Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 7 năm 2012 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được trao cho 300 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) nông thôn trong cả nước có thành tích đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tỉnh ta có 3 ĐVTN được nhận giải. Họ là những ĐVTN dám nghĩ, dám làm và quyết tâm vượt khó để trở thành những triệu phú nhà nông.
Anh Phạm Hải Chiều, xã Xuân Tân (Xuân Trường) nhận giải thưởng Lương Định Của do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trao. Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Ngồi giữa khu nhà xưởng “mênh mông” của anh Phạm Hải Chiều, xã Xuân Tân (Xuân Trường) nghe anh kể từ những ngày phiêu dạt khắp nơi để làm thuê mới thấy, chỉ có khao khát thoát nghèo thôi chưa đủ, còn cần một cái đầu biết tính toán và một quyết tâm dám dấn thân. Năm 2007, được Quỹ tín dụng nhân dân xã Xuân Tân cho vay 30 triệu đồng, anh Chiều bắt tay vào xây dựng xưởng mộc. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh cho biết: “Nói là “xưởng” cho oách chứ ban đầu tôi chỉ đủ tiền để mua bạt căng lên che nắng để có chỗ làm. Còn ngày mưa, muốn tiếp tục làm phải chuyển tất cả vào trong nhà. Người làm trong xưởng hồi đó cũng chỉ có vợ chồng tôi, em gái và một người chú họ. Làm một thời gian, tạo được uy tín thì có 2, 3 người nữa đến xin học…”. Không phụ công người chịu khó, đến nay xưởng mộc của anh Chiều đã có quy mô bề thế với đủ các thiết bị máy móc và cả ô tô để chuyên chở hàng hóa, thường xuyên tạo việc làm cho 25 lao động với mức thu nhập từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Với những mối làm ăn quen tại nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình…, thời gian tới, anh Chiều sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương vì đơn đặt hàng ngày càng nhiều…
Anh Đinh Duy Hiền, xã Hải Nam (Hải Hậu) sinh năm 1987. Xuất thân từ nghề bắt rắn, năm 2007, anh đã đề xuất với UBND xã Hải Nam thuê trên 7 mẫu khu vực giáp đê sông Sò để đầu tư đào ao, xây dựng trang trại nuôi cá vược, cá trắm cỏ, vịt… Đến nay anh Hiền chuyển sang nuôi rắn thương phẩm. Để mở được một trang trại rắn, theo anh Hiền cần hội tụ các yếu tố “vốn và kinh nghiệm". Cả hai cái này, những ngày đầu anh Hiền đều “yếu”. Nuôi rắn đòi hỏi khá nhiều vốn. Thức ăn của rắn nuôi chủ yếu là cóc, nhái nhưng để cung cấp đủ lượng thức ăn cho 100 con rắn nuôi hiện tại trong trang trại rắn có lúc anh Hiền phải đi vay nợ cho rắn ăn”. Năm 2011, do non kinh nghiệm, nên một phần ba số rắn nuôi trong trang trại bị chết, anh lại cố gắng đầu tư và tìm đến các trang trại khác trong huyện học thêm kinh nghiệm. Hiện nay trang trại của anh Hiền đã có 100 con rắn thịt cung ứng cho thị trường...
Trở về quê ở xã Nam Hoa (Nam Trực) sau 4 năm trong quân ngũ, anh Lê Văn Việt có mong muốn cháy bỏng, phải vực dậy kinh tế gia đình từ đồng đất quê hương. Vay anh em, bạn bè, người thân được 60 triệu đồng, anh mở trang trại VAC nuôi lợn nái, ba ba thương phẩm kết hợp với trồng cây cảnh. Trên diện tích 7 sào đất vườn, đất nhà, anh đầu tư xây dựng ao nuôi ba ba, khu chuồng trại và trồng cây cảnh. Có được thành quả ngày hôm nay anh đã phải trải qua bao lần thất bại… và đến năm 2011 trang trại VAC của anh đã xuất chuồng 20 con lợn, 600kg ba ba cho tổng doanh thu 260 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Vượt khó làm giàu trên chính đồng đất quê hương đang là mục tiêu của nhiều thanh niên nông thôn trong tỉnh. Với sự nhanh nhạy, sáng tạo dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ và với sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều gương mặt ĐVTN tiêu biểu, biết vượt qua khó khăn để trở thành những triệu phú trẻ trên con đường xây dựng kinh tế, làm giàu cho bản thân và cho xã hội./.
Nguyễn Hoa Xuân