Tháng 6, cùng với những cơn mưa rào mát lành, những gốc hoa huệ đón được mưa, được nắng lá tốt bời bời, ken dày đặc khắp mặt ruộng. Từ trong những đám lá xanh, những ngồng, những búp hoa trắng tinh khôi, thơm ngọt đang vươn mình. Theo gió, hương hoa lan khắp cánh đồng, bay vào làng quấn quýt không gian, lưu luyến người đi đường.
Bà Trần Thị Ngọ, thôn Bình Dân, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chăm sóc ruộng hoa huệ của gia đình. |
Vừa tranh thủ nhổ cỏ, kiểm tra những gốc hoa bị sâu, bà Trần Thị Ngọ, thôn Bình Dân, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) vừa trò chuyện cùng chúng tôi: “Năm nay thời tiết thích hợp cho cây hoa huệ sinh trưởng, phát triển nên chất lượng hoa tốt hơn mọi năm. Sau một năm dịch dã, hoa đến kỳ thu hoạch không xuất bán được, người nông dân chúng tôi hy vọng năm nay giá cả ổn định để yên tâm trồng cấy”. Tháng 3 hàng năm, sau vụ cúc cuối cùng, gia đình bà Ngọ lại đảo đất chuẩn bị cho mùa hoa huệ mới. Tháng 3 xuống giống, tháng 6 bà đã có thể cắt những lứa hoa đầu đi bán. Hoa huệ có nhiều loại, huệ đơn (huệ sẻ, huệ ta) và huệ kép (huệ tứ diện, huệ trâu, huệ tàu), mỗi giống hoa có đặc tính, ưu, nhược điểm riêng. Với gần 2 sào huệ kép, theo bà Ngọ đây là giống hoa được người chơi yêu thích do đẹp, bông cao, nhiều cánh, thời gian ra hoa lâu, năng suất cao hơn. Tuy vậy, so với huệ đơn, mùi thơm của huệ kép kém hơn, thời gian lưu hương cũng ít hơn.
Gắn bó với cây hoa huệ hơn 10 năm, bà Ngọ rất hiểu biết về giống hoa này, khẳng định đây là giống hoa dễ trồng, cho năng suất cao, ít tốn công chăm sóc. Tuy vậy, để có những mùa vụ bội thu, hàng năm người trồng cũng phải bỏ không ít tâm sức. Trong đó, khâu chọn giống, phòng trừ sâu bệnh cho củ giống đóng vai trò quyết định đến chất lượng, năng suất nên phải kỹ lưỡng. Vào thời điểm thu hoạch củ, bà Ngọ ra ruộng lựa chọn từng củ một để làm giống. Khoảng 1 tháng trước khi thu củ, bằng mắt thường, bà Ngọ đã “chấm” những củ đủ tiêu chuẩn để làm giống, phòng trừ rệp sáp cho củ tại ruộng bằng cách cắt bớt lá, rải thuốc trừ rệp sáp. Khi đào củ, bà tiếp tục cắt bỏ bớt rễ và nhúng củ vào thuốc trừ rầy, rệp sáp một lần nữa. Lựa một góc vườn hoặc góc hè râm mát, bà chọn những củ to, đường kính từ 3-4cm xếp theo lớp để bảo quản. Với kích thước như vậy, khi củ được trồng mới sẽ nhanh chóng cho bông. Chọn xong củ giống, lựa ngày nắng gió, bà Ngọ phơi củ nhằm tiêu diệt các mầm bệnh. Xử lý củ hoa xong xuôi, bà “yên tâm” bắt tay vào xới xáo đất cũ, làm cỏ, lên luống, đánh rãnh cho cây. Để trồng hoa huệ bà thường đánh các luống hoa với chiều rộng từ 1-1,2m, cao 30-40cm. Khi ươm củ hoa, bà trồng với mật độ dao động từ 20-30cm/củ, sâu 2-3cm. Cũng theo bà Ngọ, chăm sóc cây hoa huệ không khó, giống như nhiều loại cây ngắn ngày khác. Thực hiện việc nhổ cỏ, tưới nước đủ, đều, bón phân chuồng hoai mục, phân lân, vôi bột và vệ sinh diệt khuẩn… là đảm bảo có một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, những người trồng hoa khác, đặc biệt trong khoảng thời gian cây cho bông phải thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, nếu phát hiện cây có triệu chứng sâu hại cần phải xử lý phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời.
Chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật, hàng năm ruộng hoa huệ nhà bà Ngọ luôn cho năng suất cao, ổn định. Sau 2,5-3 tháng sau khi trồng đã có thể thu hoạch những lứa hoa đầu mùa. Trung bình một tháng, bà có thể thu hoạch hoa 4-6 lần. Cây hoa sẽ cho bông đến tháng 8, khi gió heo may, hoa huệ xấu dần, tím ở đầu bông, cành và bông cũng “sắt” lại đáng kể. Hoa huệ là giống cây đặc biệt thích hợp với mùa hè, cây cho chất lượng hoa đẹp nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Thời gian sau đó, người nông dân vẫn có thể tận thu hoặc trồng huệ “trái vụ”, tuy nhiên chất lượng hoa không cao như khi chính vụ. Lúc này huệ đã vào kỳ “mãn khai” do không thích hợp với thời tiết lạnh khô. Hoa không đẹp nữa nên người trồng nhanh chóng chuyển sang trồng cúc hoặc hồng. Năm nay, với giá bán buôn tại ruộng từ 20-25 nghìn đồng/chục bông thời điểm đầu mùa, giữa mùa ước tính từ 12-15 nghìn đồng/chục bông, một sào huệ sau khi trừ chi phí sẽ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. “So với hoa cúc, mức thu nhập của hoa huệ không bằng, nhưng lại cao gấp nhiều lần trồng lúa. Tuy nhiên, trồng hoa huệ có nhiều lợi thế. Đây chính là giống cây giúp cải tạo đất, khi trồng cấy người nông dân cũng “nhàn” hơn rất nhiều. Hoa huệ không đòi hỏi nhiều công chăm sóc như hoa cúc, cũng không cần phải tưới quá nhiều phân, không phải đầu tư mua giống mới. Đặc biệt khi trồng hoa huệ, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu. Vì vậy không gây nhiều độc hại cho người trồng”, bà Ngọ tâm sự. Ngoài ra, cây hoa còn giúp các chủ nhà vườn “tận thu” khi có thể bán cả củ giống với mức giá 35-40 nghìn đồng/kg củ. Ngoài việc cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong tỉnh, hoa huệ ở Mỹ Tân hiện còn được thương lái vận chuyển, bán buôn ra nhiều tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương… Từ hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ, nhiều hộ gia đình ở Mỹ Tân đã chọn giống hoa này làm cây trồng chủ đạo. Theo ước tính, toàn xã hiện có khoảng 70-80 hộ gia đình trồng hoa huệ, tập trung ở các xóm Bình Dân, Phụ Long, Hưng Long, Hồng Long... Nhà nhiều có thể trồng tới hàng mẫu hoa huệ, xuất bán quanh năm. Từ cây hoa, đời sống của nhiều hộ gia đình đã được cải thiện đáng kể, con cái được học hành đầy đủ, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Nắng tháng 6 chiếu bỏng rát trên những ruộng hoa huệ. Trời càng nắng, lá cây càng xanh và những búp hoa trắng như càng nổi bật giữa nền trời. Những ruộng hoa huệ trải dài tít tắp, đưa hương thơm mát, bao mệt nhọc của khách phương xa dường như cũng được vơi đi đáng kể. Mong cho mùa hoa nào của người nông dân cũng là mùa bội thu để giống hoa đẹp này có thể “phủ rộng” trên nhiều cánh đồng hơn nữa./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên