Theo “Hành Thiện xã chí”, vào triều Vua Lê Chiêu Thống nguyên niên (năm Đinh Mùi 1787), có một pho tượng gỗ trôi tới khúc sông Đại Hà thuộc xứ Đồng Gò, tiếp giáp với xã Hạc Châu (nay là xã Xuân Châu). Trẻ chăn trâu vớt lên, rước về thờ trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp cỏ. Có người lính trong làng trước khi ra trận tới đây cầu đảo, được linh ứng đã thắng giặc trở về. Từ đó, dân làng dựng chùa thờ Thánh Mẫu. Do trên vai bức tượng có khắc hai chữ Đĩnh Lan nên dân làng đặt hiệu cho chùa là Đĩnh Lan tự.
Chùa Đĩnh Lan còn gọi là chùa Keo ngoài thuộc xóm 1, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) thờ Đức Phật Tổ Như Lai và Thánh Mẫu Đĩnh Lan (Phật Mẫu quan âm Nam Hải). Trải qua thời gian, tiếng tăm của chùa càng vang xa, thu hút khách nên nhân dân cung tiến tu bổ, xây dựng thêm nhiều hạng mục mới. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) dân làng dựng gác chuông. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), cụ Đặng Kim Toán làm quan Án sát tỉnh Ninh Bình phái người vào Thanh Hóa mua gỗ lim về dựng lại chùa. Khi đó, chùa được làm mới với quy mô mở rộng, cột bằng gỗ lim, tường xây gạch, lợp mái ngói. Năm 1901, cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh cùng dân làng làm 2 dãy giải vũ để khách thập phương đến chùa nghỉ ngơi, sửa soạn đồ cúng lễ. Năm 1907, chùa được trùng tu. Năm 1918, chùa được xây thêm tiền đường và ngôi nhà thờ tổ. Sau chiến tranh, do không thường xuyên tu bổ, tôn tạo chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1990 đến nay, bằng nguồn kinh phí của bà con quê hương đang sống tại Mỹ, nhân dân làng Hành Thiện và chính quyền địa phương, chùa đã nhiều lần được tôn tạo, phục chế 2 dãy hành lang, đại tu gác chuông, phục chế cổng, tường và cây đèn tiền cảnh, kè lại bờ hồ.
Gác chuông chùa Đĩnh Lan. |
Chùa Đĩnh Lan tọa lạc trên diện tích khoảng 8.000m2, phía trước là cánh đồng “kênh gạo”, hồ nước hình chữ nhật rợp bóng đa, đề cổ thụ. Chùa được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc” với các hạng mục: hai dãy giải vũ lợp ngói nam đối diện nhau qua sân lát gạch, chùa chính thờ Phật và Thánh Mẫu, nhà thờ tổ, gác chuông. Công trình còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Chùa chính gồm 3 tòa: tiền đường, thiêu hương, tam bảo. Toà tiền đường 5 gian 2 chái, 4 mái lợp ngói nam, trên xây bờ nóc; 2 bờ hồi xây bờ guột đắp con xô trang trí đầu đao uốn cong mềm mại. Bộ khung vì kèo kiểu “câu đầu kẻ truyền” gối trên 8 cột cái được tạo dáng búp đòng đặt trên chân tảng đá hình tròn. Hệ thống y môn, cửa võng bằng gỗ sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn tinh xảo, long vân điểm xuyết hoa cúc ở diềm trên, vân lồng mặt nguyệt ở giữa và tua chỉ tứ quý ở dưới. Các cấu kiện gỗ đều tạo mộng én ôm sát chân cột và được tạo hoa văn lá lật, soi chỉ mềm mại. Tòa tiền đường còn có một số di vật quý như câu đối, đại tự đều bằng gỗ, đặc biệt là bức đại tự treo ở gian giữa có dòng chữ “Đĩnh Lan tự” khắc theo kiểu chữ thảo mang niên hiệu Duy Tân năm 1907. Hai gian thiêu hương nối tiếp giữa tiền đường và tam bảo thành kiểu kiến trúc chữ “công” với bộ vì theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Gian này có nhiều mảng chạm khắc bong kênh theo nhiều đề tài khác nhau: tứ linh xen kẽ họa tiết lá hỏa, đao mác, vân mây uốn lượn. Gác chuông nằm sau tòa tam bảo theo kiểu 2 tầng 8 mái. Chính giữa gác chuông treo quả chuông đồng cao 1,2m. Khánh bằng đá treo tầng dưới hình cá chép, tạc nổi rõ nét đầu, vây, đuôi cá. Bên cạnh gác chuông về phía tây là 3 gian nhà thờ tổ được xây dựng năm Khải Định thứ 3 (1918) theo dạng tường hồi bít đốc, mái lợp ngói nam. Hằng năm, để tỏ lòng biết ơn đối với Phật Mẫu quan âm Nam Hải, nhân dân trong làng thường tổ chức lễ hội chùa Đĩnh Lan vào ngày 15-2 âm lịch. Ngoài phần tế lễ, phần hội có các trò chơi dân gian, đặc biệt là trò thổi cơm thi được đông đảo người dân tham gia.
Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2003; năm 2013 chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 1003 ngày 13-3-2013 của Bộ VH, TT và DL. Ngày 23-3-2013 đúng dịp lễ hội của chùa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức long trọng lễ đón Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia, góp phần khơi dậy lòng tự hào của người dân địa phương về di sản văn hóa của quê hương, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích./.
Bài và ảnh: Hồng Hạnh