Do công quả lớn lao đối với dân tộc, đối với hằng hà sa số chúng sinh cõi Sa bà, Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông trường tồn cùng đất nước, quê hương, sống mãi trong cõi tâm linh của muôn triệu con dân nước Việt. Có rất nhiều danh lam cổ tự đã được lập nên để thờ chư Phật và thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong đó ba nơi tiêu biểu là cụm chùa, tháp trên danh sơn Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Minh Khánh, huyện Thanh Hà (Hải Dương) và chùa Phổ Minh (Nam Định)… Am Ngọa Vân danh sơn Yên Tử là nơi Đại sĩ Trúc Lâm tu tập rồi nhập Niết bàn. Chùa Minh Khánh là nơi trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 2, Trần Nhân Tông lập căn cứ chỉ huy chống giặc, có “Thư huyết bảo tháp” lưu lại huyết thư của Người cho hậu thế. Còn chùa Phổ Minh là nơi sinh thời, Người thuyết pháp độ tăng, bố thí chúng sinh, hiện còn tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tượng Nhị Tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang và tương truyền còn xá lị của Người trong Phổ Minh bảo tháp. Xin nói kỹ hơn về chùa Tháp Phổ Minh.
Chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự) được xây dựng từ thời Lý, chùa được trùng tu, mở rộng vào năm 1262, khi vua Trần Thánh Tông cho đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, xây dựng cung Trùng Quang để Thượng hoàng ngự và cung Trùng Hoa làm hành cung khi vua từ Thăng Long về chầu Thượng hoàng. Gần 750 năm đã trôi qua, trải bao biến thiên, binh lửa, bao sương gió dãi dầu, chùa Phổ Minh vẫn trang nghiêm, trầm mặc toạ lạc trên cánh đồng lúa bát ngát một màu xanh, xa xa là xóm thôn trù mật. Vạc Phổ Minh, một trong tứ đại khí của nước Nam xưa (Phật Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền) nay không còn nữa. Nhưng toà tháp 14 tầng, trên nở đoá sen vẫn sừng sững uy phong thách thức thời gian ba phần tư thiên niên kỷ; tuy có rêu phong nhưng vẫn đứng vững vàng. Có ai ngờ ngay dưới chân tháp này vào lễ Thượng Nguyên - rằm tháng Giêng - hơn 700 năm trước đã diễn ra một sự việc cảm động thể hiện truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Đại Việt mà người thực hiện là Đức Vua Trần Nhân Tông.
Mọi người đều biết Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh. Lên ngôi vua năm 1278 khi vừa tròn 20 tuổi. Người đã cùng vua cha - Thượng hoàng Thánh Tông - lãnh đạo dân tộc Đại Việt đập tan hai cuộc xâm lăng của 80 vạn quân Nguyên, phá tan giấc mộng bành trướng xuống Đông Nam Á của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt; rồi sau đó lãnh đạo công cuộc trùng hưng đất nước. Nhưng ít ai biết rằng giữa những ngày sóng gió của quốc gia dân tộc, vốn sẵn lòng từ bi bác ái, thương xót chúng sinh, vào năm 1287, Người đã giác ngộ giáo lý nhà Phật; được Tuệ Trung thượng sĩ truyền tâm ấn, tôn Thượng sĩ làm thầy và dốc lòng quy Phật, như sau này Người đã viết trong bài phú “Cư trần lạc đạo”.
Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
… Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Năm 1293, khi non nước thanh bình Trần Nhân Tông truyền ngôi cho Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng vừa lo việc đời, vừa chăm việc đạo theo tinh thần mà ngày nay ta gọi là “Đạo pháp - dân tộc”. Chùa Phổ Minh và phủ Thiên Trường lại càng gắn bó với Trần Nhân Tông. Hiện nay, trong gian chính điện của chùa Phổ Minh còn có tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Và dân gian còn truyền tụng câu ca dao sau:
“Dù ai tranh bá đồ vương
Trẫm xin gửi lại nắm xương chùa này”
Còn phủ Thiên Trường, cung Trùng Quang là nơi nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần khi Trần Nhân Tông là thượng hoàng. Cảnh điền dã, chùa làng, đất Phật đã gợi cảm hứng để Người sáng tạo hai bài thơ tuyệt tác “Thiên Trường vãn vọng” và “Hạnh Thiên Trường hành cung”.
Thiên Trường vãn vọng
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Tạm dịch:
Sau thôn, trước xóm khói lồng
Nửa không nửa có chiều buông
ánh tà
Trâu về sáo mục ngân nga
Từng đôi cò trắng là là đồng xanh).
Hạnh Thiên Trường hành cung
Cảnh thanh u vật diệc thanh u
Thập nhất tiên châu thử nhất châu
Bách bộ sinh ca cầm bách thiệt
Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu
Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh
Kim niên du thắng tích niên du
(Tạm dịch:
Cảnh thanh u, vật thanh u
Một trong mười một tiên châu ngọc ngà
Trăm loài chim tấu nhạc ca
Nghìn hàng quất ấy như là tôi con
Trăng nhàn soi bóng người nhàn
Nước thu ngậm sắc muôn vàn trời thu
Bốn phương trong, lắng bụi mù
Năm nay hơn hẳn năm xưa chốn này).
Rõ ràng cảnh nước non thanh bình được nhìn qua lăng kính của một vị chân tu mà chúng sinh suy tôn là Giác hoàng (Phật) - Điều ngự (một trong mười pháp danh của Phật Tổ) nên vô cùng trong lặng, nhuốm màu "sắc không" nhà Phật.
Thế nhưng, nơi nước non Phật thanh u trong lắng đó, mùa xuân năm Quý Mão (1303) đã trở nên vô cùng sôi động: Cuộc bố thí Ba la mật do Điều ngự Giác hoàng chủ trì "Quý Mão (1303). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 15, Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí" (Đại Việt Sử ký toàn thư - Quyển 5 - Kỷ nhà Trần).
Là nơi lưu giữ bảo tích của Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, cũng là đại danh lam thờ thập phương chư Phật, nên nghi thức thờ cúng ở chùa Phổ Minh rất trang nghiêm. Ngày sóc, vọng hàng tháng, cũng như vào các dịp đại lễ hàng năm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Phật đản, Trung nguyên… đều diễn ra các khóa lễ tụng kinh, niệm Phật. Phật tử và khách thập phương tụ hội về đông đúc. Hương hoa thơm ngát khắp 9 gian từ đường, 3 gian Tam bảo thượng điện, 11 gian hậu điện.
Đặc biệt vào dịp kỵ nhật Đại sĩ Trúc Lâm đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 11 âm lịch hàng năm, nghi thức thờ tự càng hết sức trang nghiêm. Trước sân chùa, quốc kỳ và cờ Phật được thướng lên đỉnh cột cao. Từ tam quan trở vào là hai hàng cờ phướn, đối liễn sắc màu rực rỡ, nội dung ca ngợi cảnh châu Tiên, đất Phật, cùng ngợi ca công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Lễ đài được trang trọng dựng trên khoảng sân rộng trước cửa bảo tháp. Tại đây sáng ngày 2 thường diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể ngày viên tịch của Phật hoàng với sự có mặt của quan khách Nam Định và đông đảo chúng sinh, phật tử thập phương. Sáng ngày 3, phật tử chúng sinh theo sự hướng dẫn của sư trụ trì khai lễ tụng kinh cầu nguyện Đức Phật hoàng, cùng Tam bảo, Hộ pháp, Thiện thần phù hộ quốc thái dân an. Sau lễ cúng dàng chư Phật, mọi người hoan hỉ thụ lộc cơm chay trong không gian Phật ngát hương, rồi ra về trong tâm trạng bình an, kính ái, từ bi hỉ xả…
* *
*
Chùa Tháp Phổ Minh, từ lâu đã trở thành chốn du lịch tâm linh trên đất nước, quê hương chúng ta. Hàng năm, mỗi dịp tết đến xuân về, hàng ngàn, hàng ngàn phật tử, du khách thập phương lại có dịp vãng cảnh chùa, thành kính dâng hương, chiêm bái "Giác hoàng Điều ngự nhập Niết bàn", trầm tư bên tòa tháp cổ kính, ngẫm ngợi về công đức Người trường tồn mãi mãi trên đất nước Vạn Xuân này./.
Đỗ Thanh Dương