Thông thường phong tục tang ma cuả người Việt nhiều thế kỷ qua thường dụng theo tổng kết của Thọ Mai gia lễ, gồm hàng loạt các nghi lễ thể hiện qua từng thời đoạn: Từ giờ phút lâm chung (đặt tên hèm, hú hồn, tắm rửa, thay y phục, ngậm gạo, tiền..); chuẩn bị quan tài (trừ tà - phạt mộc, khâm liệm - nhập quan, kê quan tài - thiết linh sàng...); phát tang (mặc đồ tang - thành phục cúng cơm - triêu tịch diện), đến chuyển cữu, yết tổ, trị huyệt, hạ huyệt...
Với người Việt, cái chết có phần đan xen (hay là không tách bạch) giữa phần đời thế tục với các tín niệm của cả Phật, Đạo, Nho (sau này có Thiên Chúa). Chết là mất (mất hết) về thể xác, và chết cũng là về, là bắt đầu (một cõi khác, kiếp khác) về với tổ tiên, ông bà, với phật cảnh, tiên cảnh, đầu thai sang kiếp khác. Nhân thức, tâm lý ấy phản ảnh khá rõ trong khá nhiều ngôn từ, trong các phong tục.
Coi cái chết là "mãn kiếp", "người già người chết", là thác về, về với ông bà tổ tiên, là đi xa .. Bản thân nhiều người có tuổi bình tĩnh, thanh thản chuẩn bị, đón nhận cái tất yếu này. Cỗ "hậu sự", bộ đồ hải hội, mảnh đất để làm mồ - gọi là "nhà", được tự tay các cụ chuẩn bị, lo sắm. Nhiều gia đình khi các cụ thượng thọ, đông cháu chắt thì tang ma còn được quan niệm là làm "hội", màu tang chế trắng, đen chìm đi trong khăn đỏ, khăn vàng.
Cái chết được coi là tiếp tục sống ở một cõi khác, là tiếp tục phần hồn nên con cái, gia đình không quên đặt "tên cúng cơm" để đến giỗ thì mời về. Gia đình sắm sửa cho người chết áo quần được coi là đẹp nhất, tươm tất nhất "sống mặc áo rách, chết chôn áo lành", rồi gạo để ăn, tiền để đi đò (trong lễ Ngậm ngọc - phạn hàm).
Chết là hết đối với cuộc đời thế tục, nên tang ma lại thể hiện cao nhất của xót thương, đau buồn. Và, với xã hội hàng nhiều thế kỷ chịu ảnh hưởng tư tưởng, thiết chế của đạo Nho, tang ma là dịp thể hiện tập trung, dễ nhận ra nhất (qua con mắt, dư luận cộng đồng xã hội) của đạo Hiếu. Con cái, người nhà muốn níu kéo trở lại bằng tục gọi ba hồn bảy vía từ nóc nhà để vang vọng thấu đến sâu xa, bốn hướng; phải chuyển hay biểu hiện tình cảm đó qua màu trắng, màu đen, mặc đồ tang bằng những xô, gai, bằng tiếng khóc tiếc thương, bằng tiềng kèn, tiếng trống, "sống dầu đèn, chết kèn trống". Gia chủ phải dừng những việc vui, việc cưới, thi cử... trong thời kỳ tang trở...
Việc tang ma bao giờ cũng là việc dịp thể hiện tính cộng đồng, từ gia tộc, giáp, ngõ đến làng - xã. "Nghĩa tử là nghĩa tận", những phúng viếng đỡ đần với gia chủ khi tang ma bối rối trở thành lẽ ứng xử bình thường, thành đạo lý của cư dân.
Tang ma dẫu vẫn được coi là Gia lễ, nhưng trên thực tế không bao giờ thoát ly khỏi cộng đồng làng xã.
Công giáo quan niệm con người do Chúa sinh ra, chết là bắt đầu cuộc sống mới nơi Thiên đàng, là hồn lìa khỏi xác, việc chôn cất người qua đời gọi là đưa xác:
"Chiềng quan viên, xứ ta có người qua đời (tên, họ đạo...)
Mời mọi người đưa xác..."
Cũng như những giáo dân ở Bắc Bộ, giáo dân Nam Định gọi người hấp hối là " rình sinh thì (thời )"... Chuông nhà xứ dành cho người chết là "chuông sinh thì".
Khi tín đồ sắp qua đời, linh mục được mời đến làm lễ xức dầu với nghi thức đã định trong thánh lễ và ngoài thánh lễ.
Tín đồ qua đời, người nhà báo cho Linh mục chính xứ, Ban điều hành giáo xứ, họ đạo. Nhà thờ kéo chuông sầu, chuông tử hay chuông "rình sinh thì". Qua tiếng chuông, người đồng đạo biết người qua đời là nam hay nữ: theo cách 7 tiếng rời + 3 hồi nhịp ba (cho nam giới), 9 tiếng rời +3 hồi nhịp ba (cho nữ giới). Nghe chuông, đồng đạo hướng về phía nhà thờ đọc Kinh lạy Cha.
Thân nhân tụ tập đến đọc kinh "Cầu cho người hấp hối mong sinh thì".
Tín đồ qua đời được đưa vào nhà thờ làm lễ chồng mồ. Quan tài đặt quay đầu về cung thánh ở chính giữa. Trên áo quan phủ vải đen có hình thập giá trắng. Các góc quan thắp nến. Số nến thắp ít hay nhiều, thời gian lễ dài hay ngắn, số bài hát ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào số tiền xin lễ của gia đình thân chủ. Khi đặt quan tài, dù ở nhà hay ở nhà thờ đều để người chết nhìn về bàn thờ Chúa, khi đưa đám để chân người chết về phía trước.
Lễ tang ngày nay được quan niệm là việc gia đình, tập thể, xã hội tổ chức đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng". Do đó việc tang lễ phải trang nghiêm, biểu hiện tình cảm thương tiếc chân thành, thuỷ chung.
Theo: Địa chí Nam Định