Cùng với quá trình biển lùi, các con sông chảy trên vùng đất cổ Nam Định chuyên chở phù sa từ thượng nguồn về lấp đầy các vụng biển. Vùng đồng bằng châu thổ hình thành dần, con người nguyên thuỷ cũng từ rừng sâu núi cao, tiến xuống khai phá đồng bằng. Họ phá rừng lập làng trên những doi đất cao ở ven các triền sông. Nghề trồng lúa nước cũng ra đời từ đó.
Trong thời đại đồ đá mới ở Việt Nam, việc một bộ phận cư dân rời khỏi các hang động Hoà Bình - Bắc Sơn theo các triền sông suối tiến ra phía biển là một sự kiện có ý nghĩa to lớn. Sự thay đổi môi trường sống từ các hang động, các đoạn suối nhỏ, những thung lũng khép kín trong các núi đá vôi tới cư trú ở các bãi bồi ven sông, các dải cát ven biển và chân các quả đồi trong những thung lũng rộng lớn đã dẫn tới sự thay đổi cơ bản về phương thức sống của con người ở đây.
Trên đất Nam Định, dấu tích con người ở thời kỳ này còn lưu lại ở các dãy núi thuộc huyện Vụ Bản, nằm về phía tây bắc của tỉnh. Tại đây đã tìm thấy những chiếc rìu đá có vai mài lưỡi, các hòn ghè, chày đá và bàn nghiền. Đó là những dấu tích của những cư dân thuộc hậu kỳ đồ đá mới hoặc sơ kỳ đồ đồng đã từ vùng rừng núi tiến xuống khai phá vùng đồng bằng ven biển để sinh sống và dần dần tiến tới lập các làng xóm. Vào lúc cực thịnh của thời kỳ đồ đá, ở tỉnh Nam Định cũng như nhiều địa điểm khác trên đất nước, đã nở rộ những nền văn hoá nguyên thuỷ. Ngoài kinh tế hái lượm những sản phẩm sẵn có trong tự nhiên, người nguyên thuỷ trên đất Nam Định đã bắt đầu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Khai quật di chỉ thời đại Đá mới ở hang Lồ, núi Lê, thôn Lê Xá, xã Tam Thanh, Vụ Bản (1988). |
Thành tựu khảo cổ học trong những năm gần đây đã chứng minh tất cả những quả núi ở huyện Vụ Bản đều có dấu vết con người nguyên thuỷ sinh sống. Họ ở trên các bãi rộng ven chân núi hoặc các gò đống cao, khi cần tránh bão lụt thì vào cư trú trong hang động. Họ sống thành từng cộng đồng, dần dần lập thành đơn vị tụ cư giống như các bản làng gần nơi sản xuất.
Tại núi Hổ đã phát hiện được khá nhiều gốm cổ. Nhìn chung đồ gốm ở đây phần lớn là loại gốm màu đỏ, dày, thô pha, nhiều cát, cũng tồn tại một số mảnh gốm xốp màu vàng đất. Nơi này còn tìm thấy nhiều loại mộ vò cao thấp khác nhau. Có loại bụng thon dáng cao, độ nung thấp, màu đỏ gạch. Có loại dùng nắp đậy như vung nồi, có loại đậy bằng gạch. Bên trong các chum vò này đều đựng xương. Trước đây người ta còn thấy các chum vò đựng xương để đầy trong các khe, vách đá. Nay chỉ còn loại chôn chìm dưới đất. Tại đây đã phát hiện một số mảnh gốm mịn được tạo ra từ dạng bột sét, da láng bóng, trên đó được trang trí nhiều loại hoa văn khá đẹp như dạng chữ S, các mô típ đường cong tạo bằng các đường khắc vạch kết hợp với văn in hình chấm và kỹ thuật miết láng. Đây là tổ hợp gốm tinh xảo và đẹp nhất ở núi Hổ. Ngoài ra ở nơi này còn tồn tại một số loại hoa văn thường được thể hiện trên gốm thô lớn như văn vạch hình tam giác trên nền thừng hay văn kẻ khuông nhạc. Ở đây còn tìm được một yếu tố hoa văn gần gũi với kỹ thuật tạo hoa văn kiểu Hoa Lộc (Thanh Hoá) như hoa văn in hình giọt nước, hoặc những hoa văn kiểu Hạ Long (Quảng Ninh) như hoa văn bìa lưng vỏ sò xuất hiện trên chạc gốm.
Năm 1988 các nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật 10m2 tại địa điểm hang Lồ thuộc núi Lê. Trong một diện tích không lớn, những hiện vật thu được cũng khá phong phú gồm các công cụ bằng đá, đồ xương và bình gốm.
Gốm khai quật ở hang Lồ có loại gốm cứng xương đỏ, độ nung khá cao. Có loại xương màu đen pha nhiều cát và có loại màu nâu xám pha rất nhiều cát hạt to. Về loại hình, có loại đáy tròn hoặc có đế thấp, có loại hình tương đối cao miệng loe, có loại nồi đáy tròn, bụng phình. Về hoa văn có vặn thừng thô, văn khắc vạch, văn chải, văn trổ lỗ đối xứng qua các đường lượn sóng dạng chữ S hoặc trổ vòng quanh thân một lỗ nhỏ tạo thành một vòng tròn. Như vậy đồ gốm ở núi Lê đã mang đầy đủ đặc trưng của giai đoạn cuối đá mới và đầu thời đại kim khí ở nước ta. Đặc biệt bên cạnh loại gốm cứng có màu nâu đỏ pha cát, ở đây cũng có mặt loại gốm xốp, màu nâu bạc trang trí văn thừng thô và loại đen mặt ngoài được miết láng có chất liệu tương tự như gốm Phùng Nguyên.
Với điều kiện thiên nhiên có núi, có sông ở giữa đồng bằng ven biển, vùng đất nay thuộc huyện Vụ Bản là địa bàn cư trú thuận lợi cho cư dân thời nguyên thuỷ. Qua các hiện vật khảo cổ tìm được chứng tỏ vào hậu kỳ đá mới đã có một nhóm cư dân sinh sống tại đây. Trong di tích hang Lồ (núi Lê), đã tìm thấy nhiều di vật bằng đá mài toàn thân như rìu, bôn, nạo, cuốc, bàn mài và nhiều đồ gốm thô. Các công cụ bằng đá mài nhẵn chế tác bằng đá nguội và đá gốc, có dấu ấn kỹ thuật của văn hoá Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Mả Đống, Hạ Long. Đồ gốm cũng vậy, với cốt xương gốm màu đen xám pha nhiều cát nên xốp, mặt ngoài miết láng hoàng thổ tương tự như đồ gốm các di chỉ trên. Tính chất đa dạng biểu hiện sự giao thoa văn hoá này chứng tỏ đã có cư dân từ nhiều vùng khác nhau tiến xuống, gặp nhau tại đây để định cư và cùng sinh sống lâu dài.
Các đợt chuyển cư đến khu vực đồng bằng ven biển, trong đó có vùng đất Nam Định lúc bấy giờ, đã tạo dựng nên cơ sở cho sự xuất hiện một nền văn minh Việt cổ đa sắc thái tại địa phương.
Năm 1991 trên cánh đồng thuộc thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh (gần khu vực núi Hổ) lại phát hiện một di chỉ cổ. Tầng văn hoá chỉ dày khoảng 0,50m nhưng trên phạm vi trải rộng hàng nghìn mét vuông, đã tìm thấy nhiều rìu đá mài nhẵn và nhiều mảnh gốm, kỹ thuật và niên đại có muộn hơn các di chỉ trên núi. Điều này chứng tỏ người nguyên thuỷ đã rời hang động chuyển xuống sinh sống ở đồng bằng.
Trong tất cả các di chỉ văn hoá nằm rải rác tại các quả núi ở huyện Vụ Bản đều phát hiện được nhiều đồ gốm làm bằng bàn xoay. Đó là những thứ đồ dùng hàng ngày như nồi, niêu, vò, hũ, bát và những đồ đựng khác. Trên nhiều đồ gốm đã có trang trí hoa văn. Người xưa đã biết buộc dây vào chiếc bàn đập rồi dập lên gốm khi đất còn ướt hoặc dùng que nhọn vạch lên đồ gốm những hình trang trí mà ta thường gặp ở phần vai hay phần cổ của đồ đựng. Gốm thường có màu xám hay đỏ gạch. Trong kỹ thuật, người ta pha nhiều cát thô vào đất sét để làm gốm. Những loại gốm này có loại xốp và có loại chắc.
Qua những dấu vết khảo cổ còn lại có thể thấy lúc này nghề trồng lúa ở đây đã khá ổn định. Họ đào đất bằng rìu đá, cuốc đá. Có nhiều loại cuốc rất lớn đã tìm thấy ở núi Lê, núi Tiên Hương làm từ đá ba dan. Tại các cánh đồng trũng của huyện Vụ Bản, trước đây nhân dân địa phương có gieo trồng một số loại lúa nước như dé sậy hạt đỏ, tép câu, dong, gạo rất cứng và khô. Đây là những loại lúa rất giỏi chịu nước. Cánh đồng dù bị ngập và nước dâng cao lên bao nhiêu thì cây lúa cũng ngoi lên bấy nhiêu. Những loại lúa đó tương tự như lúa sạ, lúa nổi ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Các loại lúa này đến nay ở địa phương không còn nữa. Trong các di chỉ ở đây đã tìm thấy những dọi xe chỉ bằng đất nung, chứng tỏ người cổ ở Vụ Bản đã biết dệt vải.
Như vậy là vào cuối thời đại đá mới khoảng 5000 - 6000 năm cách ngày nay, cùng với phần lớn các bộ lạc nguyên thuỷ trên đất nước ta, cư dân cổ trên đất Nam Định đã tiến đến giai đoạn nông nghiệp trồng lúa nước. Khi phù sa các con sông dần lấp đầy vụng biển, vùng châu thổ hình thành thì con người từ rừng sâu, núi cao ở phía bắc, từ vùng hải đảo phía đông và ven biển phía nam chuyển cư tới khai phá đất đai, lập nên làng xóm trên những doi đất ven sông, ven biển. Với sự phát triển của nông nghiệp dùng cuốc, chủ nhân các di chỉ văn hoá trên vùng đất cổ thuộc Vụ Bản đã cùng với cư trên trên nhiều vùng văn hoá khác của châu thổ sông Hồng bước vào một thời kỳ lịch sử mới.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]