Quá trình phát triển của trường Thành Chung Nam Định

09:06, 29/06/2012

Năm học đầu tiên 1920 - 1921, trường ban đầu mới chỉ có 1 lớp với 45 học sinh. Hiệu trưởng của trường là viên Thanh tra người Pháp Laurès, sau đó là Raoul Miche. Thày giáo Việt Nam đầu tiên của trường là Nguyễn Văn Hiếu.

Năm học 1921 - 1922, trường có hai lớp (năm thứ nhất và năm thứ hai). Do có thêm lớp và thêm học sinh nên trường phải học nhờ trường Cửa Bắc. Người Pháp đảm nhiệm giảng dạy một số môn học trong trường. Người Việt Nam có thêm thày giáo Võ Văn Roãn.

Để chuẩn bị mở lớp năm thứ ba, ngày 13/2/1922, Giám đốc Nha học chính Bắc kỳ yêu cầu Nam Định xây dựng một trường riêng. Chủ trương này được Công sứ Nam Định ủng hộ, tán thành. Thành phố đã dành 2250m2 tại phố Gốc Ngái để xây dựng trường. Thầy Hoàng Ngọc Phách, tác giả cuốn tiểu thuyết Tố tâm, chuyển về trường trong thời gian này.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hôm nay. Ảnh: Xuân Thu
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hôm nay.

Ngày 2/9/1923, Giám đốc Nha học chính Bắc kỳ quyết định cho trường Thành Chung Nam Định mở tiếp năm thứ 4 và trường được xây chính thức ở phố Bến Ngự.

Năm học 1923 - 1924, trường Thành Chung đã chuyển tới địa điểm mới với 4 lớp, dưới sự trợ giúp của Hội Bảo trợ học đường. Theo Nghị định số 2419 của Toàn quyền Đông Dương ký ngày 23/9/1924, trường Thành Chung đổi tên là trường Cao đẳng tiểu học Pháp- Việt (Ecole Primaire Supérieure Franco indigène).

Năm học 1924- 1925, trường tuyển 80 học sinh. Nhưng do số lượng học sinh quá nhiều so với quy mô, số lượng phòng học của trường nên năm học sau số lượng học sinh tuyển vào trường giảm xuống còn 40 học sinh. Năm 1925, Charles Patris, một giáo sư văn khoa từng viết sách về lịch sử Việt Nam, được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng của trường.

Từ năm 1925 đến năm 1930, trường Thành Chung có thêm nhiều thày giáo là người Việt Nam về giảng dạy như: Trần Văn Hào, Vũ Tam Thám, Đỗ Hữu Phúc, Ngô Duy Cừ, Đào Văn Định, Nguyễn Văn Chính, Phạm Văn Nam, Phan Thế Roanh, Dương Quảng Hàm, Phạm Cao Đạt...

Cũng trong thời gian này, xuất hiện một số gương mặt tiêu biểu của trường Thành Chung và từng bước trưởng thành trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật như: Nam Cao, Trần Lê Văn, Đặng Thế Phong... Đặc biệt trong cuộc thi học sinh giỏi toàn Đông Dương, Vũ Công Hiệu, học sinh của trường đã đứng đầu kỳ thi.

Năm 1926, nhiều học sinh trường Thành Chung bãi khoá đòi chính quyền Pháp được làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Sau lễ truy điệu, trường Thành Chung có 54 học sinh bị đuổi hẳn, 63 học sinh bị đình chỉ có thời hạn. Số còn lại trong 200 học sinh bị bắt đều bị lưu ban hoặc năm thứ 4 thì không được dự thi. Số học sinh bị đuổi học hăng hái tham gia tìm  đường cứu nước.

Một số giáo viên, học sinh của trường còn là nòng cốt của phong trào cách mạng Việt Nam trong những năm 1920- 1935, đã nghỉ dạy và thôi học. Nhiều người được giác ngộ, tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng hội. Năm 1927, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng hội được thành lập ở trường Thành Chung.

Niên học 1937- 1938 trường được chuyển ra đầu đường Cổng Hậu quy mô khang trang hơn với 8 lớp học và bắt đầu nhận học sinh nữ, mỗi năm là 5 người qua kỳ thi tuyển vào học. Từ niên học 1945- 1946 về sau, số nữ sinh được nhận vào không còn bị hạn chế nữa. Trường cũng tiếp nhận học sinh là con em người Pháp không đủ điều kiện lên học trường Albert Sarraut tại Hà Nội.

Năm 1942, trường Cao đẳng Tiểu học Pháp- Việt đổi tên là trường Trung học Nam Định (Collège de Nam Đinh).

Năm học 1944- 1945 là năm học cuối cùng của trường dưới thời Pháp thuộc, nội dung các môn học đều dùng bằng tiếng Pháp.

Năm 1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Lần đầu tiên, người Việt Nam giữ trọng trách Hiệu trưởng của trường (thầy Phan Thế Roanh). Trường lại đổi tên là trường Trung học Nguyễn Khuyến. Một thời gian sau, giáo sư Phó Đức Tố từ trường Bưởi về làm Hiệu trưởng của trường. Khi trường ở phố Cổng Hậu bị quân Nhật chiếm làm doanh trại, trường Thành Chung lại chuyển về địa điểm cũ ở đầu phố Bến Ngự. Cách mạng tháng Tám thành công, trường  bị quân Tưởng chiếm đóng.

Từ năm 1920 đến 1945, trường Thành Chung Nam Định đã có nhiều biến đổi qua các thời kỳ lịch sử, luôn khẳng định vị trí trung tâm giáo dục không chỉ của riêng thành phố Nam Định mà còn của các tỉnh lân cận vùng châu thổ sông Hồng. Nhiều thế hệ học sinh yêu nước được đào tạo từ trường Thành Chung, đã đóng góp vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam, giành lại độc lập dân tộc tiêu biểu như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Hoan, Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch... Nhiều người trong số họ đã trở thành những vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập.

Trên cơ sở của trường Thành Chung, ngày 13 tháng 1 năm 1948, trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến (tức trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền sau này) được thành lập.

Toàn quốc kháng chiến, một bộ phận của trường Nguyễn Khuyến tản cư vào Trà Lũ Bắc, huyện Xuân Trường. Bộ phận còn lại tách về huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình lập trường chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, sau chuyển vào thôn Ngô Xá, xã Đại Đồng, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, có các ban Toán, Lý, Hoá, Vạn Vật, Ngoại ngữ.

Năm 1950, Khu giáo dục Liên khu III quyết định thành lập trường Cao đẳng Sư phạm liên khu III, ban đầu lấy học sinh chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền sang học.

Năm 1952- 1953, ở Liên khu III đã phát triển thêm một số các trường cấp III như các trường Hoa Lư, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Hồ Tùng Mậu và được hợp nhất thành trường cấp III Liên khu III và đặt trụ sở tại thành phố Nam Định năm 1954. Năm 1959, trường đổi tên thành trường Lê Hồng Phong và nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com