Trung thu vang nhịp lân, sư, rồng

06:09, 09/09/2022

Những ngày này, ở khắp làng quê đến nơi thị thành đều ngập tràn sắc màu của những chiếc đèn ông sao cùng nhịp trống náo nhiệt của các đội múa lân, sư, rồng. Để chuẩn bị biểu diễn dịp Trung thu, nhiều câu lạc bộ (CLB) múa lân, sư, rồng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư bài bản từ đạo cụ, trang phục đến kỹ thuật biểu diễn.

Các đoàn nghệ thuật lân, sư, rồng Kim Anh Đường và Thiên Trường biểu diễn tại huyện Nam Trực.
Các đoàn nghệ thuật lân, sư, rồng Kim Anh Đường và Thiên Trường biểu diễn tại huyện Nam Trực.

Không khí rộn ràng

Chuẩn bị cho Tết Trung thu, những đội múa tứ linh ở các địa phương trong tỉnh say mê luyện tập để biểu diễn. Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, trong khuôn viên Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Nam Định, tiếng trống rộn rã vang lên đưa nhịp cho các võ sinh môn võ cổ truyền tập luyện những bài múa lân. Từ niềm yêu thích đặc biệt với múa lân, năm 2007, Võ sư Trần Đức Tấn đã nhen nhóm ý tưởng thành lập CLB võ thuật lân, sư, rồng Thiên Trường. Hiện nay, CLB có 15 thành viên đều là những người theo học võ cổ truyền từ 3 năm trở lên. Để chuẩn bị các buổi biểu diễn dịp Tết Trung thu, năm nay CLB tập luyện các động tác của bài “Song lân chầu nguyệt”. Đây là bài biểu diễn mới nhất của CLB với hình ảnh 2 con lân mang biểu tượng “thịnh vượng, trường thọ” “gõ cửa” gia chủ. Để có được những điệu múa đẹp mắt, các võ sinh phải chuyên tâm khổ luyện để tạo hình tượng con lân, sư, rồng trở nên sống động, biểu lộ được 10 cung bậc tình cảm... Nhờ khả năng biểu diễn chuyên nghiệp, CLB võ thuật lân, sư, rồng Thiên Trường thường xuyên kín lịch diễn. Trung thu năm nay, CLB biểu diễn ở phường Văn Miếu, Trần Quang Khải (thành phố Nam Định); Trường Tiểu học Lộc An, Trường Mầm non Lộc Vượng, Trường Mầm non Ban Mai Xanh...

Ở huyện Mỹ Lộc, nhiều địa phương cũng có đội múa tứ linh. Trong đó tiêu biểu là xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân, sư, rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng; xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử…; mỗi đội có từ 30-50 thành viên. Những ngày này, các đội múa tứ linh ở Mỹ Lộc đang chuẩn bị các trang phục, đạo cụ và say mê luyện tập các kỹ thuật múa mới để biểu diễn vào Tết Trung thu. Ở thôn Thượng xã Mỹ Hưng, vào các buổi tối đầu tháng 8 âm lịch, 30 thành viên của đội múa rồng hăng say luyện tập các kỹ thuật khó. Là vùng quê có truyền thống võ vật nên các thành viên trong đội thực hiện được nhiều điệu múa công phu như “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu” và “Múa dưới nước”. Khi biểu diễn buổi tối, đội múa rồng thôn Thượng còn thể hiện các tuyệt kỹ như: thắp nến thân rồng rồi múa làm cho rồng lung linh, huyền ảo; ban ngày người cầm gậy ngọc dẫn lộ để rồng đuổi theo; đến buổi tối, cây gậy ngọc được thay bằng bó đuốc sáng để múa lửa… Ở xã Mỹ Thắng, đội múa sư, rồng thôn Bườn có trên 50 người tham gia, kinh phí hoạt động do các thành viên tự nguyện đóng góp cùng sự ủng hộ của con em xa quê. Không có truyền thống múa tứ linh lâu năm, nên khi mới thành lập các thành viên trong đội phải tự học các kỹ thuật múa rồng trên băng, đĩa. Với sự kiên trì luyện tập liên tục vào các buổi tối, hiện nay các tiết mục múa sư, rồng của đội đã trở nên thuần thục. Đội sư, rồng làng Bườn đã đóng góp những tiết mục đặc sắc trong dịp Tết Trung thu và các lễ hội hàng năm ở địa phương như hội đình Bườn vào dịp tháng 8 và tháng 10
âm lịch…

Ở huyện Hải Hậu, ngay sau khi biểu diễn phục vụ tại Ngày hội văn hóa thể thao các xã, thị trấn, các đội múa lân, sư, rồng lại hăng say luyện tập chuẩn bị các tiết mục đặc sắc trong dịp Trung thu. Điểm đặc sắc của các đội múa tứ linh ở Hải Hậu là sự đầu tư bài bản từ đạo cụ, trang phục đến kỹ thuật biểu diễn. Ở xã Hải Phúc có hội múa lân được thành lập năm 2011 với tên gọi Hoàng Kỳ Lân, thành viên là các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Ngoài niềm đam mê, sáng tạo và cảm thụ âm nhạc, các thành viên trong hội với sức trẻ đã hăng say luyện tập những kỹ thuật khó để thể hiện nét tính cách và sự dũng mãnh của lân. Vào dịp Tết Trung thu năm nay, hội đã chuẩn bị các đầu lân biểu trưng cho ngũ sắc kết hợp biểu diễn các bài: “Ngũ lân tranh hùng”, “Ngũ lân sum vầy”...

Thổi hồn nghệ thuật lân, sư, rồng

Để gìn giữ nghệ thuật biểu diễn tứ linh, bên cạnh việc phát triển các CLB, ở một số địa phương trong tỉnh còn có nhiều nghệ nhân chế tác lân, sư, rồng trao truyền bí quyết nghề cho thế hệ trẻ. Có dịp về xã Thành Lợi để tìm hiểu về nghệ thuật làm rồng xóm Bến, từ đầu ngõ, chúng tôi cảm nhận không khí rộn rã trong tiếng vỗ tay theo nhịp trống múa rồng bên trong căn nhà của ông Vũ Văn Hiền, đội trưởng đội rồng. Ông Hiền cho biết: Nghệ thuật làm rồng mây đã có ở xóm Bến cách đây trên một trăm năm. Vào khoảng mùng 10 tháng Tám âm lịch, các nghệ nhân trong xóm lại tập trung làm rồng mây để đội rồng biểu diễn phục vụ nhân dân dịp lễ hội và Trung thu vào các ngày 13, 14, 15 tháng Tám. Quy trình làm rồng mây đòi hỏi sự công phu, khéo léo của nghệ nhân từ khâu chọn nguyên liệu đến khi hoàn thành. Trong đó, đầu rồng đòi hỏi độ kỳ công và tinh xảo cao nên rất kén người làm. Ở xóm Bến hiện nay có nhiều người làm được thân và đuôi rồng nhưng chỉ còn lại 5 nghệ nhân làm đầu rồng gồm các ông: Phan Văn Thanh, Phan Văn Năng, Phan Văn Tác, Vũ Duy Vừng, Vũ Văn Hiền. Những năm gần đây, do cây mây dại đang dần khan hiếm, những thành viên trong đội rồng phải thay thế rồng mây bằng đôi rồng bằng vải. Đôi rồng vải cũng do các nghệ nhân trong đội tự làm, trong đó rồng màu vàng dài 100m, rồng màu xanh dài gần 40m. Đặc biệt, đầu rồng ở xóm Bến được bọc bằng vải tráng ni lông, vảy được trang trí bằng sơn nhiều màu sắc và chống thấm nên không gặp phải “sự cố” khi biểu diễn dưới trời mưa. Sau những ngày lao động, người dân nơi đây lại háo hức chờ đợi đến dịp Tết Trung thu để được thưởng ngoạn những màn múa rồng đặc sắc. Các nghệ nhân làm rồng ở xóm Bến đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những con rồng độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Họ không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hoá của quê hương mà còn là người truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Ở phố Hai Bà Trưng (thành phố Nam Định), ông Trần Anh Phong (58 tuổi) là một trong số ít người còn lưu giữ nghề làm đầu lân, sư truyền thống. Trong căn nhà nhỏ với các đầu lân, sư đủ sắc màu, ông Phong chia sẻ: “Đến tôi là đời thứ 4 làm nghề đầu lân, sư tử. Với tâm niệm lưu giữ nghề truyền thống của các cụ trong gia đình, tôi quyết tâm bám trụ với nghề...”. Từ niềm đam mê cùng đôi bàn tay tài hoa đã giúp ông Phong tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thị trường. Những đầu lân, sư tử do ông Phong chế tác luôn toát lên hồn của linh vật. Ngay từ đầu năm, nhiều đại lý ở các tỉnh lân cận đã tìm đến ông Phong để đặt hàng. Dịp cao điểm đầu tháng Tám, ông Phong phải huy động từ 4-5 nhân công tăng ca ngày đêm để làm cho kịp tiến độ. Bên cạnh việc chế tác theo quy trình truyền thống, ông Phong cũng thường xuyên khảo sát nhu cầu của thị trường để làm các sản phẩm đầu lân, sư hợp thị hiếu khách hàng. Trước đây đầu lân, sư quét sơn bán chạy nhưng gần đây sản phẩm đòi hỏi công phu, tỉ mỉ hơn như dán giấy thiếc, vải kim sa, lông vũ, mắt lân… mới thu hút được khách. Là nghề gia truyền, nhưng ông Phong sẵn sàng chia sẻ các kiến thức làm nghề chế tác lân, sư khi người có nhu cầu học thực sự. Ông luôn tâm niệm nghề chế tác lân, sư, rồng cần phát triển mạnh hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của các đội, CLB múa tứ linh; có như vậy, loại hình nghệ thuật này mới có sức sống bền vững.

Sự phát triển của nghệ thuật múa tứ linh trên địa bàn tỉnh là thành quả công tác xã hội hóa, huy động nhân dân khôi phục, kế thừa và phát triển các loại hình văn hoá truyền thống. Trong dịp Trung thu, hoạt động của các đội múa lân, sư, rồng đã tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com