Khai hoang là một nội dung lớn trong lịch sử kinh tế Nam Định truyền thống, là một giải pháp kinh tế - xã hội, có thể là tự giác (có sự tổ chức của nhà nước), có thể là tự phát (nhân dân tự tiến hành), mà kết quả vừa đánh dấu bước phát triển của nền kinh tế (nông nghiệp), vừa như một lối thoát cho những bế tắc của nền kinh tế.
Kể từ những năm bảy mươi của thế kỷ XV, thời điểm mà Lê Thánh Tông tổ chức đắp con đê ngăn mặn dọc bờ biển Ninh Bình - Nam Định (thường gọi là đê Hồng Đức), cho đến nay, qua hơn 5 thế kỷ đồng bằng Nam Định đã tiến ra biển từ 10 đến 15 cây số. Một tốc độ tiến ra biển thuộc loại lớn so với nhiều đồng bằng châu thổ trên thế giới. Công sức của các thế hệ người Việt bỏ ra trong quá trình khai hoang lập làng thật vĩ đại.
Quá trình khai hoang diễn ra liên tục trong hàng ngàn năm cho đến ngày nay, nhưng có những đợt lớn. Đó là những mốc đánh dấu sự mở rộng lãnh thổ của Nam Định, sự phát triển của kinh tế nông nghiệp Nam Định, và nói chung cũng là của toàn bộ nền kinh tế Nam Định truyền thống. Đó là các mốc - bước lớn sau:
Thế kỷ XIII - XIV gắn với chính sách khai hoang lập điền trang của nhà Trần ban hành năm 1266.
Cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI gắn với chính sách khai hoang của Lê Thánh Tông, tác dụng của đê ngăn mặn Hồng Đức.
Đầu thế kỷ XIX gắn với chính sách khai hoang của nhà Nguyễn, với vai trò của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Khai hoang là một giải pháp kinh tế - xã hội quan trọng dưới thời phong kiến. Kết quả khai hoang góp phần mở rộng diện tích canh tác, một nhân tố hàng đầu cho sự phát triển của nông nghiệp thời trung đại. Kết quả khai hoang cũng góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc như sức ép về dân số, nạn kiêm tính ruộng đất của địa chủ dẫn đến tình trạng nông dân mất đất không còn hoặc không đủ ruộng đất cày cấy, tình trạng nông dân xiêu tán và khởi nghĩa (một bằng chứng sinh động là sau thất bại của khởi nghĩa Phan Bá Vành, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tập hợp các nghĩa binh đi khai hoang, trong một thời gian ngắn ra đời hai huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và nhiều làng xã ven biển hai huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu.
Khai hoang trước hết do người Nam Định tiến hành, nhưng bên cạnh đó còn có mặt đông đảo cư dân thuộc các tỉnh khác vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Lực lượng khẩn vùng đất tổng Kiên Trung (Hải Hậu) trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII phần lớn từ các làng xã xung quanh, chỉ cách các địa điểm khẩn hoang từ 3 đến 5 cây số, nhưng cũng có một bộ phận từ nhiều nơi xa tới (như các họ Vũ, Phạm, Đỗ từ làng Mộ Trạch (Hải Dương), họ Trần từ huyện Nông Cống (Thanh Hoá). Làng Xuân Hy (nay thuộc xã Xuân Thuỷ, huyện Xuân Trường) do Ngô Miễn (1371 - 1407), một võ tướng thân cận của Hồ Quý Ly, người làng Xuân Mai, nay thuộc xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc đứng ra tổ chức khai hoang, sau này được tiếp tục với các cá nhân - dòng họ từ nhiều địa phương khác đến. Tổng Hoàng Nha (nay là thị trấn Ngô Đồng và 9 xã khu vực xung quanh huyện Giao Thuỷ) có nhiều cá nhân - dòng họ từ Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình đến qua nhiều thời kỳ... Tình hình trên dẫn đến tính đa dạng về nguồn gốc địa phương của cư dân Nam Định và kéo theo đó có thể là tính đa dạng về văn hoá.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]