Đặc điểm giới sinh vật

08:11, 24/11/2011

Hệ địa - sinh thái coi như cân bằng khi sinh vật và môi trường vô cơ phù hợp với nhau, sinh vật thì phát triển thuận lợi và môi trường thì được sinh vật bảo vệ, bền vững.

Tại địa phận tỉnh Nam Định, trong một môi trường châu thổ lấn biển dưới khí hậu chí tuyến gió mùa ẩm, nhân dân đã đắp đê sông, đê biển, khai thác cả khu vực trong và ngoài đê, ta sẽ không gặp nhiều hệ địa - sinh thái tự nhiên nguyên thủy. Tuy nhiên do khu vực ngoài đê biển còn nhiều bãi triều rộng mà tại Nam Định ngoài các cây trồng, vật nuôi ta còn gặp khá nhiều thực vật và động vật tự nhiên, đó là một điều may mắn mà ta cần tận dụng và giữ gìn.

Thực vật
Thực vật

Cây trồng phù hợp nhất với phù sa châu thổ nóng ẩm, ngập nước là cây lúa nước. Cho nên trồng lúa nước không những cho năng suất cao mà đất đai không thoái hóa, vì thế đã thành một quy luật, không chỉ riêng Việt Nam, là tại tất cả đồng bằng châu thổ đều trồng lúa nước và hàng nghìn năm nay đã nuôi sống được mật độ dân cư cao vào bậc nhất thế giới. Do đó đi trên đất Nam Định, nhất là vào mùa mưa, chỉ thấy đồng lúa bát ngát, xanh rờn. Ra sát biển cây trồng phù hợp với đất lợ là cói, một cây công nghiệp cho ta vô vàn sản phẩm tiêu dùng hữu ích như chiếu, làn, túi xách... Tại các vùng đất cát ven sông, cây phù hợp là rau, mầu, cây công nghiệp ngắn ngày ưa khô chỉ trồng trong mùa cạn. Trong tập đoàn cây công nghiệp tại Nam Định đáng chú ý có đay (ven sông Hồng), mía (vùng châu thổ hiện tại trong đê biển), đậu tương (đất bãi bồi cao), lạc (đất cồn cát cổ).

Trong các vườn làng là cả một tập đoàn cây ăn quả và cây lâu năm khác. Các điểm quần cư nông thôn thường chọn các nơi cao ráo như gờ đất ven sông cũ, các cồn cát cũ, nếu là các bãi bồi thì thường phải đào ao vượt thổ, cho nên trong làng thường rất nhiều hồ ao là nơi nuôi trồng thủy sản như thả sen, nuôi cá, thả rau muống...

Vùng bãi triều được khai phá khá mạnh để nuôi tôm quảng canh và thâm canh. Năng suất đồng tôm quảng canh dựa vào nguồn giống và thức ăn tự nhiên do dòng triều cung cấp khoảng 300 kg/ha/năm. Khi nuôi thâm canh, có bổ sung con giống và thức ăn thì năng suất tăng lên 500- 1000 kg/ha/vụ (có thể được 2 vụ trong một năm, mỗi vụ khoảng 4- 5 tháng từ tháng 2 đến tháng 6 và từ tháng 7 đến tháng 11, bắt đầu vào hai thời kỳ mật độ tôm giống tự nhiên cao). Ngoài tôm, còn hai đối tượng nuôi trồng tại cửa sông ven biển là rong câu và ong, nhưng kém phát triển hơn.

Thực vật tự nhiên chủ yếu mọc trên các bãi triều, từ ngoài vào trong là quần xã cỏ chịu mặn, rồi đến cây rừng ngập mặn. Trên các cồn cát có muống biển, sam biển, muối biển. Tại các bãi triều có cỏ gấu, cỏ gà và đặc biệt là cỏ ngạn. Ở cửa Đáy và cửa Lạch Giang cỏ ngạn cao tới 0,8-1,0 m và che phủ dày đặc ở bãi triều nông.

Trong rừng ngập mặn có một số loài phổ biến là: Trang chiếm ưu thế và phát triển tốt nhất trên đất phù sa mới bồi. Sú mọc xen với trang, khá phố biến trên đất bồi đã ổn định. Tra là những cây cao vượt tán, sống rải rác trong các quần thể sú, trang và các trảng cỏ. Sống ở những nơi  đã cao có cóc, giá, su. Ô rô sống thành đám riêng hoặc xen với những cây khác ở nơi có nhiều nước hoặc ven mép nước. Bần chua mọc nhiều ở sâu trong cửa sông.

VQG Xuân Thuỷ, huyện Giao Thuỷ.
Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, huyện Giao Thuỷ.

Thực vật thủy sinh có phiêu du thực vật, rong, tảo, nhiều nhất là tảo silic là nguồn thức ăn cho động vật thủy sinh. Tại các đầm lầy biển có cói và lau sậy.

Do tính chất phức tạp của điều kiện sống, trước hết là sự thay đổi của nồng độ muối theo chiều ngang và chiều thẳng đứng mà ta có thể chia phiêu du thành 3 nhóm: nhóm nước ngọt, tồn tại ở nơi có độ muối thấp; nhóm nước lợ là nhóm chính của vùng cửa sông bao gồm cả nhóm rộng muối và rộng nhiệt; nhóm nước mặn bao gồm cả những động vật rộng muối, nhưng thường sinh sống ở những nơi có độ muối cao hơn ở vùng cửa sông.

Động vật đáy bao gồm các loài thân mềm như ngao, vọp, sò và một số loài cua, tôm phổ biến nhất là tôm rảo, tôm sú, tôm lớt. Những động vật này tập trung ở các đáy cát hoặc bùn cát của vùng cửa sông. Ven biển Giao Thủy có bãi ngao tới 1000 ha, trữ lượng theo tính toán ước tới 11200 tấn.

: hiện nay thống kê được156 loài cá ở vùng cửa sông Hồng, trong đó có 40 loài có ý nghĩa kinh tế. Sản lượng cá khoảng 5000 tấn/năm.

Chim: cửa sông Hồng là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của chim di cư. Tại Nam Định có một khu bảo tồn thiên nhiên Giao Thuỷ được thành lập năm 1989 với diện tích 12000 ha. Chim có gần 200 loài, trong đó có một số loài được ghi vào Sách Đỏ quốc tế: cò thìa, bồ nông chân hồng, cò trắng Trung Quốc, mòng biển đầu đen, choắt đầu đốm, choi choi mỏ thìa, choắt chân màng lớn.

 Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com