Để có được hai chữ “Rạng Đông”, “Cồn Xanh” trên bản đồ là công sức, thành quả to lớn mà các thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân đã chung sức, đồng tâm đổ mồ hôi và xương máu để biến một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ thành bờ xôi ruộng mật, màu xanh sự sống. Trong nhịp sống mới, vùng đất bồi đang trở mình và đã trở thành xóm, thành làng mang diện mạo một miền quê văn minh với những tiềm năng to lớn.
TỪ “RẠNG ĐÔNG”…
Cách đây 55 năm, công cuộc khai hoang, lấn biển: “Bắt sóng bạc phải cúi đầu. Buộc biển sâu phải lùi bước. Lấn biển, làm giàu cho Tổ quốc” được khởi công vào ngày 19-5-1958 - đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ngày có quyết định thành lập nông trường mang tên “Rạng Đông”. Thế hệ những người “mở đất” là hơn 900 người lính của đơn vị “Quyết tử quân” Tiểu đoàn 231 Thừa Thiên - Huế, Đại đội 430 Quảng Trị - sau là Trung đoàn 269. Những người lính “mình đồng da sắt” của miền Trung sau chiến thắng Điện Biên Phủ lại giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” vượt sông Đáy đến với quê biển Nghĩa Hưng bắt tay làm kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN. Với tinh thần “Thắp đuốc làm đêm”, “Thanh niên phi nước đại, phụ lão chẳng ngại khó khăn”, những người lính Trung đoàn 269 cùng lực lượng Tiểu đoàn I Nam Định và dân quân địa phương ngày đêm quai đê, lấn biển. Sau 1 năm 8 tháng, ngày 28-12-1959, từ bãi biển hoang sơ, dưới bàn tay, khối óc con người đã trở thành vùng đất giàu tiềm năng. Khi hàn khẩu, đã nối liền con đê dài 14km (nay là đê 58) từ cửa sông Ninh Cơ đến cửa sông Đáy. Mỗi tấc đất, sải đê đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của những người lính trong cuộc vật lộn “Chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng”. Đồng chí Lương Viên, chiến sỹ Trung đoàn 269 và đồng chí Mai Thị Bình, thanh niên xung kích quê Hải Hậu đã lấy thân mình chặn dòng nước xoáy và anh dũng hy sinh trong giờ khắc triệt giang, hàn khẩu con đê.
Quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ hải sản trên diện tích bãi bồi Cồn Xanh. |
Bước vào đầu năm 1960, miền Bắc phấn đấu tiến lên XHCN để làm nhiệm vụ hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, những người lính Trung đoàn 269 được lệnh “chuyển ngành” tại chỗ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông trường quốc doanh Rạng Đông. Bài học nghệ thuật quân sự “Ngụ binh ư nông” của các vị vua anh minh vương triều Trần lại được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh. Những người lính Bộ đội cụ Hồ, quần áo ngày nào còn vương mùi thuốc súng, giờ đã thơm mùi đất nông trường. Rồi khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, một lần nữa, các anh lại cầm súng, anh dũng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả lao động của chính mình trên mảnh đất vừa khai phá. Chắc tay súng, vững tay cày, các sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay lao động của các anh và nhân dân địa phương ngày càng đạt năng suất cao, đóng góp cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có hơn 500 nông trường viên tái ngũ; và có 150 người đã anh dũng hy sinh trên chính mảnh đất nông trường, có 24 chiến sỹ đã ngã xuống do máy bay Mỹ sát hại.
Nông trường Rạng Đông: Vùng chuyển đổi 330ha sang nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả kinh tế cao. |
ĐẾN SỨC XUÂN VÙNG BÃI BỒI...!
Theo các nhà chuyên môn, mỗi năm huyện Nghĩa Hưng tiến biển khoảng 100m; trung bình cứ 20 năm lại 1 lần quai đê, lấn biển từ 1,5km đến 2km và có thêm từ 300ha đến 500ha đất bồi mầu mỡ, phì nhiêu. Năm 2002, nhận thấy tiềm năng và ý nghĩa chiến lược của khu vực bãi bồi Cồn Xanh, Bộ Quốc phòng đã giao Quân khu 3 và Bộ CHQS tỉnh Nam Định thực hiện việc đắp đê lấn biển. Năm 2007, sau 5 năm triển khai, dự án hoàn thành, vùng bãi bồi Cồn Xanh giờ đây chuyển mình từ vùng đầm lầy ven biển trở thành vùng kinh tế nhiều triển vọng của huyện Nghĩa Hưng. Có thể nói, công trình quai đê lấn biển Cồn Xanh là lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh ta. Trong suốt thời gian thực hiện dự án, cán bộ, chiến sỹ đã lao động với tinh thần trách nhiệm cao nhất để giao đất cho nhân dân đúng hạn. Nếu như nông trường Rạng Đông gắn liền với chiến công của những người lính Bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì công trình quai đê lấn biển Cồn Xanh đã thể hiện được ý chí quyết tâm, sáng tạo của bộ đội thời bình.
Một mô hình chăn nuôi. |
Dự án Cồn Xanh nhằm khai thác tiềm năng bãi bồi, phát triển kinh tế biển, kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh vùng biển của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam”. Năm 2008, con đê đã hoàn thành và được bàn giao lại cho huyện Nghĩa Hưng, tạo ra một vùng đất lấn biển rộng 820ha. Trong vùng đất mới này, bộ đội đã góp sức cải tạo 700ha đất nuôi trồng thủy sản cùng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng. Theo tính toán, sản lượng nuôi trồng thủy sản của vùng đất mới này khi ổn định sẽ đạt khoảng 910 tấn/năm, tạo việc làm cho 1.155 lao động. Tại vùng nuôi thủy sản Cồn Xanh, ngoài diện tích cho các công trình phụ trợ, công trình giao thông, thủy lợi, trên 400ha nuôi đã được giao cho 292 hộ với 292 lô đầm từ tháng 5-2011. Là vùng đất bồi, nơi trũng, nơi cao, chất đất không đồng nhất, môi trường, thổ nhưỡng chưa được thuần hóa nên khi giao khu vực quy hoạch cho các hộ nuôi, Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ nuôi quy trình cải tạo ao, đầm; quy trình thau chua, rửa mặn; quy cách thiết kế ao nuôi, ao lắng. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình nuôi cá bống bớp với mật độ thả thưa tại vùng nuôi mới Cồn Xanh cho thu nhập gần trăm triệu đồng/ha. Trong thời gian qua, để khai thác tiềm năng bãi bồi Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng đã tiến hành quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đã triển khai xây dựng hệ thống thuỷ lợi nam Nghĩa Hưng để chủ động nguồn nước tưới, tiêu phục vụ cho nuôi thuỷ hải sản. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh khai thác thuỷ hải sản cả trong lộng, ngoài khơi… Với những giải pháp đồng bộ và tích cực trên, tốc độ tăng trưởng toàn ngành thủy sản những năm gần đây của huyện Nghĩa Hưng đạt 15-17%/năm, giá trị sản phẩm đạt gần 250 tỷ đồng, chiếm 15% GDP của huyện.
Hệ thống giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng trị giá gần 3 tỷ đồng. |
Đối với Rạng Đông, nằm trải dài theo bãi bồi của xã Nghĩa Thắng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng đang trở thành “điểm đến” du lịch với nhiều tiềm năng to lớn. Nơi đây là bến đỗ của hàng trăm loài chim quý di cư, chim nước; những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi ven biển và cửa sông rộng hàng trăm ha với nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, hàu… Từ năm 2005, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Rạng Đông với tổng diện tích gần 200ha, trong đó gần 23% diện tích để xây dựng nhà nghỉ, gần 18% là khu cây xanh mặt nước, trên 20% đất để xây dựng đường giao thông, ngoài ra còn có mương, hành lang bảo vệ đê, đất xây biệt thự sinh thái… Đến tháng 8-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng” với tổng số vốn đầu tư gần 314 tỷ đồng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước thải hiện đại, hệ thống chiếu sáng với 2 trạm biến áp. Dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành cơ sở hạ tầng để các nhà đầu tư vào xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, kinh doanh ăn uống hải sản. Theo thiết kế, nơi đây sẽ có bãi tắm biển đẹp, khu nhà nghỉ dưỡng, khu biệt thự sinh thái hiện đại.
Sức xuân trên đường xuân, trong tương lai, hứa hẹn Cồn Xanh trở thành vùng kinh tế biển phát triển mạnh mẽ và Khu du lịch Rạng Đông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Nghĩa Hưng và của tỉnh phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế./.
Bài và ảnh: Việt Thắng