Mới đây, chúng tôi có gặp bà Phạm Thị Liên, một trong 6 nữ Anh hùng Lao động (AHLĐ) của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (nay là Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). Dù đã gần 70 tuổi song bà vẫn còn giữ được dáng vẻ nhanh nhẹn, tháo vát của cô thợ dệt năm xưa.
Cô thợ dệt có “đôi bàn tay vàng”
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm thợ dệt ở Thành phố Nam Định, sau khi bố mất, là con lớn trong gia đình, cô bé Liên khi ấy 14 tuổi đã phải nghỉ học để đi làm thêm phụ giúp mẹ nuôi 2 em. Năm 1959, Liên được nhận vào làm công nhân của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Thời gian đầu chỉ là học việc, phụ giúp cho các cô chú thợ cả, sau 2 năm Liên mới được chính thức đứng máy. Tuy nhỏ tuổi nhưng thông minh, sáng dạ nên chỉ một thời gian ngắn Liên đã nhanh chóng tiếp thu được với công việc, tự học hỏi, đúc rút cho bản thân những kinh nghiệm, thao tác chuẩn nên năng suất tăng dần qua các năm. Lúc đầu đứng một mình 9 máy, năm sau tăng lên 15 máy, rồi 24 máy, Liên được lãnh đạo nhà máy đánh giá cao. Tháng 1-1965 khi mới tròn 19 tuổi, Phạm Thị Liên đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia Ban chấp hành chi Đoàn Thanh niên của phân xưởng, tích cực tham gia phong trào thi đua “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”. Năm 1967, chị xây dựng gia đình. Vừa cưới nhau xong thì chồng lên đường đi B theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. 8 năm chồng xa nhà, một mình chị vừa đi làm vừa nuôi con, vừa hoàn thành chương trình học bổ túc văn hoá song năm nào chị cũng đạt danh hiệu thợ giỏi, chiến sỹ thi đua của nhà máy và của ngành dệt may Việt Nam. Năm 1975, chị được bầu là đại biểu Quốc hội và giữ trọng trách này liên tiếp 3 khoá 5, 6, 7. Sau 20 năm liền trực tiếp đứng máy, đến năm 1984, sau khi đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc về, chị mới tham gia công tác quản lý ở nhà máy và hơn 10 năm là Ủy viên Uỷ ban MTTQ tỉnh và là Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh 2 khoá. Năm 1990, chị được đề bạt là Phó Giám đốc Nhà máy Dệt thuộc Cty Dệt Nam Định. Dù công việc quản lý bận rộn nhưng mỗi khi Cty có đợt thi thợ giỏi, bằng kinh nghiệm của mình, chị đều dành thời gian trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm, nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ trẻ của Cty, nhờ đó nhiều người đã đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” trong các hội thi thợ giỏi do ngành Dệt may Việt Nam tổ chức. Với những đóng góp cho ngành dệt may, năm 1985, chị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ.
Công việc thường ngày của nữ AHLĐ Phạm Thị Liên. |
Dù về hưu nhưng với tâm huyết của người đảng viên, bà Phạm Thị Liên vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Năm 2002, bà được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu là chi hội trưởng chi hội khuyến học, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ rồi Bí thư chi bộ khu dân cư Hưng Yên, phường Quang Trung (TP Nam Định). Vừa tích cực tham gia công tác ở địa phương, gia đình bà còn tập trung phát triển kinh tế hộ. Bà cho biết, gia đình có nghề làm bột sắn dây từ khi bà còn làm công nhân ở nhà máy. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình bà sản xuất khoảng 5 đến 6 tấn bột sắn dây, tạo việc làm cho 6-7 lao động. Ngoài ra, gia đình bà còn phát triển nghề sản xuất các loại thực phẩm dưỡng sinh có lợi cho sức khoẻ như gạo lứt, muối mè, dầu mè, sữa thảo mộc…, giúp nhiều người chữa được bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ.
Nữ AHLĐ với tấm lòng từ thiện
Với tấm lòng nhân hậu, từ khi còn là công nhân Nhà máy Dệt, bà đã luôn quan tâm đến những công nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bà từng đón cả gia đình một nữ công nhân nghèo về nhà cho ở nhờ hàng năm trời, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn; hoặc sẵn lòng nhường lại máy tốt, việc tốt cho người khác để nhận về mình khâu khó, việc khó. Từ sau khi về nghỉ hưu, bà có nhiều điều kiện hơn về thời gian, kinh tế để làm việc thiện giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến bất cứ đâu, gặp những cảnh đời nghèo khó là bà lại vận động quyên góp tiền gạo, quần áo để giúp đỡ. Bà nhớ lại mùa mưa bão năm 2009, miền Trung ngập lụt, bà cùng các phật tử, một số nhà chùa, cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) vận động, quyên góp được trên 5 tấn gạo, hàng trăm bộ quần áo mang vào trao tận tay bà con vùng bão lũ ở thôn Liên Trung, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Những bộ quần áo cũ quyên góp được, bà tự tay giặt giũ, đơm lại cúc, sửa lại khoá, đóng vào túi ni-lon cẩn thận. Thấy còn quá nhiều hoàn cảnh khó khăn sau bão, Tết năm đó, bà lại tự bỏ tiền mua vải may 200 bộ quần áo cho các cụ già cùng 2 tấn gạo mang vào cho người dân xã Đức Liên... Ngoài ra, bà còn đứng ra tổ chức nhiều đợt quyên góp tặng quà cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh hay các cháu là con các nạn nhân chất độc da cam, các cháu khuyết tật trong tỉnh. Tết nào những hộ nghèo ở khu phố cũng nhận được những món quà do chính tay bà làm, khi thì tấm bánh chưng, lúc thì bộ quần áo mới. Việc làm đó của người nữ bí thư chi bộ đã có sức lan toả, lôi kéo thêm nhiều người cùng tham gia. Vì vậy, việc chăm lo cho người nghèo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành nét đẹp văn hoá của các tổ chức hội, đoàn thể trong khu dân cư Hưng Yên.
Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, AHLĐ Phạm Thị Liên đã được Đảng, Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều Bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành Trung ương như Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bằng khen của Trung ương Đoàn, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ… Bà là một tấm gương tiêu biểu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của phụ nữ Thành Nam./.
Bài và ảnh: Hoài Phương