Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đón Xuân Nhâm Thìn đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 15 năm thành lập thị trấn với không khí háo hức, phấn khởi của một thị trấn ven biển đang từng ngày đổi mới và phát triển trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND Thị trấn Thịnh Long được xây mới với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2012. |
Thị trấn Thịnh Long hiện có hơn 4.600 hộ dân với trên 16 nghìn khẩu ở 22 tổ dân phố. Dân cư của thị trấn tập trung thành các cụm chủ yếu ở khu vực trung tâm thị trấn, khu du lịch nghỉ mát, các trục đường chính và khu vực giáp với đê biển. Ngoài ra, các tổ dân phố bám theo vùng sản xuất với các ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp chiếm 50%, CN-TTCN chiếm 30%, các ngành dịch vụ - du lịch khác chiếm 20%. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Thịnh Long đã khắc phục khó khăn, đoàn kết phấn đấu, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực và tiềm năng lao động để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động nông thôn, phát triển mạnh CN-TTCN và du lịch - dịch vụ nên mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của thị trấn đạt từ 6 đến 10%. Tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ hiện nay đã chiếm 50%. Bên cạnh việc hình thành xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp, CCN, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng như giao thông, thủy lợi và các công trình dân sinh khác cũng được đầu tư xây dựng phục vụ cho sản xuất, đời sống nhân dân và tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị trấn, tạo ra thế và lực mới của một thị trấn phát triển theo hướng đô thị ven biển. Trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp, CN-TTCN và dịch vụ du lịch; trong đó đẩy nhanh phát triển kinh tế biển, dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự chuyển biến căn bản về cơ cấu kinh tế phù hợp với mô hình thị trấn và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đến nay quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Thị trấn Thịnh Long giai đoạn 2011-2015 đã được UBND huyện phê duyệt với tổng trị giá 89,8 tỷ đồng. Đến hết năm 2011, Thị trấn Thịnh Long đã đạt được 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Sự phát triển kinh tế và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của một thị trấn ven biển ngày càng có nhiều chuyển biến, đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, thị trấn đã chuyển đổi được hơn 120ha đất canh tác lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng màu và nuôi trồng thủy sản, tạo hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi tôm, cua hàng năm trên 76ha, giá trị thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/ha/năm. Nghề đánh bắt hải sản gồm: khai thác tôm, cá gần bờ và thu bắt sứa đã cho thu nhập hơn 5 tỷ đồng mỗi năm. Thị trấn cũng đã xây dựng, cải tạo khu bãi tắm du lịch Thịnh Long, mở rộng nâng cấp với quy mô hàng trăm nhà hàng, ki-ốt ở bãi 1 và đã thu hút được hơn 10 đơn vị đến đầu tư xây dựng khách sạn với quy mô lớn, đầy đủ tiện nghi phục vụ khách tham quan, du lịch và nghỉ mát, tắm biển. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tắm biển trên địa bàn đã đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nhân dân và ngân sách địa phương. Để thu hút đầu tư, Thị trấn Thịnh Long đã quy hoạch chuyển đổi 150ha đất để xây dựng KCN rộng 50ha, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng 15ha, đất ở và di dân 6,7ha. Thị trấn đã bàn giao 28ha đất bãi sông Ninh Cơ và 6ha đất trong đê cho Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh xây dựng nhà máy đóng tàu Thịnh Long I với vốn đầu tư 595 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn thị trấn đã có hàng chục doanh nghiệp tư nhân, 8 cơ sở sản xuất sợi PE, kinh doanh sợi cước và các sản phẩm từ sợi cước để phục vụ cho nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đem lại thu nhập từ 15 đến 18 tỷ đồng mỗi năm cho nhân dân. Các Cty TNHH Hoa Tâm, Minh Hà chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ sợi cước. Cty TNHH Thịnh Long thu mua trung bình mỗi tháng khoảng 250 tấn cá các loại để đưa vào chế biến, một phần tiêu thụ trong nước, một phần xuất khẩu. Các loại cá nhỏ được Cty chế biến thành bột cá với sản lượng tiêu thụ gần 100 tấn bột cá mỗi tháng cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Thái Bình… Cty TNHH Quý Thịnh được thành lập từ cơ sở sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền, mỗi năm sản xuất hơn 10 nghìn lít nước mắm được thị trường tiêu thụ đánh giá cao về chất lượng. Ngoài ra, các ngành nghề cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, nghề dệt lưới cước, nghề may công nghiệp ở thị trấn cũng được khuyến khích phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Được thị trấn tạo điều kiện về mặt bằng, Cty CP May xuất khẩu Đại Dương đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu với dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 250 lao động. Cty Phát Tài chuyên sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ xây dựng và một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác trên địa bàn thị trấn cũng đã tạo việc làm và thu nhập cho gần 200 lao động. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, từ khi thành lập đến nay thị trấn đã huy động mọi nguồn lực với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng nâng cấp trường học, trạm y tế, nâng cấp đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, hoàn thiện hệ thống đèn điện chiếu sáng đường giao thông ở các khu dân cư trên địa bàn toàn thị trấn, xây dựng trạm xử lý nước với diện tích 300m2 phục vụ cho đồn biên phòng, các cụm dân cư và khu du lịch… Cũng trong năm 2011, thị trấn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đường tuyến I khu du lịch dài 380m, tiếp tục thi công, cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ quốc lộ 21 đến ngã tư Thịnh Hải và đoạn từ cuối đường Tân Hải ra đê biển tuyến 1 của dự án di dân, giá trị đầu tư trên 15 tỷ đồng; tiến hành vá láng nhựa đường trục thị trấn dài 1.390m, tổng trị giá 687 triệu đồng; thi công đường đê bắc từ giáp xã Hải Hòa đến quốc lộ 21 với giá trị đầu tư hơn 3 tỷ đồng…
Sản xuất phát triển, hiện nay tổng giá trị sản xuất mỗi năm của thị trấn đạt hơn 171 tỷ đồng, trong đó giá trị CN-TTCN đạt 50,5 tỷ đồng, giá trị thu nhập từ dịch vụ - du lịch đạt 6,3 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản 114,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội của thị trấn tiếp tục được duy trì phát triển và nâng cao chất lượng. Thị trấn có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS đều được xây cao tầng và đều được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Ngoài nhà văn hóa trung tâm của thị trấn, đến nay 100% các tổ dân phố đều có nhà văn hóa để sinh hoạt. Đội ngũ cán bộ thị trấn ngày càng được nâng cao về chất lượng và trình độ. Hệ thống các tổ chức chính trị phát triển vững mạnh. Đảng bộ, chính quyền thị trấn đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền. Các tổ chức đoàn thể chính trị của thị trấn hàng năm đều đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Quốc phòng - an ninh trên địa bàn thị trấn được giữ vững.
Đồng chí Lê Công Sản, Chủ tịch UBND thị trấn khẳng định: Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của quê hương, Thị trấn Thịnh Long sẽ phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, xây dựng Thị trấn Thịnh Long sớm trở thành đô thị ven biển giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Phạm Quốc Tuấn