Thờ Mẫu và trung tâm Mẫu Phủ Dầy

09:06, 18/06/2013

Tín ngưỡng thờ Mẫu (mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Thuỷ) cùng với những tín ngưỡng dân gian khác như thờ cúng tổ tiên của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam ở châu thổ sông Hồng, sông Mã, được kết tinh, thăng hoa vào hiện tượng thờ Mẫu Liễu, mà Vân Cát - Kim Thái - Vụ Bản - Nam Định là quê hương.

Lễ hội Phủ Dầy được đặt và diễn ra trong bối cảnh không gian, thời gian đặc trưng, điển hình của lễ hội cư dân nông nghiệp lúa nước.

Không gian văn hoá hội Phủ Dày: thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản là vùng đất cổ, những điều kiện tự nhiên- xã hội, nông dân- nông nghiệp, xóm làng khá điển hình cho nền văn hoá lúa  nước- yếu tố Nước, yếu tố Mẹ, sinh sôi, che chở - cơ sở đầu tiên, nền tảng, thường xuyên và quan trọng của sự ra đời của tín ngưỡng thờ Mẫu..

 Thời gian Lễ hội:

 Sau Hội Chợ Viềng - vào mồng Tám tháng giêng, như là mở đầu, dẫn đường vào  lễ hội Phủ Dày. Hội Phủ Dầy cổ truyền kéo dài hết thượng tuần tháng 3 (â.l) với trình tự sau:

Lễ "Nhập tịch" vào ngày mồng 1 để mở cửa Đền, cửa Phủ trong vùng.

Lễ "Mộc dục" vào ngày mồng 2, rước nước từ đền Giếng về được giao cho bốn thanh nữ lau rửa tượng Mẫu. Bộ quần áo năm trước của Mẫu được người ta chia ra làm nhiều mảnh nhỏ, chia theo thứ tự cho các chức sắc, bô lão trong làng, còn lại chia những người tham dự để lấy "khước"- lấy  may. Những người dự, trước hết là hàng chức sắc trong làng, nhúng tay vào chậu nước tắm tượng, xoa lên mặt hoặc uống một ngụm  để  hy vọng "giải cứu bách bệnh".

Lễ hội Phủ Dày
Lễ hội Phủ Dày

Lễ Giỗ Mẫu: chính tế tổ chức ngày mồng ba theo nghi thức "quốc tế".

Ngoài hương hoa theo quy định, các quan viên đàn anh nhận ruộng phải sắm đu "Thập cúng" - 10 lễ, mỗi lễ 100 bánh dày to (mỗi bánh nặng khoảng 1,5 kg; giá 1 quan/1bánh) dán chữ  "Thọ" bằng giấy trang kim lên mặt mâm bánh, một con lợn sống và một hương án chuối tiêu.

Hội Tập phúc hàng huyện cũng sắm  cỗ như vậy thêm hương án gồm 8 loại quả.

Hội Hào hàng huyện có một mâm xôi (giá 20 quan), một con lợn quay, một mâm cau tươi.

Cỗ tế do các Giáp làm gồm một trâu thui, một bò thui, một lợn luộc, hàng trăm cặp bánh dày và nhiều buồng chuối.

Chủ tế là quan chức cao cấp trong triều, hoặc đầu tỉnh (cuối XIX đầu XX là Tổng đốc Nam Định). Các quan hàng huyện, tổng Đồng Đội đứng hai bên hầu tế.

Hội Phủ Dầy còn có hình thức tế lễ dân gian - Hầu bóng. Hầu bóng là một chuỗi lễ tiết mà những người  được "nhà thánh chọn làm con cái" - các ông đồng, bà đồng tiến hành.

Hội rước

Ngày mồng 5 phủ Vân Cát rước thỉnh kinh ở chùa Dần (nay rước ở chùa Tiên Linh). Mồng 6 phủ Tiên Hương rước thỉnh kinh ở chùa Gôi (nay rước ở chùa Linh Sơn ). Tương truyền trong cuộc chiến Sòng Sơn, Phật Bà Quan Âm đã cứu giúp Mẫu Liễu. Sau này, Mẫu Liễu quy y tại chùa Gôi, cho nên trong hội có nghi thức rước Mẫu đi thỉnh kinh.

Đám rước năm 1903 được miêu tả như sau: "Giờ Mão, mọi người vâng mệnh Thánh Mẫu vào đền Sòng, kính rước thánh giá xuất du. Trên đường đi đến giờ Ngọ thì tới Ninh Bình, rồi đến Tang Giá (đền Dâu). Khi đến đền Dâu đã thấy cờ quạt, chiêng trống nghênh đón. Sau đó, đám rước tiếp tục vào đền Sòng. Khi đến đền Sòng thì trời tối, phải đến giờ Tuất mớí đến đền Sòng Sơn.

Giờ Mão ngày mồng 5 rước Mẫu hồi cung. Xe loan Đệ Tam Thánh Mẫu đi sau, Nhân dân thanh y, xiêm y rực rỡ theo hầu, cổ vũ tới hàng vạn. Giờ Dậu về đến Ninh Bình, dừng chân ở đền Ninh Phong.

Ngày mồng 6 rước Thánh Mẫu từ Ninh Phong vượt bến Non Nước. Đi đến đâu dân sở tại cũng sẵn sàng kiệu võng đón rước. Các thần sở tại cũng được nghênh đón. Sau đó rước Mẫu về qua Côi Sơn rồi về Vân Hương.

Ngày mồng 8 lễ tạ, sau đó đệ tam Thánh Mẫu lại được rước về Sòng Sơn yên vị”.

Hội Hoa Trượng

Trước mỗi phủ Vân Cát, Tiên Hương đều có Bãi kéo chữ - nơi tổ chức Hội Hoa trượng vào ngày mồng7 (ở phủ Vân Cát), mồng 8 (ở phủ Tiên Hương)

Hội Hoa Trượng trong lễ hội Phủ Dày
Hội Hoa Trượng trong lễ hội Phủ Dày

Tổng Cờ: là người dùng cờ (hoặc trống) để làm hiệu chỉ huy cho các phu hội chạy hàng một đứng vào vị trí đã định làm thành nét chữ. Trước đây, Tổng cờ thường là người làng Thông Khê hay Bảo Ngũ - quê hương của bà Thái Phi.

Phu hội: (hay còn gọi là Giai hội) được tuyển chọn từ các làng các tổng trong huyện Thiên Bản - Vụ Bản, lấy tất cả khoảng 500 người. Phu hội mặc áo nái vàng, quần trắng, khăn đen có trùm vải đỏ hoặc vàng, thắt lưng màu lục, chân đất hoặc quấn xà cạp. Mấy năm nay, phu hội mặc quần áo đỏ, thắt dai lưng vàng, đội khăn vàng (ở phủ Vân Cát) hoặc mặc áo vàng, quần trắng, khăn đỏ, đai lưng đỏ/ xanh (ở phủ Tiên Hương).

Gậy hội: làm bằng luồng hoặc tre nhỏ, dài 1 trượng (trên 2 m) ở đỉnh có buộc túm lông gà màu xanh đỏ, than gậy được quấn dây xanh đỏ.

Việc chọn chữ để xếp phải được Mẫu quyết định bằng cách xin âm dương  hoặc khấn lễ ở phủ Thông. Các chữ thường được Mẫu "chọn" là "Quốc thái dân an", "Hoà cốc phong đăng", Thánh thọ vô cương", "Thiên hạ thái bình" "Quang phục thánh thiện", "Mẫu nghi thiên hạ"...

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com