Những năm tháng chiến tranh ác liệt đã qua đi nhưng Đại tá, CCB Nguyễn Quang Hạnh, xóm 25, xã Hải Đường (Hải Hậu) vẫn còn nhớ như in một thời “vào sinh, ra tử” trên những cung đường Trường Sơn khói lửa để đưa những chuyến xe hàng ra tiền tuyến an toàn.
Đại tá, CCB Nguyễn Quang Hạnh (ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm những năm tháng phục vụ chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn. |
Tháng 5-1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Hạnh hăng hái lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 312. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, ông Hạnh được đơn vị cử đi học lái xe. Đến năm 1966, ông được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội lái xe công binh, phụ trách 20 xe, sẵn sàng chờ lệnh lên đường vào mặt trận Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Tháng 7-1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, ông được biên chế về Đoàn 559 Trường Sơn và nhận lệnh lên đường vào Binh trạm 35, Tây Trường Sơn (khu vực Hạ Lào, ngã ba Đông Dương). Nhiệm vụ của đơn vị ông lúc bấy giờ là tiếp nhận vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang, quân dụng trên tuyến đường Tây Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Nắm được tầm quan trọng của tuyền đường Trường Sơn trong chiến lược của ta, quân địch ngày đêm ném bom rải thảm, bắn phá ác liệt trên khắp các cung đường, trên bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay địch quần thảo, gầm rú dội bom nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc với miền Nam. Thời tiết, khí hậu ở Trường Sơn lại vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa thì đường trơn trượt, mùa khô thì bụi mù, nhiều tuyến đường độc đạo đi qua vách núi. Đơn vị ông thường phải đi vào ban đêm để tránh sự phát hiện của máy bay địch, ban ngày thì phải ngụy trang và đi vào đường kín, đi trong rừng. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của núi rừng đại ngàn, đường sá toàn đèo cao, dốc thẳm, bom đạn quân thù ngày đêm giày xéo, những người lính lái xe chỉ sơ sẩy một chút là có thể gặp nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho người, cho hàng, cho xe, ông đã mưu trí vừa “vững tay lái” vừa chỉ huy anh em trong đại đội dùng nhiều cách “nghi binh” qua mắt quân địch, khi thì dùng mìn chống tăng, mìn vướng nổ gây nổ quét một đoạn đường “gây nhiễu” ra-đa tránh tầm kiểm soát của địch, khi thì sử dụng bộc phá gây bụi mù đánh lạc hướng của địch và chỉ huy đoàn xe đi vòng đường khác. Trên những cung đường Trường Sơn máu lửa, trong suốt 6 năm (từ 1967-1973), đã không biết bao nhiêu lần ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết nhưng ông đã dũng cảm vượt qua làn “mưa bom, bão đạn” của quân thù để vận chuyển hàng trăm chuyến hàng ra tiền tuyến an toàn. Với trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm của nhiều năm lái xe trên những cung đường Trường Sơn ác liệt, đến tháng 1-1973: ông được điều chuyển về Trung đoàn 17 (Binh đoàn 12) với cương vị là tiểu đoàn phó có nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật cho gần 500 xe phục vụ chiến đấu. Năm 1974, ông là một trong số những cán bộ kỹ thuật được chọn để bổ sung vào lực lượng “dự phòng” (đóng quân ở Quảng Bình) chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 với vai trò tham mưu phó của Trung đoàn, quản lý, phụ trách đảm bảo kỹ thuật cho gần 600 xe vận tải. Ý thức được nhiệm vụ của mình trong nhiệm vụ chung của các đơn vị chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược, ông luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao, đảm bảo tốt kỹ thuật cho các phương tiện vận tải hàng hóa, quân lương chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với những thành tích đạt được trong công tác phục vụ chiến đấu, tháng 12-1973 ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là niềm vinh dự và cũng là động lực để ông tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước trọn niềm vui thống nhất, ông tiếp tục gắn bó với Binh đoàn 12, đơn vị ông vừa tham gia xây dựng kinh tế vừa sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc dựng xây đất nước. Tham gia công tác, đến năm 1996 ông nghỉ hưu.
Trở về với cuộc sống đời thường, Đại tá, CCB Nguyễn Quang Hạnh luôn gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, giáo dục cháu con trở thành những người có ích cho xã hội và ông có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào ở địa phương. Đặc biệt thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hải Đường quê ông được chọn là 1 trong 11 xã điểm của toàn quốc xây dựng nông thôn mới. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, ông đã tích cực tham gia vận động bà con quê hương sinh sống và làm việc ở các địa phương tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn; vận động bà con trong thôn, xóm đóng góp vật chất, hiến đất mở rộng đường dong, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Anh hùng trong chiến đấu, dung dị giữa đời thường, người cựu binh Trường Sơn Nguyễn Quang Hạnh vẫn âm thầm, lặng lẽ đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm những việc có ích cho quê hương, vẫn sáng mãi tinh thần người lính Trường Sơn một thời xông pha đạn lửa./.
Bài và ảnh: Thu Thuỷ