Cuộc đấu tranh chống cưỡng ép di cư, hoàn thành cải cách ruộng đất và phục hồi kinh tế (1954 - 1957)

01:01, 08/01/2013

Sau ngày 1-7-1954, quân Pháp rút chạy, nhưng để lại khá đông số nguỵ quân, nguỵ quyền, bảo an dân vệ và các tổ chức đảng phái phản động với một số lượng lớn vũ khí quân dụng mà chính quyền cách mạng chưa thể kiểm soát được. Tuy quan thầy chúng đã bị đánh bại, song đây cũng là một mối đe doạ cho an ninh chính trị ở thành phố.

Những tháng cuối năm 1954, đầu năm 1955, bọn phản động tăng cường hoạt động con thoi từ Hà Nội - Nam Định - Hải Phòng và ngược lại. Chúng in giấy thông hành giả, bí mật tung từ Hải Phòng về, cấp cho những người di cư, dẫn đường và tổ chức các vụ gây rối, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Một mặt chúng tung ra các tin đồn, lừa bịp giáo dân lương thiện, như: "Chúa đã vào Nam, ở lại miền Bắc sẽ không có đạo." và: "Nga-Mỹ sắp đánh nhau, Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống miền Bắc." Mặt khác chúng tổ chức nhiều vụ gây rối, chống phá chính quyền ở vùng đông giáo dân, nhất là ở xứ đạo Bùi Chu.

Để ổn định giá cả, phục vụ đời sống nhân dân, chính quyền cách mạng ở Nam Định đã thực hiện các biện pháp kinh tế tích cực như bãi bỏ các loại thuế, căn cước, đảm phụ quốc phòng, an ninh... do chế độ cũ đặt ra. Các chợ, cửa hàng cửa hiệu hoạt động trở lại. Cán bộ và nhân dân được học tập chính sách nông nghiệp. Phong trào toàn dân đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, khai hoang phục hoá, đẩy mạnh sản xuất được phát động. Lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tích cực rà phá bom mìn, gỡ rào thép gai, thu dọn sắt thép xung quanh các đồn bốt, vùng vành đai trắng, tạo điều kiện cho nhân dân khai phá đất hoang, đảm bảo sản xuất an toàn. Được Nhà nước cho vay vốn mua sắm nông cụ, trâu bò, nhân dân trong tỉnh đã tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về lao động, giống vốn, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Đến tháng 9-1954, 90% tổng số ruộng hoang hoá đã được khôi phục lại. Hàng vạn ngày công lao động đã được huy động đào đắp hàng triệu mét khối đất củng cố đê, kè, cầu cống, làm thuỷ lợi cấp nước chống hạn làm vụ mùa. Các biện pháp trừ sâu, diệt chuột, chăm bón lúa và hoa màu được các địa phương tích cực thực hiện.

Tại thành phố Nam Định, ngày 3-7-1954, Uỷ ban quân quản được thành lập, đã công bố 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với vùng mới giải phóng, kêu gọi nguỵ quân, nguỵ quyền và công chức cũ ra trình diện. Gần một trăm cán bộ dân chính, Đảng, cán bộ các ngành của Liên khu III và của Nam Định được cử tham gia tiếp quản thành phố. Uỷ ban quân chính thành phố đã kịp thời chỉ đạo kiện toàn các uỷ ban khu phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng thời vận động nhân dân làm vệ sinh, quét dọn đường phố, sửa sang các nhà vệ sinh công cộng, khôi phục hệ thống điện, nước và mở thêm chợ phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Lễ cắm thẻ nhận ruộng (ảnh minh họa).
Lễ cắm thẻ nhận ruộng (ảnh minh họa).

Ở nhà máy sợi, nhận rõ âm mưu phá hoại của quân Pháp khi rút chạy, ngay từ những ngày đầu địch rút quân, chi bộ nhà máy đã kịp thời lãnh đạo công nhân đấu tranh với chủ và lập ra ban bảo vệ nhà máy, tổ chức canh gác giữ gìn thiết bị máy móc và tài sản của nhà máy; thu dọn, che chắn lau chùi bảo quản máy móc cho đến khi Chính phủ có quyết định phục hồi nhà máy.         

Nhờ tinh thần chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và tinh thần hăng hái của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, không khí lao động sản xuất ở các địa phương được đẩy mạnh, đời sống của nhân dân từ thành thị đến nông thôn sớm được ổn định.

Ngày 22-3-1955, tổ giám sát quốc tế thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ đến Nam Định. Ở đâu, tổ giám sát quốc tế cũng được chứng kiến sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thiện chí của các cấp chính quyền cách mạng, việc tự do đi lại, hành lễ của giáo dân ở các nhà thờ (kể cả nhà thờ họ lẻ); được nghe 400 giáo dân Ninh Cường tố cáo âm mưu của bọn phản động dụ dỗ cưỡng ép họ di cư. Do chỉ đạo chặt chẽ, ta đã phối hợp với tổ giám sát quốc tế tổ chức, giúp đỡ giải quyết nhanh gọn cho hàng trăm người ở trọng điểm Bùi Chu và Sa Châu xin ra đi không để địch kiếm cớ, vu cáo.

Nhờ những biện pháp kiên quyết, kịp thời, cuộc đấu tranh chống dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam đã đạt được kết quả khá tốt: các trại tập trung đồng bào di cư lập ra trái phép ở thành phố Nam Định, Hải Hậu, Giao Thuỷ đã bị giải tán. Từ tháng 8-1854 đến tháng 5-1955, ta đã tuyên truyền, vận động hàng trăm gia đình và hơn 3000 người tự nguyện rút đơn, trả lại giấy thông hành, yên tâm ở lại quê hương. Tháng 6-1955, trong 15 ngày đã có 936 giáo dân đến gặp chính quyền tố cáo những kẻ chủ mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư. Đặc biệt từ ngày 5 đến ngày 9-7-1954, đồng bào đã phát hiện và giúp chính quyền đập tan âm mưu của bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo tập trung giáo dân ở 14 xứ về Xuân Minh (Xuân Trường) để tuyên truyền, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, kích động gây rối trật tự trị an và cưỡng bức đồng bào di cư. Đến sau ngày 20-7-1955, mặc dù lẻ tẻ vẫn còn một số gia đình xin đi, nhưng về cơ bản tình hình đã được ổn định.

Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư, nhiều nơi còn bị động, lúng túng, chủ quan thiếu cảnh giác, chậm phát hiện âm mưu của địch. Có nơi bị chi phối, hoang mang trước hành động trắng trợn của địch nên nhận định tình hình có lúc thiếu chính xác chưa chủ động đối phó trấn áp bọn phản động đầu sỏ, để chúng lợi dụng sơ hở của ta ngày càng hoạt động ráo riết, lừa bịp, cưỡng bức đồng bào di cư.

Song song với việc tiếp quản vùng mới giải phóng, chống địch cưỡng ép đồng bào di cư, Đảng bộ Nam Định đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ lớn là cải cách ruộng đất và phục hồi, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nam Định mới thực hiện một phần giảm tô và cải cách ruộng đất ở một số xã thuộc vùng tự do, nay tiếp tục tiến hành vừa phát động quần chúng đòi giảm tô, thực hiện giảm tức, vừa mở rộng cải cách ruộng đất vào đợt bốn và đợt năm. Hàng vạn cán bộ được các cấp uỷ huy động vào cuộc vận động này. Cuối năm 1955 Uỷ ban cải cách Trung ương đã cử bốn đội cải cách ruộng đất về Nam Định để làm thí điểm ở Hải Phúc, Hải Lộc (Hải Hậu). Đầu năm 1956, cuộc vận động cải cách ruộng đất ở Nam Định được tiến hành trên quy mô toàn tỉnh. Các cán bộ được cử xuống thực hiện "bắt rễ", "xâu chuỗi", "thăm nghèo, hỏi khổ", thực hiện "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và vận động họ tham gia vào công cuộc cải cách ruộng đất. Đến cuối năm 1956 cải cách ruộng đất đã được tiến hành ở 249 xã, tịch thu, trưng thu được 22.789 mẫu ruộng của địa chủ và nhà chung chia cho nông dân nghèo. Về cơ bản cải cách ruộng đất đã giành thắng lợi có tính chiến lược, góp phần quan trọng mang lại cuộc sống ấm no cho hàng vạn nông dân nghèo. Giai cấp địa chủ, phong kiến ở địa phương, một số đối tượng chủ yếu của cách mạng dân tộc, dân chủ đã bị xoá bỏ. Quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ phong kiến bị thủ tiêu. Nông dân hết sức phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và là người thực sự làm chủ nông thôn cả về kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội. Đó là cơ sở tạo ra nền tảng mới, mở ra một triển vọng mới cho việc xây dựng chế độ xã hội mới ở miền Bắc.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com