Tại hội nghị gặp mặt biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác do Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức năm 2012, nhiều người cảm phục lòng say mê sáng tạo của đảng viên Nguyễn Anh Cương, chi bộ lưới gai, Đảng bộ Cty CP Dây lưới thép Nam Định. Trong 5 năm qua, anh đã có hơn 20 sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, làm lợi cho Cty hàng trăm triệu đồng.
Đảng viên Nguyễn Anh Cương đang nghiên cứu giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng cho Cty. |
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh về công tác tại Cty Điện tử điện lạnh Nam Định rồi chuyển về phụ trách mảng kỹ thuật điện, máy móc của Cty CP Dây lưới thép Nam Định. Đây cũng là thời điểm Cty vừa trải qua giai đoạn khó khăn, sản xuất bị đình trệ, các khâu trong quy trình sản xuất đều thủ công, lạc hậu, tốn nhiều công sức người lao động. Là cán bộ kỹ thuật nên anh luôn trăn trở, tìm cách cải tiến thiết bị sản xuất theo hướng tự động hoá. Anh tranh thủ tự nghiên cứu, tự thí nghiệm, mua những đồ điện cũ, hỏng về, tháo ra lấy nguyên liệu, tranh thủ trưa, tối, mày mò nghiên cứu, bắt đầu từ những cái nhỏ nhất. Khi thấy đã khả thi anh mới báo cáo với lãnh đạo Cty cho thử nghiệm. Ban giám đốc Cty đều là những người có chuyên môn kỹ thuật nên rất ủng hộ và tạo điều kiện về thời gian, máy móc, thiết bị để anh em sáng tạo sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… Vì vậy sau 5 năm về Cty, anh đã cho ra đời trên 20 sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn nhỏ, trong đó có nhiều sáng kiến rất đơn giản, bắt nguồn từ sự quan sát tinh tế khi anh đến các phân xưởng sản xuất. Khi thấy một công nhân nấu chất bôi trơn thủ công trên bếp điện, anh đã tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có chế ra máy nấu hoá chất bán tự động, chỉ cần đổ nguyên liệu vào là máy tự nấu. Tiêu biểu trong các sáng kiến của anh Cương là sáng kiến “Cải tạo nâng cấp chất lượng cho dây chuyền mạ kẽm”. Trước đây dây chuyền mạ khi vận hành còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, năng suất lao động không cao, không tự dừng khi gặp sự cố gây hỏng hóc thiết bị, động cơ... Trong quá trình sấy, sử dụng nguồn năng lượng từ than tổ ong, khi dùng than nhược điểm là sấy không đều ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm dây mạ kẽm, gây ố mốc, bong tróc lớp kẽm trên bề mặt và chỉ tận dụng được khoảng 30% năng lượng cho sấy dây, 70% năng lượng còn lại gây nóng ra môi trường. Đặc biệt khi dùng than còn thải ra môi trường lượng chất thải rắn lớn, lượng khí thải độc hại do quá trình đốt than gây ra và bụi bẩn khác, ảnh hưởng đến môi trường lao động... Anh Cương đã dày công mày mò, nghiên cứu ra hệ thống tự động dừng dây chuyền khi có sự cố. Hay việc thay hệ thống bếp sấy dây bằng than tổ ong sang hệ thống sấy tự động dùng năng lượng điện gây ra nhiệt nội sinh. Hệ thống này làm việc tự động hoàn toàn, khi dây chuyền hoạt động thì hệ thống tự động sấy, khi dây chuyền dừng hệ thống sấy tự động ngắt. Sau khi dây mạ qua hệ thống sấy này sẽ đạt mức khô cần thiết và sáng bóng, khắc phục những nhược điểm khi dùng hệ thống sấy bằng than. Năng lượng sấy được tận dụng triệt để, tổn hao ít đã góp phần tiết kiệm cho Cty mỗi năm 300 triệu đồng tiền nguyên liệu chất đốt, đồng thời tiết kiệm được thời gian, sức lực, đảm bảo sức khoẻ cho công nhân. Năm 2011, Đề tài “Cải tạo nâng cao chất lượng cho dây chuyền mạ kẽm” của anh Cương đã được Sở KH và CN cấp Bằng sáng tạo và được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận.
Với niềm say mê sáng tạo, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đảng viên Nguyễn Anh Cương đã góp phần hiện đại hoá các công đoạn sản xuất của Cty, nâng cao năng suất lao động trung bình của công nhân lên 30% mỗi năm. Sau 5 năm về Cty, anh Cương đã được tín nhiệm đề bạt là Chủ tịch công đoàn, Phó Bí thư chi bộ, Phó quản đốc phân xưởng lưới gai. Dù ở vị trí công tác nào, anh cũng luôn phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, người cán bộ công đoàn./.
Bài và ảnh: Hoài Phương