14 năm qua, nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc (Ý Yên) luôn có bàn tay chăm sóc, khói nhang của 3 người phụ nữ tần tảo. Họ đều có điểm chung là vợ liệt sĩ, cùng về làm dâu thôn Vụ Ngoại và một lòng ở vậy nuôi con. Đối với những người phụ nữ ấy, ngoài nguyện ước được đón chồng về với quê hương, họ mong những việc làm thầm lặng của mình trở thành nén tâm hương dâng lên linh hồn những anh hùng đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Các bà: Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Nghĩa và Nguyễn Thị Hột dâng hoa lên Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc. |
Ba người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Hè (SN 1944), bà Nguyễn Thị Hột (SN 1945) và bà Nguyễn Thị Nghĩa (SN 1950). Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều tiễn chồng đi chiến đấu khi tuổi đời vừa mới “mười tám, đôi mươi”. Ở quê nhà, họ đều tảo tần hôm sớm, chăm lo nuôi dạy con cái, phụng dưỡng bố mẹ chồng, mong một ngày toàn thắng chồng trở về sum họp cùng gia đình, cho cha con được biết mặt nhau. Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với cả ba người phụ nữ ấy. Sau khi đất nước thống nhất, lần lượt cả ba người phụ nữ đều nhận được giấy báo tử của chồng. Bà Nguyễn Thị Nghĩa còn nhớ như ngày mùng 2 Tết năm 1978, bà bất ngờ nhận được giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Trần Văn Hải, hy sinh tại chiến trường Campuchia. Xa xôi cách trở như thế, bà không biết làm thế nào tìm được chồng. Khi ấy, hai đứa con vẫn còn thơ dại. Dù mọi người khuyên bà đi bước nữa nhưng bà từ chối, một lòng nuôi con, nuôi mong ước sẽ có ngày tìm được chồng mang về quê hương. Hiện tại, mấy mẹ con, bà cháu sống quây quần bên nhau, điều đó cũng khiến bà thấy an lòng khi tuổi đã xế chiều. Nhưng thăm thẳm trong lòng, bà đau đáu một ước nguyện tìm được hài cốt của chồng mang về quê an táng trước khi nhắm mắt xuôi tay. Bà Nguyễn Thị Hột, khi mới 27 tuổi đã nhận giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Phạm Văn Thâu, hy sinh năm 1974 tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc tiễn chồng đi kháng chiến, hai người kết hôn chưa đầy 5 tháng, bà đang mang thai con gái nhưng chồng của bà sau lần chia tay lên đường chiến đấu đã anh dũng hy sinh khi chưa một lần nhìn thấy mặt con. Dù xinh đẹp, nhiều người đến dạm hỏi nhưng bà một mực ở lại phụng dưỡng mẹ chồng đến khi cụ 93 tuổi. Những năm tháng cực nhọc đã trôi qua, con gái bà giờ đã có cháu nội, cháu ngoại. Không được may mắn như bà Nghĩa và bà Hột còn có đứa con làm chỗ dựa, bà Nguyễn Thị Hè, khi kết hôn với ông Đinh Văn Tâng chưa đầy 4 tháng thì phải tiễn chồng vào Long An chiến đấu. Năm 1972 ông Tâng hy sinh, không kịp để lại cho vợ giọt máu nào. Do không có con nên năm 1974 bà nhận một cậu con trai của người anh về nuôi cho đỡ cô quạnh tuổi già. Hiện tại, bà đã có chắt, ngày ngày quây quần bên con cháu bà cũng vơi đi mất mát của cuộc đời.
Đều đặn mỗi ngày, ba bà đều đến chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã. |
Chiến tranh đã phai tàn những năm tháng thanh xuân chờ đợi. Họ đều có đức tin, và mong mỏi anh linh các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang này phù hộ độ trì, dẫn dắt, đưa đồng đội của các anh trở về với gia đình. Vì vậy, 3 người phụ nữ ấy đã cùng nhau tình nguyện đứng ra chăm sóc, hương khói cho những phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc. Bà Hột là người đầu tiên tình nguyện ra trông coi nghĩa trang khi đó có 41 phần mộ mà không đòi hỏi bất cứ một chế độ gì. Từ năm 2008, nghĩa trang được xã xây sửa nâng cấp, nghĩ đến hai bà Nghĩa và Hè cùng cảnh ngộ, bà rủ các bà cùng ra chăm sóc cho phần mộ của các liệt sĩ, cũng là để có thêm người bầu bạn. Đối với các bà, công việc chăm sóc nghĩa trang không có gì vất vả, chỉ là nhổ cỏ, trồng hoa, quét dọn sao cho khuôn viên nghĩa trang luôn sạch sẽ, khang trang. Trước đây, khi còn khó khăn, các bà tìm mua giống hoa về rồi nhân giống để trồng xung quanh nghĩa trang và bia mộ với nhiều loài hoa, mùa nào hoa nấy lúc nào cũng xanh tươi, thơm ngát. Ngày ngày, được tự tay quét dọn, thắp nén nhang thơm, cả 3 người phụ nữ này thấy lòng như ấm hơn. Mỗi khi đến Ngày Giải phóng miền Nam 30-4, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7…, các bà đều dậy sớm để dọn dẹp, chỉnh trang mỗi phần mộ để cùng với chính quyền địa phương tổ chức các nghi lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Bao năm gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ, họ không mong cầu gì mà chỉ tâm niệm được đón được hài cốt chồng về quê hương. Họ hy vọng, ở nơi nào đó, chồng mình cũng được người khác nhang khói như công việc các bà đang làm tại đây. Sau bao năm, bà Nguyễn Thị Hè là người đầu tiên được đón hài cốt của chồng về nghĩa trang vào tháng 9-2011. Tới tháng 5-2012, một tin vui nữa lại đến khi bà Nguyễn Thị Hột cũng đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Thâu. Chỉ còn bà Nghĩa, đã hơn 40 năm trôi qua, hai người con giờ đã trưởng thành mẹ con bà vẫn đau đáu về chồng, về cha nơi phương xa, khi chưa có thông tin gì về hài cốt của liệt sĩ.
Hình ảnh người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nguồn: nhandan.vn |
Bao năm gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ xã với công việc thầm lặng, các bà Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Hột và Nguyễn Thị Nghĩa nay tuổi đã cao. Thắp nén nhang trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, các bà cho biết: “Tất cả các Anh hùng liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang đều đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc, dù mỗi người ở một nơi nhưng cuối cùng họ lại chọn một nơi để nằm xuống. Chúng tôi, những người còn sống đều muốn thành kính tri ân và góp một phần nhỏ bé để cho thân nhân các anh, các chị đỡ tủi. Chúng tôi nguyện duy trì công việc đang làm cho đến khi nào không bước đi được nữa”./.
Bài và ảnh: Hồng Minh