Nghệ thuật hát chầu văn

03:03, 22/03/2012

Nam Định là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật hát chầu văn. Sách Kiến văn tiểu lục của nhà bác học Lê Quý Đôn có viết: “Thời Trần có lối hát trước mặt đế Vương, gọi là hát Chầu”. Hát chầu văn ra đời từ nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật hát chầu văn được lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bát. Nghệ thuật hát chầu văn là việc vận dụng các làn điệu dân ca phối hợp với các bộ gõ, bộ dây (nhạc cụ). Riêng hát chầu văn Nam Định được biết đến với các làn điệu độc đáo như: điệu cờn, điệu xá, điệu chèo đò mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Không gian của chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu, thường có kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị nhân thần nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện; đặc biệt, các Mẫu của tứ phủ (Mẫu thượng thiên, Mẫu địa, Mẫu nhạc, Mẫu thoải) là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức cộng đồng dân tộc.

Tỉnh ta có nhiều vùng quê phát triển nghệ thuật chầu văn và xuất hiện các thế hệ cung văn nổi tiếng. Từ trong các đền, phủ, với vai trò như một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu, có sức sống lan toả trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Các bài hát văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc. Về cơ bản, các bài hát văn có chất liệu và giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật chầu văn cổ truyền mang hơi thở và nhịp sống đương đại. Năm 1962, tại Hội diễn ca múa nhạc dân tộc khu vực phía Bắc, tiết mục “Nam Định quê tôi” do Đoàn văn công Nam Định biểu diễn đã tạo nên sức sống mới của nghệ thuật hát chầu văn. Từ đó, các tiết mục hát văn do diễn viên độc tấu, song tấu, tam ca, tốp ca, tốp múa xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu, được công chúng đón nhận, trở thành phương tiện nghệ thuật phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Qua giọng hát của NSƯT Kim Liên, Thế Tuyền, Kim Ngân, nghệ thuật chầu văn và các tiết mục hát văn Nam Định ngày càng có sức lan toả trong công chúng như các tiết mục: “Gái đảm Nam Hà”, “Mùa sen dâng Bác”, “Trẩy hội quê hương”, “Hoa dũng sỹ”, “Mừng Việt Nam đại thắng”. Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật của tỉnh và các tổ, đội văn nghệ quần chúng ở các địa phương đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn và nghệ thuật chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao. Tại lễ hội Phủ Dầy hằng năm đều tổ chức hội thi hát văn, thu hút các cung văn mọi miền tham dự. Hát văn đã trở thành môn nghệ thuật độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ văn hoá, văn nghệ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com