mang. Tình cờ, một hôm bà ra biển tắm thấy quả trứng to trôi vào lòng, bà mang về luộc lên ăn, sau đó bất ngờ thụ thai và sinh được người con trai. Người này từ nhỏ trên trán đã có chữ Uy, sau thân người có dải vây chạy dọc nên cha mẹ đặt tên là Vũ Uy Công. Cả 3 anh em lớn lên đều rất giỏi văn, võ, trong đó 2 người anh giỏi đánh bộ binh, còn người em giỏi đánh thủy binh. Khi giặc Thục xâm lược nước ta, 3 anh em đều tham gia đánh giặc giúp nước, 2 người anh thống lĩnh bộ binh còn Vũ Uy Công thống lĩnh thủy binh đã lập được nhiều công lớn. Gần 20 năm giúp vua cai quản bờ cõi, khi triều đình chuyển ngôi vua, để tránh thế sự, 3 ông về đất Kim Âu chia làm 3 thôn, mỗi người cai quản một thôn, giúp dân trồng trọt, chăn nuôi, mở trường dạy học. Khi các ông mất, dân các làng thương tiếc tôn thờ làm thành hoàng làng, lập đền thờ cúng. Đền Đá ngoài thờ Vũ Uy Công còn có bài vị thờ 2 ngài Gia Sửu và Chính Ngọ cùng các vị tổ của 12 họ về đây lập làng, phối thờ 2 vị đại khoa họ Hoàng, họ Lưu để phát huy truyền thống hiếu học của quê hương.
Theo các sách để lại, ban đầu Đền Đá chỉ như ngôi miếu thờ nhỏ, trải qua hàng trăm năm đền được xây dựng khá đồ sộ với 4 tòa chính và tòa dải vũ ở phía bắc. Kiến trúc đặc sắc nhất của Đền Đá được thể hiện tại tòa bái đường được làm bằng đá gồm 5 gian xây dựng từ năm 1941-1943. Phần thiết kế do thợ nề của làng, phần thi công do thợ đá Thanh Hóa đảm nhiệm. Tất cả các cấu kiện như cột, xà, hệ thống cửa võng, các đấu trụ bằng đá khối được tuyển chọn kỹ lưỡng từ vùng đất Thanh Hóa. Mặt tiền tòa tiền đường là hình ảnh 3 con rồng to, khỏe, râu mác uy nghi, uốn quanh bức đại tự “Tam long giáng” ý nói về việc 3 anh em họ Vũ như 3 con rồng giáng tại vùng quê này. Cả tòa tiền đường được giữ bởi 8 cột đá có đường kính 40cm, chân cột đặt trên trụ đá có họa tiết lá sen được chạm khắc công phu. Nghệ thuật điêu khắc của các thợ đá xưa thể hiện khéo léo khi tạc trên 8 cột đá những bức phù điêu với những hình ảnh con rồng bay lượn trong mây hoặc sà xuống uống nước dưới ao sen, những con cá chép bơi lượn… Dân làng truyền nhau rằng, mỗi khi thợ chạm khắc xong một cột đá, ngoài đình phải nổi trống kêu gọi tất cả tráng đinh trong làng mới dựng được cột lên. Ngoài trụ, cột, mỗi gian bái đường đều tạo một bộ cửa võng bằng đá được chạm khắc tỉ mỉ với mặt hổ phù, rồng bay, rồng cuốn nước. Phía trên các cửa võng được trang trí các họa tiết cánh sen, bầu rượu, tú thơ, cỏ cây, hoa lá... rất sinh động. Phía trong tòa bái đường là tòa tiền đường 5 gian được tu sửa từ năm 1877 dưới triều Vua Tự Đức, sau đó là tòa trung đường 5 gian được đại tu dưới thời Vua Thành Thái thứ tư (1892). Cả 2 tòa được xây dựng khá công phu với các hàng cột lim, các họa tiết chạm khắc trên hệ thống xà ngang. Nét đặc sắc về họa tiết chạm khắc trên gỗ của đền được thể hiện trên bộ cửa gỗ lim ở tòa trung đường. Bộ cửa được chạm nổi họa tiết lưỡng long chầu ở cánh cửa giữa và long chầu ở cánh cửa bên. Hình tượng con rồng được chạm khắc với bờm và móng sắc, cùng với hoa lá, mây tản mang phong cách chạm khắc thời Hậu Lê. Liền với chính tẩm là tòa lầu ba tầng làm theo kiểu “chồng diêm - cổ đẳng”; gác lâu mộng được tạo mái cong, các cột dựng đều trang trí bằng câu đối, các họa tiết đắp nổi theo đề tài ngũ phúc, lưỡng long hý cầu… Ngày nay, Đền Đá còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: bộ bàn ghế đá, sập bằng đá, 4 kiệu bát cống làm theo loại kiệu long đình, kiệu võng với đường nét chạm khắc thời Nguyễn, sơn son thếp vàng công phu. Ngoài ra, trong khuôn viên của đền còn có nhiều cây cổ thụ như cây gạo, cây đa có tuổi đời hàng trăm năm, có 2 cây sanh được cắt tỉa hình voi quỳ cũng có tuổi đời gần trăm năm. Cứ 3 năm 1 lần, từ ngày 2 đến 4 tháng 3 âm lịch, dân làng Nam Hà lại tổ chức lễ hội với nhiều nghi lễ, hoạt động độc đáo như thi làm cỗ tế lễ, trò chơi leo cầu ngô bắt vịt, cờ tướng, múa gậy, múa rồng, kéo cõi (kéo dây)… thể hiện niềm tôn kính tiền nhân và tinh thần đoàn kết của người dân trong làng.
Với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, Đền Đá thu hút nhiều du khách, các nhà nghiên cứu, các nhà sử học đến tham quan, nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, giá trị khai thác về mặt du lịch của Đền Đá chưa cao. Đền Đá ở gần làng hoa, cây cảnh truyền thống Vị Khê, xã Điền Xá và chỉ cách Đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền xã Nam Thắng khoảng 3km; hệ thống giao thông đến Đền Đá đều thuận lợi. Bởi vậy, Sở VH, TT và DL và huyện Nam Trực cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá khai thác, phát huy giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Đền Đá để phát triển du lịch./.
Bài và ảnh: Đức Thiện