Khi giá xăng liên tục có nhiều biến động, tăng lên gần 30 nghìn đồng/lít khiến chi phí đi lại của người dân tăng lên đáng kể. Từ nguyên nhân đó, nhiều người dân đã chuyển sang đi xe đạp điện, xe máy điện để tiết kiệm chi phí.
Xe điện được học sinh sử dụng phổ biến. |
Chị Phạm Hồng Nhung ở thành phố Nam Định cho biết: “Do con học ở trường gần nhà nên tôi thường đưa đón con đi học bằng xe máy điện. Xe nhỏ gọn, đi lại thuận tiện, vừa tiết kiệm tiền, vừa thân thiện với môi trường hơn so với đi xe chạy bằng xăng”. Chị Nguyễn Ngọc Khánh bán hàng ăn ở thành phố Nam Định cho rằng nếu tính toán kỹ và có kế hoạch thì xe máy điện giúp tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng so với chạy xe xăng. Chị chia sẻ: “Tôi thường xuyên đi giao hàng cho khách trên địa bàn thành phố. Tính ra nếu như ngày trước chạy 100km đổ xăng hết khoảng 70 nghìn đồng thì bây giờ chỉ mất khoảng 10 nghìn đồng chi phí sạc điện. Trong khi trước kia, khi chạy xe xăng, tôi còn phải lo dầu mỡ, chi phí sửa chữa khi hỏng hóc”. Theo khảo sát, hiện nay, thị trường xe điện rất phong phú, đa dạng với những thương hiệu trong nước và nước ngoài. Xe đạp điện thường có mức giá dao động từ 6-12 triệu đồng, xe máy điện từ 14-30 triệu đồng, những thương hiệu như: Vinfast, Pega, Yadea... thường có giá bán cao hơn từ 20-50 triệu đồng. Những khách hàng mua xe để đi làm, đi chợ thường lựa chọn dòng xe có vận tốc khá lớn, khoảng 50-90km/h; còn để phục vụ học sinh cấp 2, cấp 3 đi học, người tiêu dùng thường chọn mẫu xe có vận tốc khoảng 30km/h. Tùy từng mẫu xe, mỗi lần sạc đầy, xe có thể di chuyển từ 60-100km. Ông Nguyễn Quốc Đạt, chủ cửa hàng xe điện trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) cho biết: “Xe điện giá nào cũng có. Người có tài chính dư dả thì chọn xe máy điện tầm trung trở lên, còn ai ít tiền có thể chọn xe đạp điện hoặc xe máy điện giá thấp. Riêng sản phẩm xe đạp điện rất đắt khách do nhiều phụ huynh mua cho con em đi học. Bên cạnh đó, giá xăng cũng tăng nên xe điện là lựa chọn của nhiều gia đình. Thời gian gần đây, nhu cầu của khách hàng mua xe tại cửa hàng tăng từ 30-35% so với trước kia”. Qua tìm hiểu, trước đây mặt hàng xe máy, xe đạp điện chỉ được khách hàng quan tâm vào mùa tựu trường, ngày thường ít khách đến xem, mua sắm. Khi giai đoạn giá xăng tăng, để kích cầu tiêu dùng, hầu hết cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện đều đưa ra chương trình khuyến mãi, giảm giá như tặng 100% phí đăng ký biển số trị giá 1,5 triệu đồng, tặng mũ bảo hiểm, sửa chữa, bảo dưỡng miễn phí định kỳ… nên các cửa hàng khá hút khách.
Xe máy, xe đạp điện đem lại cho người sử dụng nhiều tiện lợi như: tiết kiệm chi phí, nhỏ, gọn, nhẹ hơn so với các loại xe chạy bằng xăng, tốc độ hợp lý, dễ sử dụng, thân thiện với môi trường... nên xe điện ngày càng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, người mua cũng nên cẩn trọng bởi hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều xe đạp điện, xe máy điện bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng hoặc bị thay thế phụ tùng mà người mua khó có thể nhận biết được. Chủ một cơ sở chuyên sửa chữa xe điện, xe máy trên đường Điện Biên (thành phố Nam Định) cho biết: “Có một số cơ sở kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện, vì lợi nhuận trước mắt đã nhập linh kiện không đảm bảo chất lượng về lắp ráp. Sau đó dán nhãn mác của các thương hiệu lớn, có uy tín. Có cửa hàng còn đánh tráo những bộ phận quan trọng của xe. Nếu người mua không có kinh nghiệm sẽ mua phải xe không đảm bảo. Trung bình một tháng, tôi sửa 10-20 chiếc xe đạp điện, xe máy điện bị hỏng. Xe chủ yếu bị hỏng bình ắc quy, tay ga hoặc lỗi IC. Nguyên nhân chủ yếu do mua phải hàng không bảo đảm chất lượng hoặc sử dụng, bảo quản xe không đúng cách”. Xe đạp điện, xe máy điện không đảm bảo chất lượng thường hoạt động kém ở bộ phận quan trọng là ắc quy, động cơ điện và bộ điều khiển. Ắc quy kém chất lượng sẽ làm xe nhanh hết điện. Nếu động cơ điện chất lượng kém, xe hay trục trặc, dễ bị ngấm nước khi gặp trời mưa to hoặc đường ngập sâu. Bộ điều khiển không tốt thì xe lúc đi nhanh, đi chậm không theo sự điều khiển của người sử dụng. Những chiếc xe đạp điện, xe máy điện nhái thương hiệu thường được nhập với giá chỉ bằng 50-60% so với xe chính hãng, chuẩn thương hiệu. Vì vậy, khi mua xe điện, người mua nên lựa chọn những cơ sở uy tín và kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm, không mua xe không rõ nguồn gốc, không được đăng kiểm, chứng nhận chất lượng... Bên cạnh đó, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cũng cần tuân thủ, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, đội mũ bảo hiểm khi di chuyển, chú ý quan sát... Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện, để xe khi đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa