Phát huy thắng lợi bước đầu, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội 1992-1996

09:02, 19/02/2013

Công tác xuất khẩu có đà phát triển mới, giá trị hàng xuất khẩu tăng từ 5,5 triệu USD năm 1991 lên 15 triệu USD năm 1995, đến năm 1996 đạt tới 37,3 triệu USD. Lĩnh vực quản lý tài chính, ngân hàng từng bước được đổi mới góp phần vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường. Mặc dù nguồn thu hạn chế, yêu cầu chi tăng nhưng ngành cố gắng khai thác các nguồn thu đảm bảo yêu cầu chi thiết yếu, đồng thời chú trọng xây dựng ngân sách xã. Đến năm 1995 có 45 xã thành lập quỹ tín dụng nhân dân, với tổng số cổ phần 2,5 tỷ đồng và có doanh số cho vay 20 tỷ đồng. Quỹ tín dụng nhân dân góp phần tích cực để phát triển kinh tế gia đình, thực hiện xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

Thương nghiệp quốc doanh từng bước được tổ chức sắp xếp lại, vẫn giữ vai trò chi phối thị trường với các mặt hàng thiết yếu và vật tư chiến lược phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Các hình thức thương nghiệp tư nhân phát triển mạnh cùng với thương nghiệp quốc doanh, tạo sự lưu thông hàng hoá thông suốt, phong phú, góp phần giữ cho giá cả tương đối ổn định.

Nền kinh tế nhiều thành phần hình thành và phát triển ở Hà Nam. Kinh tế quốc doanh qua sắp xếp từ trên 300 đơn vị còn lại 174 doanh nghiệp nhà nước có được trang bị thêm thiết bị công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã thích ứng với cơ chế mới, làm ăn có lãi nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, đời sống cán bộ, công nhân rất khó khăn.

Về thành phần kinh tế tập thể, các HTX ở nhiều ngành kinh tế được tổ chức lại sản xuất trên cơ sở tự nguyện, cùng góp vốn, tài sản và đổi mới công tác quản lý đạt hiệu quả thiết thực. Các HTX nông nghiệp thực hiện đổi mới công tác quản lý theo quyết định 115 của UBND tỉnh với 5 nội dung đổi mới hoạt động của HTX, đồng thời sớm giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định, lâu dài, xác lập quyền tự chủ sản xuất cho hộ nông dân.

Kinh tế cá thể phát triển trên khắp các địa bàn. Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển làng nghề mới. 114 doanh nghiệp tư nhân và Công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập. Kinh tế tư nhân, cá thể hoạt động năng động, tạo việc làm, tăng sản phẩm và tăng tỷ trọng GDP từ 25,5% năm 1991 lên 33% năm 1995.

Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển làng nghề mới
Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển làng nghề mới

Trên cơ sở nền kinh tế địa phương có mức tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân ổn định và nhiều mặt được cải thiện. Số hộ có mức sống khá trở lên chiếm 33,1%. Số hộ nghèo giảm, năm 1996 còn 12,57%. Phong trào xoá đói giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế gia đình, giải quyết việc làm được các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội thực sự quan tâm. Nhờ đó đời sống của nhân dân từng bứơc được cải thiện. Đến năm 1996, 100% số xã trong tỉnh đã có đường ôtô đến trung tâm xã, 84,17% số hộ nông đân đã có nhà xây mái ngói, mái bằng, 100% số xã và 97,54% số hộ nông thôn đã có điện thắp sáng sinh hoạt. Gần 48% số hộ có ti vi. Mạng lưới điện thoại đã mở rộng tới các xã và 1,5% số hộ gia đình có điện thoại.

Các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện tốt. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện được các tầng lớp nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Trong số 1.160 bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh, tất cả các mẹ còn sống đều được các cơ quan, xí nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội nhận chăm sóc, phụng dưỡng. 9.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa đã được trao cho những người, gia đình có công. Tỉnh cũng xây dựng được 1.350 ngôi nhà tình nghĩa. Những người cô đơn, trẻ em tật nguyền được quan tâm giúp đỡ

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, giữ vững và phát huy được truyền thống hiếu học, dạy tốt, học tốt. Năm 1994-1995 ngành giáo dục - đào tạo của tỉnh là đơn vị duy nhất dẫn đầu toàn quốc về các chỉ tiêu thi đua, lá cờ đầu toàn ngành và nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu ngành giáo dục toàn quốc. Số người đi học bình quân mỗi năm tăng 4,6%. Toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, có 116/225 xã, phường, thị trấn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường và công tác xã hội hoá giáo dục được cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm đồng tình thực hiện.

Tỉnh đã triển khai đồng bộ các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và thực hiện tốt tiêm chủng 6 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em, tiến tới thanh toán các bệnh phong, lao, mắt hột. Ngành y tế cũng đã sản xuất, cung ứng một số lượng lớn thuốc phòng chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.

Các hoạt động văn hoá, thể thao, văn học nghệ thuật, báo chí, phát thanh truyền hình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát cuộc sống và động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng.

Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ Đảng, chính quyền chú trọng, thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho các cấp các ngành và toàn dân, nhờ đó huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, của hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, tỉnh cũng luôn chú ý củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của dân quân tự vệ, dự bị động viên và chủ động đối phó với mọi tình huống, đồng thời kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, quốc phòng với an ninh và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Với ý thức giữ vững chủ quyền, an ninh, biên giới vùng biển và trật tự xã hội ở khu vực vùng biển, tỉnh ta đã tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với vùng biển. Thông qua hoạt động "Ngày biên phòng toàn dân" hàng năm và phong trào "Toàn dân chăm lo bảo vệ biên giới", phong trào kết hợp giữa các đoàn thể và bộ đội biên phòng được triển khai, thu được kết quả tốt qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc biên giới vùng biển của Tổ quốc, đồng thời lực lượng bộ đội biên phòng cũng được xây dựng vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về "Chống diễn biến hoà bình", công tác giáo  dục, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh. Các mô hình tự quản được xây dựng như phong trào tự quản trong các cơ quan, xí nghiệp "thôn xóm bình yên gia đình hoà thuận ở nông thôn",   "xứ, họ đạo và gia đình giáo dân tiên tiến"... nên tinh hình an ninh chính trị vẫn được giữ vững,  trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tiến bộ góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với tinh thần kiên trì, tự lực phấn đấu, quyết tâm đưa đường lối của Đảng chính sách của nhà nước vào cuộc sống, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã tạo được bước chuyển biến quan trọng về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện bước đầu. Cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nông thôn Nam Định đang khởi sắc ... Những thành tựu đạt được trong 4 năm (1992-1996) đã tạo ra thế và lực để quân dân toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com