Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) miền Bắc nước ta bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt, đồng thời tăng cường củng cố quốc phòng, giữ gìn trật tự an ninh bảo vệ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bên cạnh những thuận lợi, Nam Định cũng còn không ít khó khăn. Quan hệ sản xuất đã được thay đổi nhưng mới chỉ là bước đầu, năng suất lao động nói chung còn thấp. Tốc độ phát triển sản xuất, cải tạo kỹ thuật trong các ngành nghề còn rất chậm. Công thương nghiệp bước đầu phát triển, nhưng thị trường nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp.
Tình hình mới đòi hỏi công tác lãnh đạo phải được cải tiến, nhưng trình độ cán bộ ở tất cả các cấp nói chung chưa tiến kịp, còn yếu kém nhiều mặt. Tư tưởng bảo thủ, tự tư, tự lợi còn nặng, tập quán làm ăn riêng lẻ chưa được khắc phục. Trước tình hình hợp tác xã gặp khó khăn khiến cho nhiều mặt tiêu cực bộc lộ, một số nơi có tình trạng xã viên xin ra hợp tác xã. Cùng với những khó khăn đó, bọn gián điệp biệt kích của Mỹ-Diệm và các phần tử phản động đã tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương đã làm cho tình hình thêm phức tạp.
Một phần nhà máy Dệt Nam Định trước năm 1965. |
Do Đảng bộ và chính quyền các cấp lãnh đạo chặt chẽ việc củng cố và mở rộng cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn mà từ đầu năm 1963 hiện tượng xã viên xin ra hợp tác xã giảm dần. Những tiêu cực phát sinh từ trình độ quản lý non kém và vi phạm quyền làm chủ của nhân dân cũng dần dần được khắc phục. 89,6% số hộ nông dân đã vào hợp tác xã nông nghiệp; 74,4% số hợp tác xã chuyển từ bậc thấp lên bậc cao. Các hợp tác xã đã xây dựng được kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng vụ, từng năm, tạo được khí thế mới trong sản xuất nông nghiệp.
Cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng một bước. Trong 2 năm 1964 - 1965, thuỷ lợi được coi là biện pháp kỹ thuật hàng đầu trong nông nghiệp. 99% số hợp tác xã có đội thuỷ lợi chuyên môn, xây dựng được nhiều công trình thuỷ lợi lớn và nhỏ, trong đó có hai trạm bơm loại lớn, 44 trạm loại nhỏ. Nhân dân đã giành 50 triệu ngày công đào đắp 66 triệu mét khối đất, đúc 28.860m3 bê tông, phục vụ công tác thuỷ lợi. Phong trào thi đua làm phân bón, cải tiến nông cụ, chọn giống mới được phát động sôi nổi ở nhiều nơi. Năng suất lúa từ 3,5 tấn thóc/ha (năm 1960) lên 3,9 tấn thóc/ha năm 1965. Số hợp tác xã đạt 5 tấn thóc/ ha ngày càng nhiều. Đời sống của xã viên được cải thiện dần.
Song song với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, cuộc vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, gọi tắt là cuộc vận động "ba xây, ba chống" cũng thu được những thắng lợi khả quan.
Sản xuất phát triển với giá trị tổng sản lượng hàng năm tăng 6%. Những lĩnh vực công nghiệp được chú trọng phát triển ở Nam Định trong thời kỳ này là điện lực, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, dược liệu và đặc biệt là ngành cơ khí... Quy mô của nhiều xí nghiệp được mở rộng, đội ngũ công nhân ngày càng đông đảo, cơ sở vật chất của các ngành được tăng cường, công nghiệp phục vụ nông nghiệp ngày càng tốt hơn.
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang thực hiện có kết quả thì bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Tuy chỉ thực hiện được 4 năm, nhưng với những thành tựu đạt được, Nam Định đã bước đầu khắc phục được tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, cải thiện một bước đời sống của nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Nhưng ý nghĩa lớn hơn là qua thực tiễn, trình độ công tác, năng lực lãnh đạo của cấp, các ngành, của cán bộ trong tỉnh ngày càng trưởng thành thêm và nhất là thời kỳ này đã để lại cho Nam Định những bài học quý báu trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ở miền Bắc nói chung cũng như ở Nam Định nói riêng đã bộc lộ những khuyết điểm do tư tưởng giáo điều, chủ quan nóng vội gây ra. Một số ngành nghề, nhất là các nghề thủ công truyền thống do không được quan tâm đúng mức nên bị mai một. Việc xây dựng ồ ạt các hợp tác xã cấp cao dẫn đến tình trạng suy giảm năng lực sản xuất trong nông nghiệp. Bộ máy quản lý cồng kềnh, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn, tình trạng rong công, phóng điểm, tệ tham ô, lãng phí, quan liêu xuất hiện, năng suất lao động không ổn định, thậm chí có xu hướng giảm. Tuy cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp chưa bộc lộ hết những hạn chế của nó, song đã bước đầu biểu hiện những mặt không phù hợp với thực tiễn.
Theo: Địa chí Nam Định