Màu sắc và trang phục truyền thống

05:04, 04/04/2013

Bên cạnh những câu ca dao - phổ biến như của cả vùng Bắc Bộ - phác hoạ phần nào trang phục xưa, ở Nam Định còn có những câu cho hay màu sắc, trang phục của những địa chỉ cụ thể, chẳng hạn như:

 “Hương Cát mặc áo Bồ nâu
Văn Lãng phong phanh áo dài"

*

“Hỡi cô áo trắng loà loà
Sao cô không bớt tiền quà nhuộm  nâu
"Chợ Phúc ba dãy hàng nâu
Sao cô mặc trắng cho sầu lòng anh".

*

"Cô kia thắt dải lưng xanh
Có về Trang Hạ với anh thì về"

*

"Trình Xuyên, Cốc Gạo, Dương Lai
Áo nái mặc ngoài, áo vải mặc trong
Khoe ra vẻ thuý, sắc hồng"

Trong ký ức dân gian, qua dân ca, ca dao và thơ văn Nam Định ta thấy trang phục của cư dân phần nhiều là màu nâu, màu đen và những màu xẫm theo các tên gọi  gụ, chàm, thâm.

 Một số trang phục xưa theo giới:

- Phụ nữ: áo tứ thân, áo nới vạt, áo cánh, quần nái, ruột tượng, xà tích, khăn vuông.

- Nam giới : áo lương, the, quần Chúc bâu, mũ xếp ...

  Trong các dịp lễ tết, hội hè ở nông thôn vào đầu thế kỷ XX có thể thấy trang phụ và màu sắc phần nào qua miêu tả bằng thơ của Đoàn Văn Cừ: "thằng cu áo đỏ", "cô yếm thắm " "áo the xanh", "Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu", "Cụ Lý ... với "khăn trên đầu"

Hoặc:                    "Đàn ông khăn nhiễu đội đầu
                         Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ hoe
                               Đàn bà yếm đậu vàng hoe
                   Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng"

Về trang phục ở thành phố Nam Định vào cuối XIX có thể thấy được phần nào qua "Tả chân" bằng thơ của Tú Xương: khăn là, váy lĩnh, yếm trắng, áo hàng tàu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định, quần vân, áo xuyến...

Trong thơ ca Nguyễn Bính, vẫn thấy bóng dáng trang phục của người phụ nữ nông thôn trước năm 1945 với những: yếm lụa sồi, dây lưng đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen...

Những thay đổi trong trang phục:

Là lĩnh vực nhạy cảm, gắn liền với mốt, với giới, với lứa tuổi, nghề nghiệp trang phục là bộ phận nhiều biến đổi nhất trong các yếu tố hợp thành văn hoá của người Việt. Nếu cho đến trước thời hiện đại, trang phục đã hơn một lần thay đổi, thì thời hiện đại, nhất là gần 20 chục năm trở lại đây trang phục có những thay đổi  mau chóng trong  chất liệu, may, màu sắc...

Không chỉ có vải bông, tơ tằm mà nhiều chất liệu mới gia nhập vào trang phục của cư dân. Chất liệu tơ tằm không còn phổ biến trong các tầng lớp cư dân, ngay cả lớp người cao tuổi.

 Hầu như không còn chuyện tự cắt may trong phạm vi gia đình  mà do cắt may taị các hiệu may hoặc quần áo may sẵn. Bên cạnh những hiệu may, nhà may nhận may đo thì quần áo may sẵn ngày càng phổ biến. 

 Không chỉ những váy lĩnh yếm đào, yếm nâu, thắt lưng, áo tứ thân, quần gụ, quần lương... của đầu thế kỷ XX (như đã kể ra ở trên) chỉ còn lại trong tục ngữ ca dao, trong chuyện kể của các bậc cao tuổi, mà cả những mẫu quần, áo phổ biến của những năm 60, 70 thế kỷ XX, cũng hầu như không còn trong các tầng lớp trung niên trở xuống.

Trang phục đương thời phong phú về mẫu, mốt, đa dạng về màu sắc. Màu nâu, gụ, màu đen không còn là màu chủ đạo mà thậm chí mầu gụ hầu như không còn. Kèm theo đó là các cách nhuộm, dãi màu cổ truyền, làng nhuộm cổ truyền cũng không còn nữa.

Bên cạnh những cách ăn vận theo giới, bậc tuổi, ngày thường và lễ hội, đã và ngày càng phổ biến mặc đồng phục theo ngành nghề như đồng phục học sinh; các trang phục khác giày: dép, mũ, nón... cũng ngày một đa dạng, phong phú. Cư dân nông thôn, trừ lúc lao động ngoài đồng, còn trong các hoạt động hầu như đã mất thói quen đi chân đất. Tuy nhiên, trong khi các loại giày dép, guốc, đồ đi mưa (áo tơi) hồi đầu, giữa thế kỷ XX, hầu như không còn, thì chiếc nón vẫn phổ biến  ngay cả ở đô thị Nam Định.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com