Đổi thay trên quê hương Nam Vân

09:10, 07/10/2011

Nói về truyền thống cách mạng của quê hương, ông Vũ Xuân Tác, 74 tuổi, đảng viên 51 tuổi Đảng, ở thôn Địch Lễ, xã Nam Vân (TP Nam Định) không giấu nổi tự hào: Địch Lễ là “chiếc nôi” của phong trào kháng chiến chống Pháp của xã Nam Vân, là nơi nhen nhóm phong trào cách mạng, nơi hoạt động của các hội quần chúng cứu quốc như hội tương tế, hội ái hữu, hội hiếu, hội hỷ, hội kín, đoàn thanh niên dân chủ… Đình Hồ Sen thôn Địch Lễ chính là nơi đơn vị du kích tập trung của xã được thành lập, để từ đó, địa bàn xã Nam Vân đã trở thành một căn cứ du kích mạnh ngay trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Pháp ở tỉnh ta còn đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Làng Địch Lễ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương; nhân dân ngày đêm sản xuất “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hàng trăm thanh niên trong làng xung phong ra trận và đi dân công hỏa tuyến. Với những đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến, làng Địch Lễ đã được Chính phủ tặng Bằng “Có công với nước”. Đặc biệt, nơi đây đã sinh ra những người con ưu tú, trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu cho những tấm gương đó là các đồng chí: Lê Đức Thọ (tức Phan Đình Khải), Mai Chí Thọ (tức Phan Đình Đống), Đinh Đức Thiện (tức Phan Đình Dinh).

Làng văn hóa Địch Lễ, xã Nam Vân (TP Nam Định).  Ảnh: Xuân thu
Làng văn hóa Địch Lễ, xã Nam Vân (TP Nam Định).
Ảnh: Xuân Thu

Nằm ở cửa ngõ phía nam của Thành phố Nam Định, xã Nam Vân có cơ sở cách mạng từ rất sớm mà xuất phát là từ làng Địch Lễ. Trong những ngày đầu thành lập Đảng (3-2-1930), nhiều người con quê hương được giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên của Đảng. Trong những năm tháng ấy, lực lượng cách mạng ở quê nhà do những người yêu nước ở Địch Lễ mà tiêu biểu là đồng chí Phan Đình Khải đã bất chấp những khó khăn gian khổ từng bước nhen nhóm lên, từ một thôn lan ra khắp xã, khắp vùng. Năm 1934-1935, nhiều tổ chức hội yêu nước, cách mạng đã được thành lập từ phong trào đấu tranh của quần chúng, thu hút hàng chục người rồi hàng trăm người tham gia. Đó là tiền đề để qua 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp với biết bao hy sinh mất mát, nhân dân Nam Vân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đã đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, xây dựng địa phương thành một căn cứ du kích vững mạnh ngay sát cơ quan đầu não của chúng, lập nên những chiến công vang dội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dân quân du kích xã Nam Vân đã phối hợp với bộ đội và độc lập chiến đấu hơn 30 trận lớn nhỏ, phá 4 bốt dõng, tiêu diệt 35 tên giặc, bắt sống hơn 30 tên, trong đó có tên đồn trưởng ác ôn ngay trong đồn giặc và 6 tên gián điệp vũ trang ngay ban ngày, phá nhiều ổ nhóm khác và trừng trị hai tên cầm đầu ngay trên địa bàn xã. Những tên đất, tên làng như Vấn Khẩu, Địch Lễ, Thượng Hữu, Đồng Vân... được nhắc đến ngày nay như những chứng tích minh chứng cho quá khứ oai hùng đó của đất và người Nam Vân. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Nam Vân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhiều phong trào “thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” được dấy lên mạnh mẽ như phong trào “3 đảm đang” của phụ nữ, “3 sẵn sàng” của thanh niên, “3 giỏi” của phụ lão... chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Vân đã tiễn đưa gần 500 người con quê hương lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều gia đình có ba, bốn con cùng ra trận như gia đình cụ Phạm Thị Phiêu xóm 7, có 4 người con vừa trai vừa gái cùng nhập ngũ, gia đình cụ Nguyễn Thị Cống, thôn Vấn Khẩu có 4 người con cùng ra trận, gia đình cụ Lại Viết Xoang có 4 người con nhập ngũ... Nhiều thanh niên không đủ điều kiện nhập ngũ cũng đã tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong phục vụ nơi tuyến lửa, góp công sức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Làng Địch Lễ, “điểm sáng” của phong trào cách mạng ở xã Nam Vân năm xưa nay đã trở lại khung cảnh làng quê ấm áp, thanh bình mang vẻ đẹp của một làng quê giàu truyền thống văn hóa. Những đình chùa, miếu mạo qua nhiều năm vẫn được nhân dân trân trọng gìn giữ, những con đường nối dài xóm liền xóm, thôn liền thôn tỏa cây xanh bóng mát. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bên cạnh những nét đẹp văn hóa truyền thống luôn được trân trọng gìn giữ, làng Địch Lễ nói riêng, xã Nam Vân nói chung đã có sự đổi thay, tạo nên những chuyển biến căn bản, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống các công trình phúc lợi: điện, đường, trường, trạm, nước sạch đã được đầu tư xây dựng, phục vụ cho sinh hoạt, đời sống của người dân. Đường giao thông trong xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa tới tận từng hộ gia đình, 10/11 thôn xóm đã có nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Ba trường học của xã đã xây dựng được cơ sở vật chất và hoàn thiện các tiêu chí chuẩn quốc gia giai đoạn 1 và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường mầm non. Trạm y tế, nghĩa trang liệt sỹ, chợ được quy hoạch, xây dựng khang trang… Nam Vân hiện là đơn vị tiêu biểu của thành phố trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với 9/11 làng đạt danh hiệu làng văn hóa cấp thành phố và cấp tỉnh… Để tạo nên những đổi thay của quê hương, Đảng uỷ xã đã đề ra các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp; trong đó, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng để phục vụ sản xuất như đường điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng bờ thửa để chống ngập úng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, xã đầu tư kinh phí mở các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân nắm bắt được khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất, mở các lớp đào tạo nghề cho nhân dân, định hướng cho nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh để tăng thu nhập. Từ năm 2003, xã đã xây dựng quy hoạch vùng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp từ những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay xã đã chuyển đổi 9ha diện tích đất nông nghiệp sang trồng hoa, cây cảnh. Vùng nuôi trồng thủy sản của xã hiện có 30ha gồm 111 ao nuôi của các hộ dân. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm cũng đã có hướng phát triển nhân rộng tại các thôn xóm trong xã. Do tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế, số hộ khá và giàu trong xã tăng nhanh, hộ nghèo giảm, chỉ còn 4,7%. Đồng chí Phạm Minh Sắt, Bí thư Đảng ủy xã Nam Vân cho biết: Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương đồng chí Lê Đức Thọ và nhiều nhà hoạt động cách mạng ưu tú của Đảng, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Vân nguyện sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Nam Vân ngày càng giàu đẹp./.

 Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com