Xuôi Quốc lộ 21 vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp gặp bà Lê Thị Hường, xóm 21, xã Điền Xá (Nam Trực). Tranh thủ trò chuyện, bà Hường không quên “nhiệm vụ” quan trọng trong ngày, hoàn thành nốt chiếc mành mành dài 2m, rộng 1,8m để kịp giao cho khách. Ngoài 70 tuổi và gắn bó với nghề đan mành mành đến nay cũng đã trên 50 năm, bà Hường bảo, giờ “nhắm mắt” cũng có thể đan được mành. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, lượng khách mua giảm sút đáng kể, nghề đan mành mành hiện gặp nhiều cái “khó”.
Hàng ngày, bà Lê Thị Hường, xóm 21, xã Điền Xá (Nam Trực) vẫn miệt mài đan và giữ nghề làm mành mành. |
Tương truyền, nghề đan mành tre ở Điền Xá có từ thế kỷ XVII, do ông tổ nghề Đỗ Đình Kênh, người Bắc Ninh truyền dạy. Ở vào những năm cực thịnh của nghề, cả xã Điền Xá thôn, xóm nào cũng có người đan mành, làm mành mành. Làng xóm vì thế luôn nhộn nhịp trong tiếng quả xâu móc đều đều gõ vào mành tre lách cách, vui tai. Trải qua vài trăm năm phát triển nghề, đến nay một số hộ gia đình trong xã vẫn giữ được nghề xưa. Dưới đôi bàn tay khéo léo của các thợ nghề còn sáng tạo ra nhiều loại mành mới. Chỉ tính riêng mành tre đã có hơn chục loại như: mành sấp ngửa, mành một mặt, mành hai mặt, mành làm giát giường, mành che chạn bát, mành nan to, nan nhỏ, nan vuông, nan tròn… Tuy nhiên, loại mành thông dụng và được người Điền Xá đan nhiều nhất vẫn là mành tre dùng để treo cửa ra vào tránh mưa nắng, côn trùng. Theo thời gian, không chỉ sáng tạo đan các loại mành mới, người trong xã còn nghĩ ra nhiều cách trang trí bắt mắt sao cho những tấm mành trở nên khác biệt, “hấp dẫn” hơn. Theo đó, trên các loại mành nan nhỏ dùng buông rủ nơi cửa đình, cửa chùa và bàn thờ gia tiên họ đã sơn rồi vẽ họa tiết hoa lá hoặc lấy theo các tích cổ. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể vẽ hoặc sơn lên mành được. Có những người thợ đan mành rất đẹp, rất nhanh nhưng lại không có “hoa tay” để vẽ. Để khắc phục “bất cập”, những hộ gia đình làm mành thường thuê thợ kẻ vẽ câu đối vẽ mành. Đối với những tấm mành được trang trí bằng sơn, người thợ thủ công còn cẩn thận dùng keo da trâu hòa với thuốc màu từ những nguyên liệu tự nhiên để sơn. Vì thế, màu sơn rất bền, có khi tấm mành đã hỏng nhưng những hoạ tiết trên mành đôi khi vẫn còn khá sắc nét, không bị phai. Để làm ra một tấm mành mành, theo bà Hường không khó nhưng đòi hỏi nhiều công sức. Những thợ đan mành lành nghề trong xã rất “kỹ tính” trong mọi công đoạn làm mành. Chọn được nguyên liệu ưng ý là những cây nứa già, thẳng tắp mọc chót vót trên những đồi núi cao các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, bà Hường cũng như nhiều hộ gia đình làm mành không vội bắt tay vào việc đan lát ngay. Việc đầu tiên họ làm là “thuần” nứa. Cách “thuần” rất đơn giản, ngâm cây xuống ao hoặc chỗ có nhiều nước rồi vớt lên phơi nắng. Thời gian phơi được đo bằng độ săn chắc của cây nứa. Quan sát thấy cây có dấu hiệu “tóp” lại, bà Hường mới chính thức bắt tay vào làm. Chọn đầu sáng sớm hoặc buổi tối rảnh rỗi, bà tranh thủ ngồi chẻ, “lột bụng” bỏ cật, chuốt nan. Bởi trước khi vào máng bà muốn tất cả các khâu chuẩn bị đều đã hoàn tất rồi chỉ việc “đứng một lèo” đan mành, đỡ phải chạy đi chạy lại. Vào máng, bà Hường như thành… một người khác, vô cùng nhanh nhẹn, khéo léo. Lấy một sợi nan đặt ngay ngắn trên máng, 2 tay bà “đảo” liên tục các quả xâu móc đặt dọc quanh máng để đan. Trong một ngày, nếu không phải chẻ nan, bà Hường có thể đan tối đa 5m2 mành. “Đấy là năng suất của những năm… trai trẻ, khi mà mắt vẫn còn tinh, tay vẫn còn nhanh và tôi chưa bị bệnh đau lưng hành hạ, di chứng của việc đứng quá nhiều để đan mành. Bây giờ, vì không có ai phụ, một mình tôi cáng đáng từ việc chẻ, lột nan và đan cộng với sức khỏe giảm sút, mỗi ngày tôi có làm cố cũng chỉ được khoảng gần 2m2”, bà Hường chia sẻ thêm. Quá trình đan, bà Hường đặc biệt chú ý đến việc lật mặt các sợi nan, sao cho mặt cật và mặt lõi đan xen nhau. Mục đích là nhằm giảm độ cong vênh giữa các sợi mành khi sử dụng. Khi chúng tôi hỏi bà Hường, “tiêu chí” nào để đánh giá một tấm mành mành đẹp? Bà Hường cho biết, một tấm mành mành đẹp phải đảm bảo đủ các điều kiện: sợi mành có độ khít, bóng, đều và bền. Nếu là mành làm giát giường thì người nằm không bị đau lưng. Đối với các loại mành treo trước cửa nhà và ở ban thờ thì các sợi phải khít nhau, màu sắc nan tươi tắn, nét vẽ hoặc sơn sắc nét… Cẩn trọng trong tất cả các công đoạn từ chọn nguyên liệu, đan lát, những người thợ làm mành mành ở Điền Xá đã và đang làm ra những chiếc mành không chỉ có độ bền cao mà còn đẹp, tỉ mỉ, được khách gần xa đánh giá cao, yêu thích lựa mua. Cũng vào những năm cực thịnh của nghề, người Điền Xá ít khi phải mang mành mành đi bán xa. Làm xong mành, thợ mành dựng bán ngay trước cửa nhà. Bà Hường cho biết thêm: “2/3 số lượng mành mành của gia đình được người đi đường hỏi mua. Khách hàng thường xuyên đến từ các huyện Hải Hậu, Giao Thủy”. Khi ít khách, tuần vài ba lần bà Hường chở mành vào các chợ phiên trong xã hoặc chợ xóm Trung để bán thêm. Chợ xóm Trung cũng là chợ phiên bán mành mành lớn nhất ở Điền Xá từ trước đến nay. Với giá bán 70 nghìn đồng/m2 đối với mành nan nhỏ; 110-150 nghìn đồng/m2 đối với mành nan to, hàng ngày trừ chi phí, bà Hường ước tính công đan mành thu được khoảng 50 nghìn đồng. “Đây là mức thu nhập thấp so với nhu cầu đời sống hiện nay. Thu nhập thấp cũng chính là lý do dẫn đến việc ngày càng ít các hộ gia đình ở Điền Xá, đặc biệt là những người trẻ theo nghề đan mành mành. Các hộ gia đình đang làm nghề giờ chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, bà Hường nói. Mặc dù có ưu điểm là tận dụng được tối đa thời gian rỗi trong ngày và không “kén” chọn thợ, già, trẻ, trai, gái ai cũng có thể đan được mành mành miễn là chịu khó học nghề. Tuy nhiên do hiệu quả kinh tế chưa cao nên nghề đan mành cũng đang đứng trước nhiều “khó”, mà khó nhất vẫn là ngày càng có ít người muốn duy trì nghề.
Quốc lộ 21, đoạn đi qua xã Điền Xá hàng ngày luôn ồn ào, náo động trong tiếng xe cộ, tiếng người qua lại. Tuy nhiên, nếu để ý và lắng nghe thật kỹ, người đi đường vẫn có thể phát hiện tiếng những quả xâu móc đều đều, cần mẫn vang ngân ở mỗi máng dệt. Từ đôi bàn tay của các mẹ, các chị, các bà, năm này qua tháng khác bao tấm mành bền, đẹp đã ra đời, nuôi sống dân làng nghề. Dẫu cho nghề xưa đã không còn thịnh, nhiều người đổi nghề thì niềm vui hàng ngày của những người cao tuổi, có thâm niên trong nghề như bà Hường vẫn là được đứng trên máng, được đan, được chào mời, giới thiệu về bao chiếc mành đẹp với khách thập phương. Đó cũng là cách để những người thợ đan mành mành như bà Hường giữ nghề xưa và “truyền lửa” cho những người thợ trẻ kế tiếp./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân