Làng văn hoá Sa Nhì

08:07, 02/07/2012

Từ năm 1999, thôn Sa Nhì, xã Trực Nội (Trực Ninh) được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh. Thôn Sa Nhì hiện có 251 hộ với hơn 913 khẩu, thu nhập bình quân đạt gần 12 triệu đồng/người/năm, số hộ khá, giàu đạt hơn 55%; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, sử dụng nước sạch, hệ thống đường giao thông dong, xóm được bê tông hoá. Với những kết quả đạt được, thôn Sa Nhì là một trong 14 thôn của tỉnh hơn 10 năm liền giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá”.

Làng văn hóa Sa Nhì, xã Trực Nội (Trực Ninh) thời đổi mới.
Làng văn hóa Sa Nhì, xã Trực Nội (Trực Ninh) thời đổi mới.

Ở thôn Sa Nhì, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa được chi bộ, các đoàn thể và nhân dân địa phương cụ thể hoá bằng những phong trào, việc làm thiết thực, từ việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nội dung của phong trào, đến việc xây dựng quy ước làng văn hoá và được phổ biến đến từng hộ dân. Cùng với xây dựng làng văn hóa, thôn Sa Nhì triển khai xây dựng gia đình văn hoá gắn với các mục tiêu: giảm nghèo, tổ chức lao động, sản xuất - kinh doanh đạt năng suất, hiệu quả; thực hiện kế hoạch hoá gia đình; gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gia đình hạnh phúc, tiến bộ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; năng động, sáng tạo áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, phát triển nghề truyền thống. Nhờ đó, đời sống kinh tế của nhân dân trong thôn ngày càng ổn định và phát triển; nhiều hộ nông dân đã tập trung phát triển kinh tế gia đình theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại, kinh doanh dịch vụ vận tải, cơ khí, nghề mộc đạt hiệu quả cao; tiêu biểu như hộ các ông: Vũ Đình Sự, Nguyễn Đức Thiều, Hoàng Văn Yên, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Điển, Nguyễn Đức Nguyện. Năm 2011, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, chi bộ thôn đã họp, thảo luận và đề ra nghị quyết thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xóm nông thôn mới, hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, kết hợp với phong trào tự nguyện hiến đất của nhân dân để cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đến tháng 3-2012, thôn Sa Nhì đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, trong đó, các hộ dân trong thôn đã hiến hơn 29.000m2 đất; nạo vét, đào đắp trên 5.000m3 kênh mương cấp II, cấp III; bê tông hóa gần 2.000m đường dong, ngõ xóm với kinh phí 560 triệu đồng; hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng trị giá trên 60 triệu đồng. Phần lớn nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình trên đều do nhân dân trong thôn tự nguyện đóng góp tiền và ngày công. Nhiều con em quê hương Sa Nhì như ông Nguyễn Đức Cử hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội đã đóng góp hơn 200 triệu đồng để xây dựng một số công trình hạ tầng của thôn, xóm. Từ quá trình xây dựng, cải tạo các công trình phúc lợi, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, thắt chặt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Các thiết chế văn hóa trong thôn được xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả như sân bóng đá, bóng chuyền, trang thiết bị phục vụ tại nhà văn hóa.

Qua nhiều năm thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở nhân dân thôn Sa Nhì luôn coi trọng giữ gìn, vừa phát huy các giá trị thuần phong mỹ tục quê hương, nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường… Công tác DS-KHHGĐ được thực hiện có hiệu quả, nhiều năm liền thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Nhân dân trong thôn tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho các gia đình chính sách. Các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng như người già cô đơn, trẻ em tàn tật hay mồ côi, nạn nhân chất độc da cam… được cộng đồng thôn xóm trợ giúp./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com