Nhà Lê sơ, đặc biệt dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông (1460 - 1497), đã thi hành triệt để chính sách kinh tế trọng nông. Nếu như cánh cửa Nam Định được mở rộng trong thời Lý - Trần thì đến đây nó dường như bị đóng lại. Đó cũng là sự khép lại một thời kỳ kinh tế phát triển năng động, chuyển sang thời kỳ kinh tế ổn định trên nền tảng nông nghiệp độc canh lúa nước.
Có nhiều lý do dẫn đến chính sách kinh tế này của nhà Lê sơ. Đó trước hết là cách đặt vấn đề của Nhà nước trong việc xác định mô hình xã hội mà nó hướng tới - một xã hội ổn định, kỷ cương. Giải pháp được lựa chọn là thiết lập sức mạnh áp chế từ trên xuống (chính trị - hành chính), thi hành chính sách ruộng đất nhằm đáp ứng mong mỏi của mọi đối tượng xã hội, phát triển nông nghiệp (kinh tế - xã hội) và một đường lối đối ngoại kín cổng cao tường (an ninh quốc phòng).
Vùng biển Nam Định, như đã đề cập, có tốc độ tiến ra biển cao nhất so với tất cả các địa phương vùng duyên hải Bắc Bộ. Cho nên có thể nói rằng một phần lớn lịch sử Nam Định gắn với công cuộc khai hoang. Công cuộc khai hoang mở rộng diện tích canh tác - cũng là mở rộng lãnh thổ, được tiến hành thường xuyên, trong hàng ngàn năm. Tuy nhiên, dù dưới thời Trần với chính sách khai hoang lập điền trang một diện tích lớn đất Nam Định được khai phá, nhưng phải đến thời Lê sơ, đặc biệt trong thời gian trị vì của Lê Thánh Tông, công cuộc khai hoang vùng sa bồi ven biển mới được triển khai một cách quy mô và đạt được nhiều thành tựu. Với việc đắp con đê biển chạy suốt từ Ninh Bình cho đến Nam Định, cả một vùng sa bồi ven biển rộng lớn được khai phá, và hàng loạt các làng xã mới ra đời. Thành tựu công cuộc khai hoang thời Lê sơ, mà điểm tập trung nhất là ở Nam Định, đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và ổn định đất nước thời kỳ này.
Nhưng khai hoang, lập làng vùng ven biển Nam Định, Ninh Bình, bên cạnh mục đích kinh tế - xã hội còn xuất phát từ các lý do an ninh quốc phòng. Nhà Lê Sơ, từ thực tiễn lịch sử thế kỷ X, thời Lý - Trần - Hồ, rồi của chính triều đại mình, đã nhận thức rất rõ vị trí chiến lược - cửa ngõ của vùng đất Nam Định. Lê Thánh Tông không thể yên tâm bởi cửa ngõ phên dậu này – với những bãi bồi chạy suốt từ cửa sông Hồng đến cửa sông Đáy khi chìm khi nổi theo thuỷ triều lên xuống, chưa được khép kín. Khai hoang lập làng được lựa chọn như một giải pháp bền vững cho vấn đề an ninh quốc phòng ở các vùng đất mới chưa được khai phá lại có vị trí chiến lược quan trọng này.
Sự sụp đổ của nhà Lê sơ năm 1527 đã chấm dứt thời kỳ ổn định “vàng son” của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam, nhưng chế độ phong kiến Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển trong thế kỷ XVI, XVII và ít nhất cho đến đầu thế kỷ XVIII. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế công thương nghiệp và hưng khởi của đô thị. Thiết chế kinh tế - xã hội mà Lê Thánh Tông tạo ra để lại dấu ấn ở mỗi địa phương mỗi khác. Đối với Nam Định dấu ấn đó là đậm nét, nhưng cũng không vì thế mà cản trở sự hội nhập của vùng đất này vào xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Kinh tế công thương nghiệp được mở rộng. Những làng nghề thủ công nghiệp, làng buôn nổi tiếng được biết đến về sau phần lớn hình thành và phát triển trong thời kỳ này. Đặc biệt, sau hơn một thế kỷ lắng xuống, khu vực thành phố Nam Định và vùng phụ cận lại sôi động trở lại với sự xuất hiện của trung tâm Vị Hoàng. Vị Hoàng trở thành một trung tâm thương mại lớn, điểm trung chuyển hàng hoá giữa các vùng miền - một đô thị khá sầm uất của vùng đồng bằng Bắc Bộ, chỉ đứng sau Kẻ Chợ, Phố Hiến. Đồng thời lúc này quan hệ kinh tế giữa các làng xã cũng được mở rộng.
Cuộc khủng hoảng toàn diện nửa sau thế kỷ XVIII, chiến tranh nông dân ở Đàng Ngoài và khởi nghĩa Tây Sơn đã cuốn Nam Định vào những biến động dữ dội của đất nước. Nhà Nguyễn được thiết lập vào năm 1802, sau những ngập ngừng của Gia Long, đến Minh Mệnh gần như mô hình kinh tế - xã hội thời Lê Thánh Tông được tái thiết. Kinh tế nông nghiệp đặc biệt được chú ý. Cùng với Thái Bình và Ninh Bình, công cuộc khai hoang vùng sa bồi ven biển Nam Định được tiến hành quy mô dưới thời Lê Thánh Tông, tuy vẫn được tiếp tục trong các thế kỷ sau, nhưng phải đến thế kỷ XIX mới lại được tổ chức rầm rộ trở lại và thu được nhiều thành tựu lớn gắn với vai trò của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, dù nhà Nguyễn có tìm mọi cách thi hành chính sách “trọng nông, ức thương” thì kinh tế công thương nghiệp vẫn tiếp tục đà phát triển. Vị Hoàng vẫn duy trì hoạt động với tư cách một điểm trung chuyển hàng hoá lớn, các trung tâm hành chính - kinh tế phủ, huyện vẫn tồn tại, hệ thống chợ vẫn được mở rộng...
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]