Khi chưa hình thành nguồn cung cấp nguyên liệu đáp ứng cho nhà máy dệt Nam Định, việc trồng dâu tằm, bông chủ yếu diễn ra ở các làng xóm. Nghề trồng dâu, bông diễn ra chủ yếu ở các gia đình. Dâu thường được trồng ở vườn, dọc bên đường, bên bờ ao. Nhiều nhất là những làng xã bên sông Đáy, sông Hồng. Bông chủ yếu được trồng vào các vùng cát cao.
Thời thuộc Pháp để phục vụ cho nhà máy dệt, trong tỉnh đã hình thành hai vùng nguyên liệu, bông tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc, còn dâu tập trung về giữa và phía Nam, nhất là Hải Hậu.
Dệt vải, dệt lụa trước đây hầu như làng xóm nào cũng có người dệt vải, dệt lụa. Ở Vụ Bản, Mẫu Liễu được coi như bà chúa nghề dệt vải. Đầu thế kỷ XX hình thành một số nơi "có tiếng" về dệt vải như: Bùi Chu, Hành Thiện (Giao Thuỷ), Quả Linh (Vụ Bản), Bái Dương, Hiệp Luật, Xối Thượng, Tương Nam (Nam Trực), Trung Quyên, Quang Sán, Mai Xá (Mỹ Lộc); về dệt lụa có: Lạc Nghiệp (Giao Thuỷ), Phương Để (Trực Ninh), Ngô Xá (Phong Doanh) Quần Phương Thượng, Quần Phương Trung, Quần Phương Hạ (Hải Hậu).
Cách nhuộm dân gian thường dùng vỏ già đem nấu giã lấy nước sau đó nhuộm, nhúng vải nhuộm trong 1 ngày.
Ảnh minh họa/Internet. |
Nâu (Dioscorea rhypogomoise): đem giã nát (hoặc mài) lấy nước, mang vải ngâm, phơi khô khoảng vài lần trong 2 ngày.
Lá bàng, lá sòi: giã, nấu nước, nhuộm cũng như cách nhuộm củ nâu trong 3 ngày.
Sau khi nhuộm nước trên, đem nhúng bùn khoảng 1 tiếng, phơi khô mới rũ sạch bùn. Thường người ta chỉ nhuộm nâu, sau đó nhúng bùn, ít gia đình nhuộm đầy đủ các loại lá trên.
Ở Nam Định, cho đến đầu thế kỷ XX có những làng "chuyên" nhuộm có tiếng như Báo Đáp (Nam Trực), Kiên Lao (Giao Thuỷ), 3 làng Quần Phương Thượng Trung, Hạ (Hải Hậu)...
Để may thành áo quần, trang phục, người xưa thường tự khâu, may lấy. Đàn bà, con gái trong nhà đảm nhiệm việc cắt, khâu, vá cho cả nhà. Nhà giầu có thường đón thợ về thửa, khâu quần áo tại nhà. Sau này hình thành những thợ may có tiếng. Hầu như làng nào cũng có thợ may, phó may. Khi đô thị Nam Định hình thành, "thợ may ở thành phố khéo hơn", còn ở các huyện như Vụ Bản có thợ Yên Duyên; Ý Yên có thợ Tu Cổ ; Hải Hậu có thợ ở ba làng Quần Phương Thượng, Trung, Hạ.
"Vợ chồng chọn áo may quần
Tìm vào xã Thượng an tâm trông chờ"
Theo: Địa chí Nam Định