Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), trong niềm vui thắng lợi chung của cả nước, bà con thôn Xuân Tân, xã Xuân Tân (Xuân Trường) hân hoan đón con em mình là bộ đội từ miền Nam chiến thắng trở về. Những người còn sống chưa có dịp trở về cũng gửi thư báo tin cho gia đình. Đến cuối năm 1975, các gia đình có người hy sinh đã nhận giấy báo tử, biết được nơi chôn cất, không còn hy vọng con em mình trở về. Riêng trường hợp ông Trịnh Kim Hùng, con hai cụ Trịnh Thúc Hân và Ngô Thị Xuân (xã Xuân Tân), sau ngày nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu năm 1969, gia đình không nhận được bất cứ tin tức gì. Vốn trước đó, ông Trịnh Kim Hùng làm công nhân tại tỉnh Hà Giang, đã lập gia đình với bà Ngô Thị Tuyết, người cùng thôn Xuân Tân, sinh một con gái đặt tên là Trịnh Thị Hảo. Tin rằng chồng đã hy sinh, bà Ngô Thị Tuyết mang cháu Hảo về gửi cha mình là cụ Ngô Văn Roanh nuôi, rồi xin phép hai bên gia đình đi bước nữa tại huyện Giao Thủy.
Cụ Ngô Văn Roanh, cha bà Ngô Thị Tuyết có 7 người con, gồm 3 trai, 4 gái. Cụ bà mất sớm, một mình nuôi 7 người con nên gia đình rất nghèo. Các anh, các chị lập gia đình ra ở riêng, mọi công việc nặng nhẹ đều vào tay cô em gái tên là Ngô Thị Bình. Bà Bình hàng ngày, hết việc đồng áng, lại dành thời gian thay chị gái lấy chồng xa, bế ẵm, chăm sóc cháu Hảo, dì cháu quấn quýt không rời. Bà Bình sinh năm 1956, đẹp người, đẹp nết, chăm làm, năm nào cũng được bình chọn là xã viên giỏi, đoàn viên thanh niên gương mẫu, một số gia đình trong thôn, trong xã ngỏ ý muốn xin về làm dâu, nhưng vì thương cháu, bà chưa dám nhận lời ai. Bỗng một hôm vào giáp Tết Nguyên đán năm 1976, cả thôn Xuân Tân nhận tin vui ông Trịnh Kim Hùng vẫn còn sống và đang trên đường từ Ga Nam Định trở về nhà. Dân làng vui một thì hai bên gia đình nội ngoại cháu Hảo vui mười nhưng không dám nói đến chuyện bà Ngô Thị Tuyết vợ ông Hùng đã lấy chồng khác. Ông Hùng bế con trong tay chỉ mong đến chiều vợ về, nhưng càng mong càng biệt tăm tích. Cuối cùng việc gì đến cũng phải đến, đích thân cụ Ngô Văn Roanh, thân sinh bà Ngô Thị Tuyết đã nói ra điều này. Cụ nghẹn ngào “Con ơi! Dù vợ con đã đi bước nữa, cha vẫn coi con là con rể. Cha còn em Bình đã đến tuổi lập gia đình, nếu con đồng ý, cha sẽ gả cho con”. Cụ Roanh nói ngay cả khi có mặt bà Bình lúc đó đang bế cháu Hảo trong tay. Ông Hùng nhận thấy cặp mắt trong trẻo, vẻ mặt tươi tắn, dịu hiền của bà Bình lúc ấy thân thương, gần gũi đến kỳ lạ. Trong khi đó cả ông Hùng và bà Bình đều không nói gì, nhưng ai cũng hiểu họ đã nhận lời với nhau. Lễ cưới của cặp vợ chồng Trịnh Kim Hùng, Ngô Thị Bình được tổ chức ngay trong tháng. Bà Ngô Thị Tuyết với tư cách chị gái vợ cùng chồng từ huyện Giao Thủy về lo đám cưới thật chu đáo.
Trở lại chuyện ông Trịnh Kim Hùng, năm 1969, được điều động, bổ sung cho lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum làm nhiệm vụ đặc biệt là đi sâu trong vùng tạm chiếm của địch nắm tình hình, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng, cung cấp thông tin, tổ chức đánh địch khi điều kiện cho phép. Địa bàn hoạt động của ông chủ yếu là hai huyện Đắk Glei và Đắk Tô. Do tính chất của công việc nên ông phải thường xuyên giữ bí mật, giao tiếp, liên lạc đúng người, đúng tuyến, ít xuất đầu, lộ diện với bên ngoài đến nỗi ở quê miền Bắc hầu như ai cũng tin rằng ông đã hy sinh. Trong khoảng thời gian 5 năm, ông Trịnh Kim Hùng tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, trong đó có trận đánh phối hợp giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đánh căn cứ 42 của ngụy trong chiến dịch giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh tháng 4 năm 1972, các trận đánh vùng sông Sê San, Chư Băng Hiêng, Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Tụ, Ngọc Rinh Rua, Plây Kần và nhiều trận đánh phối hợp mở màn chiến địch giải phóng Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1977, sau một năm lập gia đình với bà Ngô Thị Bình, ông Trịnh Kim Hùng đón mẹ già và vợ con vào sống tại thị xã Kon Tum. Tại đây bà Bình xin được học lớp nghiệp vụ ngân hàng, sau đó về làm việc ở Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước. Ông Trịnh Kim Hùng tiếp tục làm việc tại lực lượng vũ trang địa phương, lần lượt giữ các cương vị: Trưởng Ban Quân sự thị xã Kon Tum, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh với quân hàm Đại tá đến trước khi mất (năm 2010). Trong quá trình chiến đấu và công tác, ông Trịnh Kim Hùng luôn gương mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách đều gương mẫu, đúng đắn, có tính giáo dục, được mọi người yêu quý. Với những đóng góp cho cách mạng, ông nhận được nhiều phần thưởng của Nhà nước và chính quyền địa phương, trong đó có 12 Huân chương các loại. Về gia đình, ông bà có sáu người con, gồm chị Trịnh Thị Hảo con bà Ngô Thị Tuyết và 5 người con do bà Bình sinh ra, tất cả đều được học hành chu đáo, có gia đình riêng, việc làm ổn định.
Dù thời gian đi qua nhưng câu chuyện tình của ông Trịnh Kim Hùng với bà Ngô Thị Bình là một câu chuyện đẹp mang tính nhân văn của dân tộc và thời đại ngày nay./.
Lê Văn Thiềng