Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhà Hán lập lại ách thống trị trên đất nước ta. Chúng bãi bỏ chế độ Lạc tướng cha truyền con nối của người Việt, cử quan người Hán sang cai trị tới cấp huyện. Thời kỳ này Nam Định vẫn thuộc quận Giao Chỉ. Từ năm 220 đến năm 280 Trung Quốc xảy ra cục diện Tam quốc (Nguỵ, Thục, Ngô). Dưới ách cai trị của nhà Ngô, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Nam Định bị bóc lột hết sức tàn bạo. Để phục vụ cho cuộc chiến tranh phe phái trong nước, chính quyền nhà Ngô đã nghĩ ra mọi thủ đoạn để vơ vét của cải. Sống trong cảnh thống trị hà khắc đó, người dân Nam Định cũng như nhân dân cả nước đã khéo léo và kiên quyết chống lại chúng để bảo vệ và phát triển lực lượng dân tộc.
Năm 542, Lý Bí nổi dậy khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Sau bốn năm chiến đấu anh dũng, cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi, Lý Bí lên ngôi, xưng là Hoàng đế, xây dựng nước Vạn Xuân độc lập. Đóng góp vào cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế, Nam Định có tướng quân Hoàng Tề ở làng Lập Vũ (nay thuộc xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản). Sinh ra trong một gia đình chài lưới, Hoàng Tề có tài bơi lội trên sông. Mồ côi cha từ rất sớm lại lớn lên trong cảnh mất nước, hàng ngày phải chứng kiến cảnh tượng nhân dân ta bị bọn đô hộ áp bức tàn bạo, Hoàng Tề sớm có lòng căm thù giặc sâu sắc. Hàng ngày, ông ra sức tập luyện võ nghệ, bênh vực những người nghèo khó, nuôi chí đánh đuổi giặc. Đã nhiều lần, ông cùng nhân dân đánh đuổi bọn quan quân đô hộ về cướp phá trong vùng.
Được tin Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, Hoàng Tề đã vận động nhân dân trong vùng gia nhập nghĩa quân. Với sức khoẻ phi thường, tài võ nghệ và mưu trí, ông đã chiến đấu rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công. Ông được Lý Bí phong chức Túc vệ tướng quân, ban gươm báu và luôn cho theo hầu bên mình.
Khi Lý Bí qua đời, Hoàng Tề theo Triệu Quang Phục chiến đấu trong căn cứ đầm Dạ Trạch (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Sau bị bệnh mà mất, Triệu Quang Phục và quân sĩ vô cùng thương tiếc.
Trải hơn một nghìn năm sống dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, dân tộc ta luôn luôn đứng dậy đấu tranh để giành lại độc lập dân tộc. Hoà chung vào các phong trào đấu tranh của cả nước, nhân dân Nam Định, mà tiêu biểu là các tướng sĩ có tên tuổi thời Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục..., đã cống hiến phần xương máu của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những tấm gương đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của nhân dân Nam Định và trở thành một truyền thống quý báu của địa phương, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và sức sống mãnh liệt của nhân dân Nam Định nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Nhờ tinh thần đó mà nhân dân ta đã giành lại được độc lập vào thế kỷ X.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]