Du nhập một số yếu tố TBCN trên cơ sở duy trì quan hệ sản xuất phong kiến

08:02, 07/02/2012

Nam Định là tỉnh có tiềm năng kinh tế lớn và có vị trí chiến lược quan trọng,  cửa ngõ phía Đông Nam của Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng. Vì thế, sau khi chiếm  được Nam Định, thực dân Pháp nhanh chóng thiết lập thể chế mới và đầu tư khai thác những lợi thế kinh tế ở đây.

Dưới tác động của 2 lần khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương (từ cuối thế kỉ XIX đến những thập niên đầu của thế kỉ XX) cũng như chính sách của thực dân Pháp thực hiện trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), trong thời kì khủng hoảng kinh tế (1929-1933), trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945),  kinh tế Nam Định có nhiều biến động.

Đặc trưng chung, nổi bật về kinh tế trong thời kì này là thực dân Pháp cho du nhập một số yếu tố TBCN, nhưng không xoá bỏ phương thức sản xuất phong kiến, trái lại vẫn duy trì nó như một công cụ đắc lực cho công cuộc khai thác thuộc địa ở địa phương. Hơn thế nữa, quan hệ sản xuất phong kiến còn được củng cố thêm một bước, mà biểu hiện cụ thể là ruộng đất ở Nam Định ngày càng tập trung vào trong tay một số địa chủ giàu có. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, rất nhiều diện tích canh tác ở các huyện, nhất là vùng ven biển - bị các thế lực địa chủ ở địa phương chiếm đoạt. Dưới thời thuộc Pháp, đã xuất hiện hàng trăm địa chủ lớn, chiếm hữu ruộng đất mỗi hộ trên 50 mẫu ruộng.

Dù khoảng 95% dân số Nam Định là nông dân, quan hệ sản xuất địa chủ - tá điền ở nông thôn căn bản không thay đổi, nông nghiệp với đặc trưng sản xuất tự cung tự cấp vẫn là nhân tố chủ đạo và dù nông nghiệp vẫn chiếm vị trí trọng yếu trong cơ cấu kinh tế địa phương, thì phương thức sản xuất dưới thời thuộc Pháp cũng đã thay đổi.

Nam Định cũng như trong mọi địa phương khác của Việt Nam lúc đó, quyền tối cao về ruộng đất của nhà vua trên thực tế không còn nữa. Bằng nhiều con đường khác nhau, thực dân Pháp đã chi phối và giành quyền sử dụng đất. Trên thực tế, quyền sử dụng ruộng đất của toàn xứ đã lọt vào tay thực dân Pháp. Tại Nam Định, sau khi có những văn bản pháp lí trong tay về việc nhượng đất nông nghiệp, với cái ô cấp nhượng đó, người Pháp có thể cướp và sử dụng bất cứ mảnh đất nào nếu chúng muốn. Gần 3.000 ha đất ở thuộc 6 đồn điền của Pháp lập cuối thế kỉ XIX ở Nam Định là một ví dụ thể hiện quyền sử dụng ruộng đất không còn nằm trong tay triều đình phong kiến Việt Nam. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hàng chục đồn điền vùng ven biển Nam Định được thành lập.

Tư bản Pháp còn trực tiếp khai thác nguồn lợi từ sản xuất nông nghiệp ở Nam Định. Ngay trong thời kì khủng hoảng kinh tế, sản xuất gạo hàng hoá vẫn được thực dân Pháp khá chú trọng. Dù cả tỉnh thiếu khoảng 10 vạn tấn lương thực hàng năm, nhưng vẫn xuất khẩu khoảng 2 - 3 vạn tấn gạo ngon mỗi năm.

Khi thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật, chính quyền Nhật đã bắt nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Nam Định phải nhổ lúa để trồng đay. Dù thời gian phát xít Nhật xâm chiếm Việt Nam không lâu, nhưng chính quyền Pháp ở Đông Dương đã tiếp tay cho quân Nhật vơ vét tài nguyên ở vùng nông thôn để phục vụ chiến tranh.

Hệ thống quan lại từ tỉnh xuống huyện, tổng, xã - thế lực cai trị trực tiếp nông dân trong vùng, chỉ là tầng lớp phục vụ quyền lợi của các tập đoàn tư bản Pháp. Vì thế, kinh tế nông thôn Nam Định đã trở thành một bộ phận của kinh tế thuộc địa. Tính độc lập tương đối của sản xuất nông nghiệp ở các địa phương và đồng hành với nó là cơ chế làng xã trước đây không thể không bị quay theo guồng máy thực dân.

Các thế lực phong kiến địa phương được củng cố cùng với sự bành trướng của các thế lực thần quyền cũng như hình thức bóc lột của địa chủ đều bị thực dân chi phối. Trong quá trình cai trị ở Nam Định thực dân Pháp đã sử dụng thế lực thần quyền phục vụ công cuộc chinh phục và khai thác thuộc địa ở địa phương. P.Aumiphin nhận xét: Một “bí ẩn” bao quanh hoạt động tài chính của “Hội truyền giáo nước ngoài” (thông thường gọi là “Giáo hội Gia Tô). Thực chất đó là “Hội chiếm hữu Đông Dương” và  từ làng mạc đến tỉnh thành... đều thuộc hẳn về hội này, hay đặt dưới sự lãnh đạo thế tục chặt chẽ của hội. Vai trò ngày càng to lớn cả về chính trị lẫn kinh tế của thế lực Nhà Chung ở Nam Định - nhất là các huyện ven biển - kể từ khi thực dân Pháp chiếm Nam Định đã khẳng định  điều đó.

Yếu tố tư bản chủ nghĩa xâm nhập mạnh nhất vào khu vực thành phố. Trong hàng chục nhà máy, xí nghiệp mới được xây dựng, quan hệ giữa tư sản và vô sản của chủ nghĩa tư bản thể hiện qua quan hệ chủ - thợ. Hàng vạn công nhân Nam Định vừa là người làm công, vừa là dân mất nước, nên thường bị đối xử, hành hạ như người dân nô lệ.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com