Cùng với phong tục thờ cúng Thành hoàng là các lễ hội dân gian. Hệ thống này gắn liền với các làng xã Nam Định và vì vậy có thể gọi là hội làng.
Quanh năm, từ tháng giêng đến tháng chạp trên địa bàn Nam Định không tháng nào không có hội làng. Sớm như hội làng Giáp Tư mở vào ngày hạ nêu mồng 4 tháng Giêng, muộn là những lễ hội đền Din, hội làng Bái Dương... vùng Nam Trực vào tháng chạp... Tuy nhiên, số lượng lễ hội tập trung nhiều hơn cả là vào vào các tháng nông nhàn (tháng giêng, tháng hai, tháng tám, tháng chín).
Nếu chia theo mùa thì lễ hội truyền thống tập trung vào hai mùa chủ yếu: Hội mùa Xuân và hội mùa Thu.
Hội mùa xuân: như các lễ hội Giao Cù, đình Rạch, chùa Bi, đền Đá... (Nam Trực) Lư Châu, chùa Ngô Xá, Ninh Xá (Ý Yên), đền Thượng (Giao Thuỷ)...
Hội mùa Thu như: đền Xám, Y Lư, chùa Cổ Lễ, Vị Khê (Nam Trực), chùa Keo (Xuân Trường), đình Đá, Tống Xá (Ý Yên)...
Vào những mùa xuân, thu như vậy, lễ hội diễn ra liên tiếp, hết làng này đến làng khác, vùng khác với mật độ rất cao. Chẳng hạn, chỉ mới vài ngày đầu năm tháng giêng thôi, người Vụ Bản đã lên lịch du xuân, dự hội:
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mồng sáu non Gôi
Cách ngày mồng bảy mà thôi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng...
Trong một khung thời gian tập trung vào các tháng nông nhàn nên trong dịp này không ít lễ hội trùng ngày với nhau.
Thời gian lễ hội thường là 2, 3 ngày, có lễ hội kéo dài năm, bảy ngày. Đại hội thì tuỳ thuộc theo lệ của từng làng có thể 2 hoặc 3, 5, 6 năm mở một lần, chẳng hạn đại hội của làng Vô Hoạn (Nam Trực) cứ 3 năm mở một lần vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu...
Các lễ hội làng cũng thường là các ngày sinh, ngày kỵ của các thành hoàng, các thần, hay ngày lễ của Phật. Đình, đền, miếu, chùa - các trung tâm tín ngưỡng, không gian thiêng của cộng đồng chính là địa điểm tổ chức lễ hội.
Hội làng chủ yếu được diễn ra trong một làng - xã tổ chức, nhưng cũng không ít lễ hội do hai làng trở lên phối hợp hoặc luân phiên nhau tổ chức (hội Đông Phù, Vô Hoạn, hội đền Din, hội Tức Mặc ...)
Cũng như các hội làng người Việt, cấu trúc chung của hội làng Nam Định cổ truyền có phần lễ và phần hội.
Phần lễ thường diễn ra chủ yếu ở trong thần điện (đình, đền, miếu, chùa), theo một trật tự gồm: cáo, hiến tế, cầu xin, tạ ơn. Tất cả được thể chế hoá cao, long trọng, nghiêm trang từ nhân sự, trang phục, màu sắc, vật dụng, cỗ thờ, vật hiến tế... đến âm nhạc. Trong nhiều thế kỷ được duy trì, tăng cường, trong một số hương ước cổ của làng xã Nam Định còn thấy đưa vào cả những điều quy định, những thể chế hoá phần lễ của lễ hội làng. Chẳng hạn vật phẩm dùng trong lễ ở hội đền Din (Nam Dương - Nam Trực) diễn ra trong 10 ngày từ mồng đến 10 tháng chạp, quy định: mồng 9 làm cỗ chay (bánh gai, bánh ngũ sắc, bánh giáo, khoai sọ rán). Cỗ mặn phải có 7 loại giò: hoa, lụa, lựu, thủ, gối, mỡ, chân.. 3 con cá tải (cá mè). Cỗ Kính Thiên phải có cả con chim két thui. 4 mâm - của bốn thôn phải có 3 con cá trắm dài hơn một thước, ngang bằng 4 chít tay. Khi tế chọn con đẹp nhất do một người mình trần, khố bao, chít khăn đỏ nâng cá có lọng che đến quỳ bên chủ tế...
Thi bơi chải chỉ đứng trong lễ hội chùa Keo, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Phần hội - diễn ra bên ngoài thần điện, hay mở rộng đến toàn thể cộng đồng từ phạm vi không gian đến các thành viên, cơ cấu của làng xã: gia đình, ngõ, giáp, già trẻ, trai, gái, giàu nghèo. Hội là phần đời cởi mở, khoan dung, là một sân "chơi" (chơi hội) phong phú, đa dạng của các thành viên trong làng, là một tập đại thành các trò chơi, giải trí của cư dân. Chẳng hạn hội làng Đồng Phù,Vô Hoạn bên cạnh lễ rước, có hát chầu văn, múa rối, múa mồi, múa quạt, múa hoa, thi dệt vải, đánh cờ bỏi, chơi cờ người. Hầu như khắp các vùng quê Nam Định- một trong những chiếu chèo nổi tiếng của Bắc Bộ, lễ hội không thể thiếu chèo:
"Nhớ thuở hội xuân chèo dóng trống” ...
" Vào đám làng tôi mở trống chèo
Bay cờ, lộng gió, đỏ đuôi nheo”
(Nguyễn Bính - Trở về quê cũ ).
Trong tiến trình lịch sử lâu dài, lễ hội làng xã cổ truyền - những sinh hoạt mang tính nguyên hợp của xã hội tiền công nghiệp, đã được bao trùm, tích hợp nhiều lớp tín ngưỡng, những ẩn tàng sâu xa của tín ngưỡng nguyên thuỷ, tín ngường thờ thần, thành hoàng, đến thờ các danh nhân, phật giáo, đạo giáo được phong kiến hoá, lịch sử hoá.
Các lễ hội cổ truyền ở Nam Định (hay của các tộc người khác cũng vậy) gắn với niềm tin của cộng đồng cư dân các thế hệ hướng tới những lực lượng hay một nhân vật nào đó. Lực lượng đó, nhân vật đó giúp cộng đồng vượt qua các khó khăn, trở ngại, thực hiện được mong ước của cộng đồng.
Lễ hội làng xã cổ truyền Nam Định trước hết và bao trùm là phản ánh nhu cầu trở về cội nguồn, liên quan chặt chẽ đến môi trường tự nhiên lịch sử, xã hội, của các nghề nông, ngư, thủ công nghiệp. Chẳng hạn:
Lễ hội làng Xứng (Đắc Lực, xã Liên Bảo huyện Vụ Bản) mở vào ngày mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng của những năm được mùa. Năm được mùa, quan viên chức dịch cùng dân làng họp bàn tổ chức hội. Cả làng hầu như 'nhịn" ăn tết mà dành cả cho vào "đám". Nét nổi bật của hội Xứng là mọi đồ thờ tế tự đều được làm bằng rơm. Hàng tháng trước khi vào hội, dân làng, theo từng dòng họ đã chuẩn bị đan, tết những linh vật như long, ly, quy, phượng đến những người xay lúa, giã gạo, cây cảnh, cổng chào... bằng rơm. Làng làm riêng hai chú voi to như voi thật, dùng bùi nhùi làm vòi, làm đuôi. Tất cả được mang ra đình gọi là "đình Đụn"- đình bằng rơm. Dân gian từ lâu có câu:
" Đồn rằng đám (hay "áng") Xứng vui thay
Xem hết cả ngày chỉ thấy toàn rơm " là như vậy.
Lễ hội đình Cả (thôn Đệ Nhất, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc) được tổ chức hàng năm vào 15 tháng 4, bên cạnh những trò chơi dân gian như đánh vật, kéo co, bắt vịt... còn có lễ rước lúa, rước "ông Bồ". Cánh ruộng Quan ở phía đông đình làng, cao ráo màu mỡ, nơi duy nhất trồng cấy được hai vụ của làng tương truyền xưa kia là lộc điền của vua Trần ban. Người trồng cấy cánh ruộng ấy phải chắm sóc cẩn thận. Trước khi vào lễ hội, dù lúa đã chín hay còn xanh, chức sắc địa phương phải thân đến gặt lúa ở ruộng, lượm thành bó cho gọn ghẽ, đẹp mắt sạch sẽ đưa lên kiệu rước về đình để tế thần... Mỗi giáp trong làng đều phải nuôi một con lợn để chuẩn bị cho lễ hội. Lợn khi mua về được gọi là ông Bồ, chăm sóc cẩn thận. Phụ nữ, theo quy định của lệ làng, trong suốt quá trình chăm lợn, không được vào chỗ nuôi lợn. Sáng ngày 15 tháng 4, lợn được tắm rửa, đưa lên cũi có trang trí những giải lụa đỏ, theo đám rước của các giáp về đình. Khi đám rước tới đình, kiệu được xếp theo hàng để chấm hơn thua. Sau đó các giáp làm thịt lợn tại đình để cúng thánh.
Nhu cầu trở về cội nguồn được hình thành, nuôi dưỡng, duy trì, và thăng hoa trong các lễ hội bởi gắn bó với một niềm tin chân thành, trọn vẹn, kính tín vào các lực lượng, vào nhân vật mà dân làng đã thờ (xem phần thờ cúng thần, thành hoàng)
Đối với các làng xã thờ thần, thành hoàng làng xã là những nhân vật lịch sử, (các anh hùng, các vị khai sáng, lập làng), những lễ hội này thực sự trở thành những ngày kỷ niệm, nhắc lại các sự tích có liên quan đến các nhân vật lich sử, đến thuở ban đầu gian khổ mở làng, lập ấp.
Tích hợp, kết tinh nhuần nhuỵ những yếu tố trên, lễ hội cổ truyền Nam Định từ nhiều thế kỷ qua đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống của các thế hệ cư dân. Lễ hội biểu dương những giá trị văn hoá, sức mạnh của cộng đồng, góp phần tạo nên tính cố kết cộng đồng. Lễ hội khơi, mở dòng chảy về nguồn - cội nguồn tự nhiên, lịch sử - Một nhu cầu vĩnh hằng của con người, góp phần hình thành và bồi đắp giá trị nhân bản.
Theo: Địa chí Nam Định