Tổ chức không gian nhà chính

05:04, 11/04/2013

Hướng nhà: Theo số lượng điều tra 300 ngôi nhà ở dân gian trên toàn địa bàn tỉnh Nam Định thì:
Hướng chính Nam - Nam hơi chếch Đông hoặc Tây chiếm khoảng 75%.
Hướng Đông - Nam chiếm khoảng 7%.
Hướng Đông, Tây, Tây - Nam, Đông - Bắc chiếm khoảng 18%.

Hướng nhà rất được coi trọng nên người dân có sự lựa chọn khá kỹ. Vì thế, mặc dù hầu hết nhà có hướng Nam, chếch Nam hay tương tự như vậy nhưng không có nghĩa là tất cả người xây dựng nhà đều phải theo hướng đó. Làm mát ngôi nhà bằng sự định hướng nhà là kinh nghiệm truyền thống trong xử lý kiến trúc phù hợp với khí hậu môi trường Việt Nam.

Nhà ở dân gian Nam Định không quá thiên về một hướng, song hướng Nam vẫn là chủ đạo, theo quan điểm hướng Nam là hướng mát mẻ, sáng sủa. Trường hợp nhà hướng Tây - Tây Nam, Đông - Đông Nam lại phụ thuộc vào vị thế ngôi nhà, hướng này hoàn toàn hợp lý thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương, đón gió mát mùa hè; tránh gió rét mùa đông. Ở hướng này gió bão thường thổi vào đầu hồi hay góc nhà, độ cản gió nhỏ ít bị đổ. Nhà hướng Nam tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp vào nhà.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Nhà phụ thường đặt song song với nhà chính. Cách bố cục nhà trải ra tạo nên sự thông thoáng riêng cho từng nhà.

Tổ chức không gian nhà chính: Nhà ở truyền thống cơ bản là loại nhỏ, sống trong gia đình chỉ từ hai đến ba thế hệ (vợ chồng, vài ba con có hoặc không có bố mẹ), từ 6- 8 người, ngày nay có xu hướng giảm xuống 4- 6 người.

Tổ chức ngôi nhà vừa có không gian "mở" - không gian sinh hoạt chung; vừa có không gian "đóng" - không gian kiểu buồng the. Nhà chính đặt trên nền đất cao so với xung quanh; được tôn cao so với mặt sân khoảng 30- 35cm, tránh ngập nước.

Kiểu kết cấu không gian nhà chính có được những giải pháp chống cháy cho công trình đó là việc tổ chức tách rời nhà chính - bếp -  nhà phụ.

Không gian sinh hoạt chung (không gian mở):  Không gian có tính đa năng và xen kẽ, kết hợp với sinh hoạt gia đình hàng ngày (ăn ở, học tập, chỗ ngủ cho đàn ông...); các hoạt động giao tiếp, nơi diễn ra hoạt động thủ công (gia đình làm nghề phụ), nơi dự trữ hoa màu.

Đây là không gian thiêng liêng nhất của ngôi nhà với gian giữa đặt ban thờ tổ tiên. Vào những ngày giỗ tết, nhà có việc, người chủ tháo tạm bức dại và tấm cửa bức bàn đi, dựng rạp ngoài sân tạo nên không gian rộng từ nhà ra sân. Vì thế, ngôi nhà được bố trí 3 gian chính thông suốt mở cửa lớn trông thẳng ra sân với hiên thềm; phía nhà sau bưng kín và bố trí thêm ô cửa nhỏ ở hai gian bên của gian chính để lấy ánh sáng. Cách thức này có tác động đến bố trí không gian nhà truyền thống.

Không gian đóng (không gian kiểu buồng the): tại các chái và dĩ được bố trí đều về hai bên của gian chính, một số nhà có gian chái bố trí lệch hẳn về một bên của gian chính; thường có 2 gian, 4 chái, 1 chái rất ít gặp.

Đây là nơi thường dành cho người phụ nữ hay vợ chồng người con trưởng; còn được kết hợp như nhà kho, nơi cất giữ nguyên liệu sản xuất của gia đình. Chai được bưng kín 4 mặt, thông với gian chính bằng lối đi nhỏ qua hiên hay một lối cửa đi nhỏ; có trường hợp lối đi đó được mở phía tường hậu. Kiểu bố trí này không cho phép người phụ nữ đi qua gian chính khi nhà có khách hay đang thờ cúng.

Theo: Địa chí Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com