Đặc điểm thủy văn tỉnh Nam Định

08:11, 17/11/2011

Nguồn nước của tỉnh Nam Định rất phong phú, nhưng biến đổi theo mùa và chịu ảnh hưởng của thủy triều. Nguồn nước mưa do lớn hơn bốc hơi, mà đã cung cấp cho đồng ruộng Nam Định khoảng 1,4 đến 1,5 tỷ m3 nước, trong đó nước mặt chiếm 80% và nước ngầm chiếm 20%, đủ dùng cho cấy lúa nước nếu rải đều trong năm. Nhưng do chế độ gió mùa mà mùa đông chỉ đủ nước cho cây trồng ưa khô, còn vụ lúa phải trông vào gió mùa mùa hạ, cho nên gọi là vụ mùa. Sông Hồng là nguồn nước lớn gấp bội phần, nhưng không sử dụng được nhiều do hệ thống đê và do mực nước sông lúc thì quá cao khi cần tiêu hoặc quá thấp khi cần tưới. Nguồn phù sa to lớn hằng năm cũng chỉ có ích là bồi nhanh vùng cửa sông, tạo thế lấn biển sau này, còn dùng để bồi bổ cho đất đai chưa đáng là bao. Sông Hồng, lúc chưa phân nước cho sông Nam Định, tải tới 67 tỷ m3 nước, sau khi phân cho sông Nam Định, sông Ninh Cơ thì chỉ còn 35 tỷ m3 ra cửa Ba Lạt. Sông Nam Định nhận từ sông Hồng 25 tỷ m3, khi gặp sông Đáy thì thêm 5 tỷ m3 nữa và lượng nước đổ ra cửa Đáy là 30 tỷ m3 xấp xỉ cửa Ba Lạt. Sông Ninh Cơ được 7 tỷ từ sông Hồng và đổ ra cửa Lạch Giang. Như vậy 72 km bờ biển của tỉnh Nam Định nhận được 72 tỷ m3, khiến cho vùng nước biển ven bờ bị lợ vào mùa mưa lũ. Nhưng bù lại đã nhận được tổng cộng tới 165 triệu tấn phù sa mầu mỡ. Trong số đó sông Hồng cung cấp 152 triệu (70 triệu qua cửa Ba Lạt, 67 triệu qua sông Nam Định và 15 triệu qua sông Ninh Cơ) và sông Đáy cung cấp 13 triệu (thành ra lượng phù sa qua cửa Đáy tới 80 triệu, hơn cả ở cửa Ba Lạt). 

Phân bố độ mặn trên các sông.
Phân bố độ mặn trên các sông.

Mật độ lưới sông trong tỉnh không đủ để tiêu hết nước dư thừa trong mùa mưa lũ, khiến cho rải rác khắp nơi đều có vùng úng ngập tạm thời, riêng ô trũng Vụ Bản - Ý Yên có thêm những vùng ngập úng thường xuyên chưa tiêu thoát được. Tuy nhiên nếu khai thác hợp lý, phù hợp với điều kiện địa -  sinh thái, thì vùng ngập úng cũng có những lợi thế riêng, chưa chắc đã thua kém về hiệu quả kinh tế.

Trong tỉnh có khoảng 530,1 km sông ngòi, trong đó có 16 sông ngòi dài trên 10 km với tổng chiều dài là 430,4 km, riêng 4 sông lớn (Hồng, Đáy, Nam Định, Ninh Cơ) đã được 251 km. Như thế mật độ mới đạt 0,33 km/km2 trong khi đó nhu cầu phải trên 2 km/km2. Vì vậy hệ thống kênh mương trong tỉnh phải bù vào, đặc biệt là vùng giáp biển vì còn thêm nhu cầu rửa mặn.

Nguồn nước ngầm trong tỉnh khá phong phú và phân bố làm hai tầng, cách nhau bởi một tầng cách nước. Tầng nước ngầm thứ nhất gồm lớp chứa nước lỗ hổng thuộc hệ tầng Thái Bình và lớp chứa nước lỗ hổng thuộc hệ tầng Hải Hưng, nói chung gồm cát, bột và sét. Sau đến tầng cách nước là tầng sét thuộc hệ tầng Vĩnh Phúc. Tầng chứa nước thứ hai bên dưới gồm có lớp chứa nước lỗ hổng thuộc hệ tầng Hà Nội - gồm sạn, sỏi lẫn cát và lớp chứa nước lỗ hổng Thái Thụy gồm cuội, sỏi lẫn cát, sét. Cuối cùng là 2 lớp chứa nước không liên tục thuộc hệ tầng Neogen Vĩnh Bảo và hệ tầng đá biến chất Thái Ninh đới chứa nước không liên tục.

Do lịch sử địa chất kiến tạo, có sự phân bố nước ngầm khác nhau giữa phần phía tây đứt gẫy kiến tạo qua vùng núi Gôi sụt nông và phần phía đông sụt sâu. Phần sụt nông chỉ có 1 tầng nước ngầm gồm các lớp thuộc các hệ tầng Holoxen sâu từ 0 đến - 30 m. Tại phần sụt sâu tuy có đủ hai tầng chứa nước ngầm, nhưng vẫn có sự phân bố sâu nông khác nhau của lớp chứa nước Pleixtoxen QI - II III, phụ thuộc vào độ dày của tầng cách nước Vĩnh Phúc, có nơi chỉ dày 10 m, có nơi dày tới 60 m.

Ảnh hưởng của biển thể hiện ở sự xâm nhập mặn và sự lan truyền của thủy triều. Ranh giới độ mặn 1%o cực đại vào sâu tới 16-17 km theo đường chim bay từ bờ biển vào đất liền, cho nên đất mặn có nơi vào sâu quá sông Ninh Cơ. Ngược lại ranh giới độ mặn 1%o cực tiểu lại ở ngay sát biển như tại cửa sông Hồng, cửa sông Đáy, vì thế đất phù sa sông Hồng không mặn ra đến gần bờ biển xã Giao Hương, xã Giao An, huyện Giao Thủy và nói chung là đất mặn ít và trung bình chỉ là đất mặn thời vụ, mặn vào mùa khô mà thôi. Tuy nhiên nếu xét ranh giới độ mặn 4%o cực đại cũng vào sâu tới 14-15 km theo đường chim bay, thì nói chung vùng phía đông sông Ninh Cơ vẫn nằm trong sự uy hiếp của nước biển và đê sông tại vùng này cũng thực chất là đê ngăn mặn, nhất là vào lúc bão to khớp với triều cường. Đo dọc chiều sông thì ảnh hưởng của nước mặn tại 3 sông lớn sông Hồng, sông Đáy và sông Ninh Cơ cụ thể như sau.

Trên sông Hồng:    

Biên giới mặn 1% o cực đại vào sâu 24,5 km.
Biên giới mặn 4% o cực đại vào sâu 21,0 km.
Biên giới mặn 1% o trung bình vào sâu 17,0 km
Biên giới mặn 4% o trung bình vào sâu 5,2 km
Biên giới mặn 1% o cực tiểu vào sâu 2,0 km

Trên sông Đáy:   

Biên giới mặn 1% o cực đại vào sâu 31,6 km.
Biên giới mặn 4% o cực đại vào sâu 27,0 km.
Biên giới mặn 1% o trung bình vào sâu 16,0 km
Biên giới mặn 4% o trung bình vào sâu 8,0 km
Biên giới mặn 1% o cực tiểu vào sâu 4,0 km

Trên sông Ninh Cơ:   

Biên giới mặn 1% o cực đại vào sâu 47,5 km.
Biên giới mặn 4% o cực đại vào sâu 42,0 km.
Biên giới mặn 1% o trung bình vào sâu 14,0 km
Biên giới mặn 4% o trung bình vào sâu 10,5 km
Biên giới mặn 1% o cực tiểu vào sâu 5,6 km

 Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com