Nam Định là một địa bàn từ rất sớm đã có con người cư trú, gắn liền với quá trình chinh phục, khai phá của cư dân người Việt ở châu thổ Sông Hồng. Ngoại trừ vùng duyên hải như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ (huyện Giao Thuỷ hiện nay, khác với địa giới huyện Giao Thuỷ có từ thời Lê được ghi chép trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi) được coi là vùng đất trẻ mới được bồi tụ và khai phá sau này, vùng đất phía Bắc tỉnh Nam Định là vùng đất cổ gắn liền với quá trình định cư của cư dân người Việt từ hàng ngàn năm trước, cùng góp phần tạo nên nền văn minh Sông Hồng.
Theo thống kê của Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục, vào đầu thời Minh Mệnh (1820), toàn tỉnh có 58.003 người, đến cuối đời Tự Đức có 70.898 người. Tuy nhiên, thế kỷ XIX, còn bao gồm phần lớn tỉnh Thái Bình, tương ứng với trấn Sơn Nam Hạ trước đó, vì thế việc xác định rạch ròi về số lượng dân cư gặp không ít khó khăn.
Theo tài liệu thống kê và các tài liệu khảo sát thực địa của Gourou, Nam Định là một trong những tỉnh có mật độ cư dân đông nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó nơi tập trung nhất là hai bên bờ thượng lưu sông Đại Giang. Vào thời điểm này, toàn bộ Bắc Kỳ có 580 làng có trên 5000 dân, thì 413 làng là ở Nam Định và Thái Bình. Tổng Trà Lũ (phủ Xuân Trường) là phủ đông dân nhất trong tất cả các miền của đồng bằng với 37.148 người /22,4 km2; mật độ dân số là 1650 người/ km2. Các tổng Hành Thiện, Thuỷ Nhai, Kiên Lao, Phương Đê, Thần Lộ, Ngọc Giả Thượng có mật độ từ 1200-1500 người /km2.
Trên địa bàn Nam Định vào những năm 30 của thế kỷ XX, các làng mới được thành lập có dân số ít như Phú Lễ Ấp, Phú Vân Nam (tổng Ninh Mỹ, huyện Hải Hậu); Xương Điền, Xương Hà huyện Hải Hậu; Doanh Châu, Trung Quang, Thanh Trà, Trung Thương tổng Quế Hải, phần thấp tổng Lạc Thiện, tổng Hà Cát (Xuân Trường). Tổng Bình Lương (Ý Yên) có mật độ trên 500người/km2.
Theo ước tính của Gourou và Vũ Quốc Thúc, dân số Nam Định qua điều tra dưới thời Pháp thuộc khoảng 900.000 người. Chỉ từ năm 1960 và đặc biệt từ 1989 trở lại đây chúng ta mới có những tư liệu đáng tin cậy về dân số Nam Định.
Năm |
Số dân (người) |
1931 |
900.000 (ước tính) |
1989 |
1649.000 |
1999 |
1888.409 |
Số dân Nam Định qua các cuộc Tổng điều tra
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999, Nam Định có 1888.409 người, là một trong 6 tỉnh có dân số đông nhất trong cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Hà Tây. Huyện có số dân đông nhất là huyện Hải Hậu và thấp nhất là huyện Mỹ Lộc. Mật độ cư dân tập trung đông nhất là thành phố Nam Định: 5350 người/ km2 và thấp nhất là huyện Nghĩa Hưng với 787 người/ km2. Nam Định có diện tích 1671 km2 chỉ chiếm 0,52% diện tích toàn quốc trong khi số dân chiếm tới 2,25% dân số cả nước.
Trong bối cảnh chung của đồng bằng châu thổ Sông Hồng, Nam Định là tỉnh có mật độ dân số đông: 1141 người/km2 (1989) và 1337 người/km2 năm 1999, chỉ sau Hà Nội và tỉnh Thái Bình. Trong khi đó, bình quân trên 1 km2 ở đồng bằng Bắc Bộ là 430 người năm 1931, gần 1000 người năm 1989. Cho đến thời điểm năm 1999, mật độ dân số ở nước ta là 231 ng/km2 và 236 ng/km2 năm 2000, trong khi đó mật độ dân số đồng bằng Sông Hồng tới 1180 ng/km2 .
Trong nhiều năm qua, trước yêu cầu phát triển đất nước và sự bùng nổ dân số, Nhà nước đã chủ trương tăng cường các biện pháp thực hiện kế hoạch hoá gia đình nhằm giảm sự gia tăng dân số. Trong bối cảnh chung đó, tỉnh ta đã phấn đấu thực hiện chiến lược dân số và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tỉ lệ sinh qua các năm từ 1991 đến 1996 như sau:
Đơn vị tính: 0/ 00
Năm |
1991 |
1992 |
1993 |
1994 |
1995 |
1996 |
Tỉ lệ sinh |
24,49 |
25,75 |
25,13 |
23,19 |
20,52 |
18,60 |
Nguồn: Niên giám thống kê Nam Định 1991-1996, Cục thống kê Nam Định 1997
Tốc độ tăng dân số thực tế bình quân (1989- 1999) là 0,7%. Nhờ đó, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên từ 19,49 0/00 năm 1991giảm xuống còn 18,60 0/00 năm 1996 và tiếp tục giảm xuống trong những năm cuối của thập kỷ 90.
Kết quả điều tra trong một số năm gần đây, kết cấu xã hội của dân số Nam Định khá phong phú. Nếu như năm 1991 tổng số lao động là 890.000 người thì năm 1996 đã tăng lên 988.000 người, trong đó số người có khả năng lao động là 798.000 người (1991) và 883.000 người năm 1996.
Theo tài liệu thống kê, tỉ lệ lao động trên dân số toàn tỉnh là 51,6% (năm1996) và 51,7% (năm 1998) chiếm 2,71% và 2,7% lao động của cả nước. Trong số đó, tỉ lệ lao động không có chuyên môn là 87,5% (năm1996) và 90% (năm 1998). Số lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên trên 1000 lao động là 24 (năm 1996 và 1998). Tỉ lệ thất nghiệp lâu dài từ 6 tháng trở lên là 0,9% (năm 1998); tỉ lệ thiếu việc làm là 27% (năm 1998). Theo tài liệu thống kê năm 1999, số người có trình độ văn hoá từ đại học trở lên trên 100.000 dân là 732 người, tỉ lệ sinh viên nhập học đại học là 3,3% so với tổng số sinh viên cả nước (năm 1995) và 2,54% (năm 1998); số sinh viên nhập học đại học là 154/100.000 dân (năm 1995) .
Trong tổng số cư dân Nam Định, số dân nông thôn vẫn chiếm đa số. Theo tổng điều tra năm 1999, trong tổng số 1.888.429 người, số cư dân thành thị là 234.176 người (chiếm tỉ lệ 12,4%) và cư dân nông thôn là 1.654.223 người; trong khi đó tỉ lệ cư dân thành thị trong cả nước là 23,48% và ở đồng bằng Sông Hồng là 21,06%. Tỷ lệ cư dân thành thị và nông thôn ở Nam Định chỉ bằng bình quân của các tỉnh bắc Trung Bộ và thấp hơn một số tỉnh ở trong khu vực.
Tình hình phân bố dân cư qua các biểu thống kê trên đây cho thấy mật độ dân số cao nhất là thành phố Nam Định (4123 ng/km năm 1989; 5328ng/km2 năm 1996). Mật độ dân số thấp nhất là các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Giao Thuỷ, dưới 1000ng/km2, thấp hơn mức trung bình ở đồng bằng sông Hồng (1180ng/km2). Ngoài cư dân sống tập trung ở các đô thị, các huyện ở các vùng cận đồi núi mà các nhà địa lý xếp vào kiểu đồng bằng tích tụ xen đồi sót mang đặc trưng vùng chiêm trũng như ở Ý Yên, Vụ Bản, có mật độ cư dân thưa hơn. Ngược lại ở các huyện đồng bằng như Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực và đồng bằng duyên hải như Giao Thuỷ, Hải Hậu có mật độ cư dân đông đúc hơn gắn liền với những điều kiện thuận lợi trong việc canh tác nông nghiệp.
Theo Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2001 của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia và UNESSCO, chỉ số phát triển con người ở Nam Định so sánh với các vùng trong cả nước như sau:
Tuổi thọ : 75,3 ( năm )/ bình quân cả nước 70,9.
Tỷ lệ biết chữ của người lớn: 94,3 % / 90,3% trong cả nước.
GDP bình quân / người ( 1000 đ / năm ) là 2734.
Chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) là 0,700, (trong khi đó chỉ số này trong cả nước là 0,696), xếp thứ 12 trong 61 tỉnh thành trong cả nước và thuộc nhóm 12 tỉnh thành phố có chỉ số phát triển con người cao.
Chỉ số phát triển giới (GDI) ở Nam Định xếp thứ 10 trong cả nước: tỷ lệ dân số nữ 51,3 % (năm 1999); GDP bình quân thực tế đầu người (PPP,USD) là 974 ; khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ: 88,5%; tỷ lệ nhập học các cấp giáo dục là 89,2 % ở nam và 80,8 % ở nữ giới; tuổi thọ trung bình năm 1999 đối với nam giới là 72,8 và 77,9 ở nữ, tuổi thọ bình quân chung là 75,3, đứng thứ 5 trong cả nước về thứ hạng cao, trong khi đó bình quân tuổi thọ ở đồng bằng sông Hồng là 73,7 và trong toàn quốc là 70,9; tỷ lệ người lớn mù chữ là 2% đối với nam giới và 9% đối với nữ giới.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]