Thế kỷ thứ X vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình và vùng thượng Nam Định trở thành trung tâm của quốc gia Đại Cồ Việt. Thời Nhà Đinh, Tiền Lê, khi các nhà sư trở thành quốc sư - tiêu biểu cho trí tuệ, tri thức của triều đình, được trong dụng, hẳn cũng có nền tảng trực tiếp và thành định hướng, hấp dẫn quan trọng với các tầng lớp cư dân ở đây. Chính điều này đã chuẩn bị trực tiếp cho sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo ở vùng Nam Định vào thời kỳ Lý, Trần.
Thời Lý, chùa Chương Sơn ở Hành cung Ứng Phong hẳn có vai trò quan trọng không chỉ đối với vùng Nam Định mà còn với quốc gia Đại Việt. Chùa Chương Sơn mặt quay về hướng Nam, gần sông Sắt. Đây là con đường thuận tiện để triều đình Lý từ Thăng Long theo vua về hành cung. Đến nay, còn sót lại một số dấu tích của chùa Chương Sơn.
Bệ đá chạm rồng Thời Lý – báu vật của phế tích Chương Sơn, hiện đang được lưu giữ ở chùa Nề (Long Chương tự) |
Từ những dấu tích vật chất ít ỏi nhưng mang đậm dấu ấn thời Lý, điều quan tâm ở đây không phải là ở nghệ thuật tạo hình mà chủ yếu là qua đó có thể hiểu rõ hơn đạo Phật đương thời. Những nhà nghiên cứu kiến trúc Phật giáo Việt Nam có cơ sở để nghĩ rằng: Phật giáo ở Chương Sơn, Nam Định thời Lý gần gũi với phương Nam, hay là trở lại với phong cách Phật giáo dòng Phương Nam sau dằng dặc thời gian gián cách Bắc thuộc. Phong cách Phật giáo Chương Sơn, Nam Định thời Lý là biểu hiện của một tâm thức, một cách thức "giải Hoa hoá" của cư dân Việt.
Gắn với hành cung, với vương triều Lý, kiến trúc Phật giáo Chương Sơn như vậy càng thể hiện rõ nét bình dân mà không nghiêng vào triết thuyết trừu tượng.
Đời Trần, Thái thượng hoàng Trần Thừa năm 1231 xuống chiếu rằng trong nước phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng Phật để thờ, nước ta vì nắng mưa nên làm nhiều đình nghỉ để cho người đi đường nghỉ chân, trát bằng vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi thường nghỉ ở đấy, có một nhà sư bảo rằng "người trẻ tuổi này ngày sau phải đại quý". Nói xong thì không thấy nhà sư đâu nữa.
Những ghi chép trên cho thấy một phần nào sinh hoạt và không khí Phật giáo ở vùng Nam Định thời trước Trần. Sau sắc lệnh của Thái thượng hoàng - người lãnh đạo thực tế cao nhất của đất nước khi ấy, thì ở vùng Nam Định - quê "thang mộc" của vương triều hẳn những "đình trạm tô tượng Phật để thờ" càng nhiều hơn. Chính trong thời Trần, Phật giáo ở Nam Định bước vào một thời kỳ phát triển mới:
Vùng Nam Định thời Trần, đặc biệt là dưới ảnh hưởng của chính các vị vua Trần ham nghiên cứu Phật học, trở thành một trung tâm Phật giáo lớn ở châu thổ sông Hồng với không ít những hoạt động Phật pháp lớn:
Năm Thiệu Long thứ 5 (1262) Thượng hoàng Thái Tôn về quê ban yến và thưởng tứ cho già trẻ trong làng, thăng Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, đổi hành cung Tức Mặc thành cung Trùng Quang để làm nơi Thượng hoàng ngự. Chùa Phổ Minh ở bên tây cung Trùng Quang - được xây dựng từ triều Lý, nổi danh với chiếc vạc đồng- một trong An Nam tứ đại khí, được xây cất trang hoàng lại để làm nơi Thượng hoàng sớm hôm cúng Phật.
Quang cảnh chùa Ngô Xá (Phi Lai tự) |
Trần Khắc Dụng được cử sang triều Nguyên thỉnh kinh Đại tạng, đem về để ở cung Thiên Trường rồi đem khắc in. Năm 1299, các bản in này cùng với bản "Phật giáo pháp sự đạo trường công văn cách thức" được vua Anh Tông sai phát cho dân chúng.
Tháng giêng năm Hưng Long thứ 11 (1303) nhân dịp vua cha - Thượng hoàng Nhân Tông từ Chiêm Thành về Thiên Trường, nghỉ tại cung Trùng Quang. Vua Anh Tông cho mở hội "Vô Lượng Phật pháp" tại chùa Phổ Minh, ban phát vàng bạc tiền lụa cho dân nghèo, phát kinh Giới thí cho thiên hạ...
Ngoài chùa Phổ Minh - như một điển hình cho Phật giáo Trần ở vùng Thiên Trường, còn các chùa Đô Quan (Ý Yên), chùa Bi (Trực Ninh) và một vài chùa khác tạm xếp vào thời kỳ cuối Trần.
Bên cạnh các vị thiền sư - trí thức, quý tộc lớn, không khí Phật học ở thờ Trần còn lan toả mạnh mẽ ở làng xóm Thiên Trường thuở ấy. Câu chuyện dân gian cậu bé Nguyễn Hiền (1235 - 1255) làng Dương A, huyện Thượng Hiền theo học ở sư chùa làng rồi đỗ trạng Nguyên năm Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247) khi mới 13 tuổi, khúc xạ một phần nào sự hấp dẫn cũng như tri thức của các nhà sư thời Trần đất Nam Định.
Cho đến trước khi Thiên Chúa giáo vào Nam Định, Phật giáo có ưu thế phổ biến ở địa bàn này. Những ghi chép của các cha cố người phương Tây có dịp đến Đàng Ngoài, trong đó vùng Sơn Nam phản ảnh rõ tình hình nàỵ. Có thể nói, từ sau đời Trần trở đi, ngôi chùa làng - trở thành trung tâm của dân làng, như là một chứng chỉ quan trọng về sự ổn định, phát triển, bình an của mỗi điểm cư dân, mỗi đơn vị làng - xã.
Sau này, từ thế kỷ XVII - XIX, khi Thiên Chúa giáo thâm nhập và lan toả ở vùng Nam Định, cư dân theo Phật giáo, không gian của cư dân theo đạo Phật (số làng xã) giảm đi. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa là tín ngưỡng Phật giáo bị lấn át, bị sút kém. Ngược lại, trong điều kiện đối diện với một tôn giáo mới, Phật giáo ở Việt Nam nói chung, nhất là địa bàn trực tiếp, tiếp xúc, tranh đua hàng ngày như ở Nam Định, phải tự đổi mới, tự bảo vệ và củng cố cả các làng xã còn lại. Điều này góp thêm một lý do giải thích vì sao phần nhiều ngôi chùa làng được tiếp tục mở mang, trùng tu hoặc xây dựng mới trong khoảng thời gian này.
Theo điều tra tổng hợp năm 2001 của Bảo tàng Nam Định, cả tỉnh có 228 ngôi chùa còn 1 chiếc bia trở lên, thì có 465 chiếc bia đủ loại (trùng tu, công đức, hậu Phật...). Đương nhiên, số lượng chùa và bia ký gắn với các chùa trên không phản ánh hết những ngôi chùa đã được xây dựng, những đóng góp, cũng như tín ngưỡng thờ Phật của các thế hệ cư dân Nam Định. Tuy nhiên, con số đó cũng cho phép hình dung phần nào về tín ngưỡng Phật giáo ở Nam Định.
Theo: Địa chí Nam Định