Chủ trương của thực dân Pháp công nghiệp hoá một vùng và tập trung phát triển nơi đó thành trung tâm kinh tế, đồng thời kìm níu các địa phương xung quanh trong vòng lạc hậu được gọi là “hiện tượng đứt quãng về kinh tế” và được coi là chính sách xây dựng kinh tế của các công ty tư bản Pháp ở thuộc địa Đông Dương.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp nói riêng và cả thành phố Nam Định nằm trong tay thực dân Pháp được xây dựng khá hiện đại. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của khu trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh không kéo theo sự phát triển tương ứng của vùng nông thôn rộng lớn. Bởi thực dân Pháp không bao giờ muốn phát triển các ngành kĩ nghệ trong tất cả mọi vùng thuộc địa.
Trong khu vực thành phố, sản xuất hàng hoá phát triển, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối mọi hoạt động kinh tế - xã hội, thì ở vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra theo hướng tự cung tự cấp và hình thức bóc lột địa chủ - tá điền vẫn được duy trì. Ngay các chủ Pháp cũng áp dụng kiểu bóc lột phong kiến để khai thác các đồn điền ở vùng ven biển Nam Định.
Cách thức khai thác thuộc địa của Pháp nói chung và việc xây dựng vùng đô thị phát triển trái với khung cảnh nông thôn lạc hậu trên phạm vi của xứ Đông Dương nói chung hay Nam Định nói riêng nhằm kiếm lợi tối đa cho chủ nghĩa tư bản.
Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Định đến năm 1945, kinh tế địa phương trải qua nhiều thời kì biến động khác nhau: từ đầu đến năm 1914; sau đó trải qua chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), khai thác thuộc địa lần thứ 2 (1919 - 1929); khủng khoảng kinh tế (1929 - 1933); phục hồi kinh tế (1934 - 1938) và giai đoạn cuối là chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), trong đó có thời kì Nam Định dưới sự đô hộ của cả Nhật - Pháp.
Vận động dưới chính sách cai trị của thực dân Pháp, lại do tác động của chiến tranh nên kinh tế trên địa bàn Nam Định có thời gian ổn định rất ngắn và nói chung là phát triển thất thường. Năm kinh tế phát triển nhất (cả công nghiệp và nông nghiệp) là năm 1928. Trong những năm của 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhiều ngành kinh tế ở Nam Định bị kéo vào phục vụ cho chiến tranh của đế quốc. Thời kì còn lại luôn gặp khủng hoảng, nhất là trong những năm 1929 - 1933 hàng loạt cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp bị phá sản.
Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và bối cảnh lịch sử như vậy tác động mạnh đến mọi ngành kinh tế, mọi khu vực từ thành thị đến nông thôn. Bản thân các công ty tư bản Pháp cùng thường xuyên vận động theo qui luật “cá lớn nuốt cá bé”. Các chủ kinh doanh người Hoa cũng vậy... Song lực lượng bị chi phối nhiều nhất bởi sự biến đổi bấp bênh của nền kinh tế này là công nhân và nông dân. Khi khủng hoảng, hàng vạn người thiếu công ăn việc làm, hàng vạn tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công thất nghiệp...
Dưới tác động của các chính sách kinh tế của thực dân, kinh tế Nam Định suốt mấy chục năm phát triển không tự nhiên, luẩn quẩn, luôn luôn bị phụ thuộc và để lại hậu quả lâu dài cho sự phát triển kinh tế Nam Định trong các thời kì lịch sử sau.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]